TTO - Vào ngày 15-11- 2005 tôi đến bệnh viện khám bệnh, được chỉ định làm đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm... , cuối cùng kết luận bị bệnh “hội chứng ống cổ tay”, phải mổ. Vào ngày 19-11-2005 mổ tay trái và đến 19-12-2005 mổ tiếp tay phải, sau đó tái khám dùng thuốc đúng theo điều trị.
Từ sau khi mổ, tay tôi hết bị teo ở các ngón, đỡ nhức nhưng hiện nay vẫn còn đau nhức âm ỉ, thường xuyên nhất là về đêm bị đơ cứng ở bàn tay và các ngón cả hai bàn tay. Do điều kiện ở xa, nên tôi muốn nhờ các BS chuyên khoa hướng dẫn cách tiếp tục chữa trị.
(Hồ Mỹ Nương)
Trả lời của phòng mạch Online:
Theo mô tả của chị, chúng tôi nghĩ chị có thể bị tình trạng thoái hóa các khớp bàn ngón tay. Đây là bệnh hay xảy ra trên bệnh nhân nữ trên 40 tuổi, vào mỗi sáng sớm khi thức dậy hay để bàn tay nghỉ ngơi lâu (chẳng hạn sau khi ngủ trưa) thường bị cứng các ngón tay, nhất là ở khớp liên đốt gần và xa của ngón tay. Một số có thể mô tả tình trạng tê nhưng thật chất là khó cử động khớp ngón tay.
Tuy nhiên sau khi cử động một thời gian ngắn thì các ngón tay hoạt động trở lại bình thường. Một số trường hợp các ngón tay hơi sưng nhẹ và đau khi cử động. Một số có hạn chế cử động ngón tay vì đau hoặc khó cử động. Một số khác nổi những cục cứng như xương ở gần khớp liên đốt gần hay xa. Bệnh có thể xảy ra cùng lúc với hội chứng ống cổ tay (cũng hay xảy ra ở nữ tuổi trung niên).
Đây là tình trạng thoái hóa của các khớp vùng bàn ngón tay. Bệnh có đặc điểm như trên. Chụp phim Xquang đôi khi bình thường, đôi khi có hình ảnh hư biến của khớp. Bệnh không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân. Bệnh này là do sự thoái hóa của khớp ngón tay, hư hại sụn khớp, bao khớp bị viêm làm đôi khi sưng nhẹ khớp. Nguyên nhân thường không rõ và thường được quy kết là do tuổi. Một số có nguyên nhân như chấn thương.
Bệnh đau các khớp bàn tay còn có nguyên nhân khác là viêm đa khớp dạng thấp với đặc điểm là xảy ra ở khớp bàn ngón và khớp cổ tay. Đây là bệnh lý toàn thân, một số khớp khác cũng bị như gối, vai, háng. Khớp bị biến dạng rất sớm và gây đau đớn cho bệnh nhân, gây tàn phế sớm nếu không có sự điều trị hỗ trợ nâng đỡ. Đây là bệnh lý được cho là có yếu tố gen và xem như là không thể chữa hết cho đến tận bây giờ. Việc điều trị bao gồm kháng viêm giảm đau toàn thân hay tại chỗ kèm theo các biện pháp vật lý trị liệu nâng đỡ chống biến dạng khớp. Có thể thay khớp khi bệnh quá nặng.
Riêng về bệnh lý thoái hóa khớp ngón tay, việc điều trị bao gồm thuốc, nẹp bất động khớp nếu quá đau. Tình trạng cứng khớp buổi sáng hay sau khi ngủ trưa có thể cải thiện bằng việc ngâm nước nóng, xoa bóp bằng các gel có hoạt chất kháng viêm. Có thể dùng thêm các thuốc chống thoái hóa khớp và glucosamine.
Trong trường hợp của chị, hội chứng ống cổ tay có cải thiện rõ rệt, tình trạng cứng khớp chỉ là biểu hiện của một bệnh khác. Chị nên đi khám lại để được tư vấn và điều trị.
Ths.BS TĂNG HÀ NAM ANH
Giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM
(Nguồn TTO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét