CÁ HÓA RỒNG
Là một tiến sĩ nông nghiệp, nhưng Y phải tự thừa nhận rằng Y chẳng biết gì về chuyện đất đai. Ngay như căn nhà mà gia đình Y đang ở, nếu ngày ấy vợ Y không quyết, thì cho đến bây giờ Y vẫn là kẻ vô gia cư.
Câu chuyện xa lắc rồi, từ hơn mười năm trước. Ngày ấy, Y mới tu nghiệp từ Liên Xô về, cơ quan cho ở nhờ trong phòng làm việc. Ban ngày là nơi công sở, bếp điện nồi xoong cất dưới gầm tủ, chiều tối lôi ra nấu nướng, kê hai chiếc bàn lại, vừa làm bàn ăn, vừa làm giường ngủ.
Khổ thế, nhưng về làng Y vẫn mũ áo xênh xang, đeo cái mác Kandidat (Phó tiến sĩ), chuyên viên Viện X, oai lắm. Cho đến một ngày kia vợ Y, cô giáo Trâm dạy mẫu giáo trường làng, lên chơi, biết tỏng cái ổ con chuồn chuồn, liền ra một chỉ thị:
- Phó tiến sĩ mà sống úi xùi như anh thì thà về nhà cày ruộng. Phải dồn tiền mua một miếng đất, dựng một gian lên. Nếu cần, em xin nghỉ dạy, lên chạy chợ để chăm sóc cho anh làm khoa học.
Vợ Y mở hầu bao, chìa ra tám cái nhẫn vàng. Thì ra bao nhiêu bàn là, nồi hầm, dây mai-xo Y gửi về mấy năm trước, Trâm chuyển thành vàng hết, cất đi.
Cái thửa ruộng một sào rau muống mà vợ chồng Y đang ở đây, hồi ấy mua hết có sáu cái nhẫn vàng, tức một cây hai. Bây giờ bỏ rẻ cũng phải năm tỷ, hơn sáu trăm cây vàng, tương đương với ba nghìn chiếc nhẫn.
Giờ thì Y có máu mặt rồi. Nhờ sự đổi mới của cơ chế, sau một đêm ngủ dậy, Y được chuyển đổi từ học vị phó tiến sĩ thành tiến sĩ. Tiếp đó, Y lại được phong hàm phó giáo sư. Có chức quyền, có danh tất sẽ có lợi. Hàng loạt các dự án, đề tài khoa học được dành cho Y. Y tham gia hội đồng xét duyệt này, hội đồng chấm thi nọ, rồi hướng dẫn làm luận án thạc sĩ, phản biện luận án tiến sĩ... Tiền phong bì nhiều gấp trăm lần tiền lương. Ấy vậy mà so với lợi nhuận buôn địa ốc của Trâm, thì thu nhập của Y cũng chỉ như cái móng tay. Một năm chỉ cần Trâm trúng vài ba phi vụ, cũng lãi vài trăm triệu. Có tiền, vợ chồng Y đập cái nhà cấp bốn để xây một biệt thự ba tầng, cứ nhẹ tênh như người ta làm một cái chuồng gà.
Buồn một nỗi, cái biệt thự của vợ chồng Y lại nằm khuất trong ngách. Từ đường ô-tô phải đi qua một ngõ nhỏ, nơi có bụi tre chắn ngang, rồi men theo bờ ao hình thước thợ vào nhà. Chủ nhân của chiếc ao và hơn mười nghìn mét vuông đất ngay sát nhà Y là Mít, làm nghề mổ thịt cầy ở chợ Xanh, có tính cách pha trộn giữa Tê-nac-đi-ê của Vích-to Huy-gô và Chí Phèo của Nam Cao.
Nếu muốn tìm lại hình ảnh của một nông thôn ngoại ô những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, thì chẳng phải đi đâu xa, cứ lên sân thượng ngôi biệt thự nhà Y nhìn xuống. Trong khi tứ bề nhà cao tầng mọc lên, thì riêng nhà Mít vẫn giữ nguyên trạng từ gần trăm năm nay. Một nhà ngói cấp bốn rêu mốc, thấp tè, nối với nhà bếp, chuồng lợn và nhà xí, nằm giữa một vườn ổi, nhãn, dừa, tre pheo um tùm. Chao ôi, cái ao bèo của Mít sao giống với cái ao bèo ở quê nhà Y quá chừng. Một mầu nước nâu đen, tù đọng, những đám khoai nước mọc loi thoi quanh bờ, một cây sung già ngả sát cầu ao. Những ngày mưa, những đêm trở trời, từ cái ao bèo rộn lên bản hòa tấu của ếch nhái, côn trùng.
Người quanh năm khai thác nguồn lợi từ cái ao bèo là bà cụ Ổi, mẹ Mít. Không ai đoán nổi bà cụ bao nhiêu tuổi, chỉ thấy mỗi năm cái lưng bà cụ thêm còng xuống, và gương mặt nhăn nheo như quả hồng xiêm héo, sạm một mầu đất. Hình như vợ chồng Mít phân công bà cụ chuyên trách việc nuôi lợn. Lúc nào cũng thấy bà cụ Ổi băm bèo, nấu cám lợn. Từ cái chuồng lợn xiêu vẹo, mùi phân tỏa đi khắp xóm. Khốn khổ cho những cái mũi của vợ con Y. Ngửi mùi phân lợn kinh niên, thành quen, đến nỗi nhiều khi ngồi vào bàn ăn mà không thể phân biệt được mùi vị của các món.
Vợ Y từng nhiều lần lân la sang nói chuyện với bà cụ Ổi:
- Cụ ơi, đất đang có giá. Mỗi mét vuông nhà ta cũng hơn hai chục triệu, sao cụ không bảo bác Mít bán cái ao đi để xây cho cụ cái nhà tử tế mà ở?
- Không được đâu. Nhiều người đến hỏi mua, nhưng thằng bố Mít nó không nghe. Nếu bán, đã bán rồi. - Bà cụ thì thào vào tai Trâm - Nó sợ phải chia cho các em nó. Tôi có hai trai, bốn gái. Các cô Chanh, Na, Bưởi, Hồng đều đi lấy chồng, có nhà trên phố. Thằng Sung, em thằng Mít, ở nhờ nhà vợ, chật chội lắm. Tôi bảo bố Mít chia thửa đất này thành tám phần, bán đi, nó ba phần còn các em mỗi đứa một phần, mà nó không nghe. Nó muốn chiếm cả cô ạ. Tôi khổ lắm. Ngồi trên đống vàng mà sống như kẻ ăn mày. Năm đứa em thằng Mít từ mặt anh, không thèm nhìn...
Hóa ra tất cả là do cái tính tham của Mít. Y bỗng nghĩ tới câu chuyện cá chép hóa rồng. Bao nhiêu lần đi thi vượt Vũ Môn, cá chép đều không thể trở thành rồng. Cá đi gặp Tiên, Tiên bảo: "Trong miệng ngươi đang ngậm viên ngọc. Phải nhả viên ngọc ra cho mọi người thì ngươi mới vượt được Vũ Môn, lúc đó ắt hóa thành rồng". Gã đồ tể hàng xóm của Y muốn giữ viên ngọc, tức là hơn nghìn mét vuông đất, làm của riêng mình. Ðầu óc gã làm sao hiểu được câu chuyện cá chép hóa rồng. Y bỗng thấy thương vợ. Chục năm trước hí hửng mua được sào ruộng rau muống với giá rẻ, ai ngờ ngôi biệt thự hôm nay bị đút nút tận cùng trong ngõ ngách.
Ngược hẳn với sự thương miệng, thương môi của Y, Trâm lẳng lặng hành động để cải tạo hoàn cảnh. Chị đi vận động bảy gia đình chung quanh nhất trí góp tiền mua đất bụi tre và rẻo ao nhà Mít, quyết mở một con đường cho ô-tô con vào từng nhà. Tiếp đó, Trâm lần tìm đến từng gia đình anh Sung, và các chị Chanh, Bưởi, Na, Hồng xin từng chữ ký, tất nhiên có cả vân tay điểm chỉ của bà cụ Ổi đồng ý cho các con bán rẻo đất cho xóm làm lối đi, theo giá thị trường.
Sự việc tưởng êm xuôi, nào ngờ mọi người đã chọc vào tổ ong vò vẽ. Mít phát điên lên, cầm thanh mã tấu, phanh ngực, để hở chòm lông xoăn tít, đứng bên bờ ao réo tên chửi từng nhà trong xóm, rồi gã chửi cả bà cụ Ổi và năm đứa em ruột. Mít cắm phập thanh mã tấu xuống đất:
- Thằng nào, con nào muốn xắn một miếng đất nhà ông thì vào đây. Ông băm lẫn với bèo để nuôi lợn tăng trọng.
Từ hôm ấy, Y như người mất hồn. Y bàn với vợ:
- Ta rao bán ngôi nhà thôi em ạ. Kiếm ngôi nhà nào nhỏ hơn, nhưng ở ngoài mặt phố, cạnh người tử tế. Chui vào đây ở cạnh gã Chí Phèo, suốt đời vợ chồng con cái không mở mặt lên được.
Trâm đồng ý với Y. Ngày hôm sau họ rao bán nhà trên tờ "Thị trường bất động sản".
Suốt cả tuần sau, không thấy bà cụ Ổi vớt bèo nấu cám lợn. Trâm mua gói bánh, hộp sữa, dúi vào tay Y và bảo:
- Tay Mít nó nhốt bà cụ rồi. Anh sang thăm bà cụ một tí. Có khi mà ông con trai đang muốn bỏ đói cho mẹ chết cũng nên...
Chần chừ mãi, nhưng rồi Y cũng nghe theo vợ, rình lúc Mít đi chợ, sang thăm bà cụ Ổi. Quả nhiên, đã hơn mười ngày nay, vợ chồng Mít chỉ cho bà cụ ăn mỗi ngày một bữa cháo. Bà cụ Ổi nằm bệt trên giường, đói lả đến mức Y phải ghé sát tai mới nghe tiếng được, tiếng mất.
- Thằng Mít nó không cho ăn... Nó không báo cho các em nó biết... Ông làm ơn nhắn thằng Sung, con Chanh, con Bưởi...
Y lật đật bước qua cái cổng sắt, chạy về bảo vợ đi báo tin cho các con bà cụ Ổi.
Nhưng không kịp. Ðến chiều tối thì bà cụ tắt thở.
Ðám ma bà cụ Ổi bị tắc nghẽn hàng tiếng đồng hồ chỉ vì cái bụi tre chắn ở cổng và sự lăn lóc gào khóc của vợ chồng con cái Mít. Giữ đúng phong tục truyền thống, Mít mặc áo xô gai, thắt dây chuối ngang bụng, đầu đội nùn rơm, chân đất, gậy tre, đi giật lùi trước quan tài mẹ. Chưa bao giờ thấy ai khóc mẹ thống thiết như gã. Chốc chốc, gã lại rống lên:
- Ối mẹ ơi! Vợ chồng con nghèo quá. Con chỉ ân hận chưa xây được cái nhà tử tế cho mẹ ở...
Mấy người láng giềng bấm nhau, lắc đầu, ngao ngán:
- Ðạo đức giả đến thế là cùng. Bà cụ chết rồi. Giờ thì mình ông ta làm chủ cả nghìn mét vuông đất, giá tới mấy nghìn cây vàng.
Nghĩ đến câu chuyện cá chép hóa rồng, Y thấy trong trường hợp "hóa rồng" của Mít, ngọc không phải là đất, mà chính là bà cụ Ổi. Chỉ có điều, con cá chép tham lam muốn hóa rồng phải nhả viên ngọc cho mọi người, còn Mít thì lại tìm cách cho "viên ngọc" vào trong quan tài, chôn xuống đất, rồi gã nghiễm nhiên sở hữu toàn bộ gia tài, trở thành tỷ phú.
Người khách đầu tiên đến hỏi mua nhà, chỉ trả bằng bảy mươi phần trăm giá Trâm rao bán, Y cũng bảo vợ bán ngay.
- Tránh xa cái thằng Mít bất nhân này, dẫu ngày mai nó gọi cho không bụi tre và rẻo đất bờ ao để mở đường đón ô-tô vào biệt thự nhà mình.
Trâm nhìn chồng, mỉm cười, tán đồng. Lần đầu tiên chị thấy Y đáng tầm một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về đất đai.
Hoàng Minh Tường
Tìm hiểu thêm:
NHÀ VĂN HOÀNG MINH TƯỜNG
Tôi muốn hỏi người đọc một thông điệp đáng sợ
Đầu năm 2005, nhà văn Hoàng Minh Tường đã cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Ngư phủ, một tiếp nối trong bộ tiểu thuyết Gia phả của đất. Bạn đọc đã từng có ấn tượng sâu sắc ở cuốn thứ nhất trong bộ về một thế giới Thuỷ hoả đạo tặc, tiếp đến cuốn thứ hai là Đồng sau bão. Nay Ngư phủ hoặc sẽ sáng chói, hoặc có thể bị lu mờ sau hai cuốn “trần gian bụi bặm chốn quê” của anh. Cuộc trò chuyện dưới đây giữa hai nhà văn thuộc Ban Sáng tác Hội Nhà văn VN sẽ mở ra cho bạn đọc một góc nhìn sâu sắc hơn khi đọc tác phẩm.
1. Giữa phố phường hoa lệ-bụi bặm, tại sao anh lại chọn một lăng kính Ngư phủ?
- Tôi thuộc cái tạng người dù có comple cravat, cổ cồn áo trắng, giày giôn đen bóng... cũng không thể đóng được vai thị thành hay trí thức được. Cái máu nhà quê nó ngấm vào hồn vía rồi. Giống như anh giáo Thứ của nhà văn Nam Cao, dù có lên tỉnh mở trường dạy học, tiếp xúc với đủ hạng người bợm bãi, thập thành, thì đêm đêm vẫn cứ phải bầu bạn với lão Hạc, với Chí Phèo và Thị Nở. Thôn quê vẫn luôn ám ảnh tôi, phủ lên tôi một thứ sóng, một trường lực khiến tôi không thể thoát ra được. Vì thế, những năm công tác ở ngành thuỷ sản( 2000-2004), hễ có dịp là tôi lại đi lang thang đến những làng chài ven biển. Ngư dân thực chất chính là người nông dân làm nghề cá. Và những làng chài, những thân phận ngư phủ nổi lênh đênh đã khiến tôi nhận ra rằng họ là một phiên bản của những người trồng lúa. Khác chăng là họ phải đối mặt với một thiên nhiên nghiệt ngã và dữ dội, khốc liệt hơn nhiều trong cuộc mưu sinh...
2. Đọc Ngư phủ, thấy nhân vật lão Đàm như có họ hàng với ông Điền bí thư chi bộ trong Thuỷ hoả đạo tặc và Đồng sau bão. Phải chăng đó là mối liên kết mà tác giả đã ngầm nối giữa những sáng tác của mình?
- Cũng có thể gọi đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại của tác giả với các nhân vật trong Ngư phủ. Tôi tự coi Ngư phủ như tập ba trong bộ tiểu thuyết Gia phả của đất mà tập một là Thuỷ hoả đạo tặc, tập hai là Đồng sau bão. Vũ Trọng Lịch và Duyên, những nhân vật của Ngư phủ có họ hàng rất gần với Thanh và Vy trong Gia phả của đất. Họ là những người thừa sự thông minh dũng cảm, lòng nhân hậu vị tha, vậy mà cuối cùng họ vẫn không thắng nổi cái ác, thói ti tiện, vô nhân...
3. Đọc anh, thấy rõ tính nhân bản vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm. Nhưng ngược lại, sự bặm trợn, thô thiển đến thô tục; sự trồi sụt mất nhân cách - thể hiện trong một số nhân vật của tiểu thuyết Hoàng Minh Tường có một dấu ấn rất riêng biệt, khiến người đọc nhiều khi cảm thấy hụt hẫng mất phương hướng, hay đúng hơn là mất niềm tin giữa cuộc sống đầy rẫy bất an. Anh định đưa ra thông điệp gì? Hay chính anh cũng đang muốn hỏi người đọc một thông điệp đáng sợ nào đó?
- Tôi sợ cái câu hỏi của người phỏng vấn. Chị đã đi guốc vào bụng tôi rồi. Tôi chẳng có thông điệp gì đưa tới người đọc mà chính tôi đang muốn hỏi người đọc. Tôi chỉ biết cảm nhận và trình bày cuộc sống đầy rẫy những bất an. Mà chị thấy đấy, nhà tiểu thuyết có phải bịa một tẹo nào đâu, bản thân cuộc đời nó đã phơi bày hết cả rồi. Tôi làm sao bịa ra được những nghĩa địa tàu, “ sản phẩm” của cuộc đầu tư ồ ạt nhằm tăng nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, vẫn đang nằm chềnh hềnh ở nhiều cảng cá từ nam chí bắc; làm sao mà dám vu cho bọn thuỷe tặc dùng mìn, dùng kích điện và đủ mọi thủ đoạn, đang hàng ngày tàn sát ngư trường, phá hoại môi sinh? Người viết sẽ dễ trở thành đồng loã với cái ác nếu chỉ tâng bốc, bôi hồng cuộc sống. Đọc lại mình, nhiều khi chính tôi cũng thấy “ sự bặm trợn, thô thiển đến thô tục”. Tôi như hoá thân trong cái lão chủ nhiệm dỏm Lưu sáu ngón, cái gã đĩ đực, thớ lợ và đểu giả Lưu cá ngựa... để trình bày với độc giả...
4. Thảo nào những nhân vật phản diện của anh rất đáng sợ...
- Vậy là phần nào tôi đã thuyết phục được người đọc. Tôi làm cho họ hoang mang, “nhiều khi cảm thấy hụt hẫng mất phương hướng”, “mất niềm tin giữa cuộc sống đầy rẫy bất an” như chị nói. Mấy người bạn học phổ thông với tôi khi được tôi tặng sách đã bảo rằng” không dám cho con cái mới lớn đọc”. Hãi đến thế kia đấy. Nhưng cấm làm sao được độc giả, khi báo chí hàng ngày đầy rẫy những vụ án, sự đểu giả; để tuyên truyền, quảng bá, để cảnh báo, để thức tỉnh lương tri... Hay nói như chị là tôi “đang muốn hỏi người đọc một thông điệp đáng sợ nào đó”.
5. Với nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, anh sẽ làm gì trong vai trò mới này? Có phải là một sự bổ sung lực lượng cho vấn đề định hướng sáng tác của Ban chấp hành khoá VII Hội Nhà văn Việt Nam?
- Tôi vốn đã có mười năm làm biên tập văn xuôi ở báo Văn Nghệ, và từ Hội Nhà văn đi làm báo ở Du lịch, Thuỷ sản đến tám năm. Được về Ban Sáng tác của Hội Nhà văn VN, tôi có cảm giác như người thợ cày đã về với mảnh ruộng của mình. Một tờ báo khi biết tin tôi từ ngành thuỷ sản chuyển về Hội đã đùa rằng tôi là con cò trở về vạt đất lành. Cũng đúng thôi. Có những mảnh đất ra đi rồi, chúng ta không muốn và không đáng quay trở lại. Nhưng với Hội Nhà văn thì đó là mảnh đất hứa của những người coi nghiệp văn chương là sự nghiệp của đời mình... Được công tác ở Hội rồi thì làm một nhà văn mới là quan trọng hơn mọi thứ chức tước. Tôi có thể làm mọi thứ mà Hội yêu cầu để các nhà văn chúng ta có điều kiện sáng tác và có tác phẩm hay. Mà viết hay là điều khó nhất. Điều này thì không một ai có thể làm thay cho nhà văn cả...
6. Vâng. Anh đã nói như... một Phó Trưởng Ban sáng tác. Vậy, sau Ngư phủ sẽ là những tác phẩm mới nào?
- Viết xong một cuốn sách, tôi như người đàn bà sau sinh nở, cảm thấy có một thế giới trống không trong lòng mình. Vả lại tôi không nghĩ rằng làm văn chương là cứ phải đẻ như gà. Đang có dịch H5N1. Văn chương còn ế ẩm hơn cả thịt gà. Tôi luôn tâm niệm chỉ viết những cái gì không thể không viết ra...
7. Chúng ta đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn về những vấn đề xung quanh Ngư phủ. Hy vọng bạn đọc sẽ hiểu thêm những vấn đề mà nhà văn Hoàng Minh Tường đưa ra trong các cuốn tiểu thuyết của mình. Xin cảm ơn anh!
Tiểu sử Nhà văn Hoàng Minh Tường
- Quê Ứng Hoà, Hà Tây.
- Cử nhân địa lý, Đại học Sư phạm Hà Nội 1970.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997 với tiểu thuyết Thuỷ hoả đạo tặc.
- Giải thưởng Văn học công nhân( 5 năm 1985-1990), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
- Từng làm Trưởng Ban Văn xuôi, báo Văn nghệ ( 1988-1998).
- Phó Tổng Biên tập Báo Du lịch và Tạp chí Thuỷ sản.
- Các kịch bản phim truyện, phim video: “ Hà Nội mùa chim làm tổ”, “ Tình biển”...
Võ Thị Xuân Hà
THỜI CỦA THÁNH THẦN (Hoàng Minh Tường)
Tiếng nổ của văn xuôi Việt Nam 2008?
Cuốn tiểu thuyết thoạt đầu có tựa đề “Tốt sang sông”. Cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, người trước khi mắc căn bệnh ung thư vòm họng hiểm nghèo (và qua đời một năm sau đó), từng ở chung căn phòng áp mái với Hoàng Minh Tường tại Nhà sáng tác Tam Đảo, tháng 9-2006, khi biết bạn đang đánh vật với cái laptop, để đưa từng “con tốt” sang sông, liền bảo: “Ông viết trúng ý một bài thơ tôi viết cách đây mấy năm. Tôi chép lại tặng ông, nếu thích thì ông có thể lấy làm đề từ cho tác phẩm này.
Tốt sang sông
Anh muốn xóa tất cả đi như xóa một bàn cờ
Rồi kiên nhẫn bày lại từng con Tốt.
Tốt chưa qua hà đâu, em ơi đừng nóng ruột
Rồi tốt sẽ qua hà, rồi tốt sẽ đi ngang.
Hoàng Minh Tường tỏ ra tâm đắc với bài thơ này. Ông chọn thêm một câu trong “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân: “… Một con Tốt lọt qua sông là cái trị giá nó bằng nửa sức con Xe rồi. Ở đời không nên khinh thường cái gì. Con Tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế…”, để dành làm lời đề từ cho cuốn tiểu thuyết của mình.
Khi bản thảo hoàn thành, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, người sẽ ký "giấy thông hành" cho cuốn tiểu thuyết vào đời, là người đọc đầu tiên. Ông trầm ngâm một lát, rồi bảo: “Phải cân nhắc lại cái tên sách, in ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, với tựa đề Khi con tốt sang sông”.
Hoàng Minh Tường toát hết mồ hôi. Không thể lặp lại ý tưởng của người khác. Ông tin ở cái trí nhớ kỳ lạ của Nguyễn Khắc Trường. Nhiều cuốn sách nhiều bài báo in từ đời tám hoánh, không mấy ai đọc, mà ông nhà văn ma xó này vẫn nhớ vanh vách.
Nguyễn Khắc Trường chép chép miệng, rồi thêm: “Đặt tên cho cuốn sách, còn hơn cả tên khai sinh cho con mình, cực khó đấy. Truyện của ông lẽ ra phải đặt là “Những người khốn khổ”, hoặc “Con đường đau khổ”. Tiếc là các cụ Vichto Huygô và Alếcxan Tôlxtôi đã đặt mất rồi…”
Trường nói và mở to mắt nhìn Tường tủm tỉm, rồi hai gã nhà văn thông quê cùng cười hô hố, như tự thưởng cho mình những ý tưởng mà chỉ họ mới ngầm hiểu với nhau. Phải tìm một cái tên mới, Hoàng Minh Tường tự nhủ. Đành gác ván bài “Tốt sang sông” lại. Cũng tiếc một cái tựa đề đắc ý. Tác phẩm mô tả hành trình của những người nông dân đi theo cách mạng. Họ là những nông dân khoác áo lính. Ví như những con Tốt trên bàn cờ thế cuộc. Chỉ có tiến, không có lùi. Qua sông rồi thì được quyền vừa tiến vừa đi ngang. Cao cờ. Tốt có sức mạnh chẳng kém gì Xe, Pháo, Mã. Cao cờ nữa, Tốt có thể nhập cung bắt tuốt tuột Tướng, Sĩ, Tượng. Cuộc cách mạng tháng Tám, 1945 long trời lở đất đưa hàng triệu Tốt sang sông, trao cho mỗi con Tốt một sứ mạng Xe, Pháo, Mã. Và rồi họ đã hoàn thành cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ…
Sau một đêm trằn trọc, tảng sáng, tựa đề sách đã bật lên trong đầu nhà văn.“Thời của Thánh Thần”, tên tập thơ đầu tay của nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ, nhân vật chính trong tác phẩm, mà nhà văn đã dày công xây dựng, xứng đáng được chọn đặt tên cho cuốn tiểu thuyết.
“Thời của Thánh Thần” viết về những biến động của một gia đình nông dân có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng suốt nửa sau thế kỷ XX. Bốn anh em trai, ba con đẻ, một con nuôi, sau Cách mạng tháng Tám, 1945, mỗi người đi một ngả. Người trở thành cán bộ lãnh đạo, người là nhà thơ, người phát vãng, người ở nhà cày ruộng. Đồng hành với họ là những người đàn bà, những mối tình sét đánh, éo le, oan trái… Tất cả họ, không ai thoát khỏi những biến động, những sự kiện, những bước ngoặt lớn của đất nước. Đòn xoáy khốc liệt suốt hai cuộc chiến tranh đã cuốn họ đi, nhào nặn nên tính cách và số phận của họ. Họ là những tiêu bản, những hóa thạch của lịch sử mà qua đó nhà văn giúp người đọc hồi ức quá vãng…
Nhà lý luận phê bình Vũ Nho rất có lý khi nhận xét: “Cải cách ruộng đất, Đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, chống Xét lại, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hòa hợp dân tộc… Những vấn đề cốt lõi ấy được xem xét và đánh giá qua những số phận mấy đời chìm nổi của một gia đình. Thời gian đủ độ lùi cần thiết. Nhưng những hiểu biết của một cây bút phóng sự, tiểu thuyết có hạng, và suy ngẫm một đời viết, mới là yếu tố quyết định làm nên thành công của tác phẩm này…”
Đúng là, phải đợi tròn một hoa giáp, vào tuổi 60, nhà văn Hoàng Minh Tường mới đủ độ chín, đủ từng trải, đủ đau đớn, dằn vặt, và cả đủ lòng dũng cảm nữa, để viết một tác phẩm tổng kết đời văn của mình.
Tiếp nối những trang nhức nhối về nông thôn một thời mà các nhà văn đàn anh lớp trước đã đề cập (Vũ Bão với Sắp cưới, Ngô Ngọc Bội với Ác mộng, Tô Hoài với Ba người khác…), Thời của Thánh Thần chỉ chấm phá thêm đôi nét nhưng cũng đủ để khép lại một giai đoạn văn học vết thương về Cải cách ruộng đất, mà sau này các tác giả khác không nhất thiết phải quay lại. Và, cùng với mạch cảm xúc bi thương ấy, lần đâu tiên trong văn chương đương đại, sự kiện Nhân văn giai phẩm và cuộc đấu tranh với bè lũ Xét lại hiện đại, cũng như cuộc vượt biển di tản của gần hai triệu người, được nhà văn đề cập đến với cái nhìn điềm tĩnh và xa xót của một người có đủ độ lùi thời gian để phân tích, lý giải, đặng trả lại cho những nhân vật trong cuộc bức chân dung thật của họ.
Nhân vật Nguyễn Kỳ Vỹ có bóng dáng bao nhiêu văn nghệ sỹ, trí thức bị oan sai một thời. Nhân vật Nguyễn Kỳ Vọng là hình ảnh tột cùng đau đớn, vô cùng đáng thương của bao người ly hương, bao kẻ vong bản. Càng về cuối truyện, không chỉ những xung đột tính cách, sự trớ trêu số phận, mà quyết liệt hơn là những đối nghịch về quan niệm sống, lý tưởng sống, về trách nhiệm công dân đối với Dân tộc, Đất nước… cùng cộng hưởng kéo độc giả vào cuộc, tham gia tranh cãi, phản biện.
Những ai ít thích ứng trước những biến động có tính quy luật toàn cầu, hẳn sẽ phẫn nộ với những nổi loạn trong tính cách của lớp nhân vật trê như Lê Lỳ Chu, Chiến Thống Nhất, những phản biện quyết liệt của Nguyễn Kỳ Vọng, hoặc sẽ lên án cái gọi là “sự băng hoại lý tưởng”, “thoái hóa phẩm chất cách mạng” của những người từng có bề dày mấy chục tuổi Đảng, như bà Đào Thị Cam, như nhà văn cộng sản Châu Hà…
Chính độ mở của tiểu thuyết, thái độ nhập thế của tác giả, dám đối diện với những vùng khuất lấp, những mảng đời sống mà lâu nay nhiều người tự coi như vùng cấm kỵ bất khả tri… đã khiến Thời của Thánh Thần không bị rơi vào khuôn mẫu buồn tẻ, một chiều. Đây cũng chính là một bứt phá của Hoàng Minh Tường, kể từ sau hai tiểu thuyết gây tiếng vang Thủy Hỏa Đạo Tặc và Đồng sau bão.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm trong trường ca Văn đàn bi tráng sắp xuất bản, dường như đã có con mắt rất “xanh”, khi ông viết về Hoàng Minh Tường:
“Hết Thủy Hỏa lại đến hồi Đạo Tặc
Đồng sau bão chỏng chơ những tượng đất Thánh Thần”
Nguồn: Vietimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét