" Đâu Cũng nh - Nh v quê hương - Ci ngun dân tc - M

y ai mà quên?" (TKL)

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Giá Như Hà Nội

iá Như Hà Nội…

Open in new window
-Thương lắm Hà Nội ơi! Nguồn ảnh: vietbao.vn

VietNamNet: "Giá như những nhà quản lý, hoạch định chính sách, những người xây dựng có trách nhiệm, có tâm và có tầm hơn. Để phố được là phố, nhà được mang dáng hình nhà thì phố đâu có dở khóc dở cười như vậy. Để rồi đường không phải là nơi “gà ấp trứng”, nơi trưng bầy chướng ngại vật, barie và “nghệ thuật sắp đặt”…

Tôi không phải là người Hà Nội gốc. Có lẽ vì thế mà nhiều người bảo tôi không có cái cốt cách của người Hà Nội. Tôi không phủ nhận. Nhưng tôi vẫn yêu Hà Nội, tình yêu đối với một Thủ đô thiêng liêng ngàn năm văn hiến. Và rồi tôi cũng chạnh lòng trước những trăn trở thường nhật của người Hà Nội. Thương lắm Hà Nội ơi!

Thời còn học phổ thông, ao ước lớn nhất của tôi là được một lần đặt chân tới Hà Nội (mặc dù quê tôi cách Hà Nội có hơn 60 cây số). Thích thú biết bao khi được sải bước trên những con đường lộng gió thênh thang, được dạo chơi trên những con phố cổ, ngắm hồ Gươm xanh, những toà nhà cao vút… Hà Nội trong mắt tôi ngày ấy vừa hiện đại nhưng cũng rất cổ kính, nơi mà ta có thể sống cho cả quá khứ và cả tương lai.

Lên đại học, tôi như thoả được niềm mong ước ngày nào. Háo hức như một đứa bé thơ, tôi sục sạo khắp phố phường Hà Nội, tìm hiểu và khám phá Hà Nội một cách say mê và thích thú. Nhưng rồi bỗng hụt hẫng, chênh chao. Những cảm xúc tươi mới qua đi thật chóng vánh.

Những nét đẹp hoài cổ, dịu dàng của Hà Nội chỉ thoáng qua như những cơn gió heo may, thật mỏng manh và yếu đuối. Những nét tân tiến mà dở dang, hổ lốn, khập khiễng học đòi, đâu đâu cũng có thể bắt gặp như muốn xua đuổi cái dĩ vãng ngọt ngào đã qua. Để rồi đứng giữa cái “hiện đại” trọc phú và nét đẹp cổ điển chưa hết phôi pha ấy, tôi bỗng nhận ra một diện mạo Hà Nội ngổn ngang, khó gọi rõ tên và đầy trăn trở.

Thương lắm Hà Nội ơi! Còn đâu nữa những “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”. Những di tích lịch sử, văn hoá bị xà xẻn đến tận chân tường bờ gạch. Bây giờ nhà bê tông, mái sắt…thật vững chãi mà sao cứ thấy u hoài. Những ngôi nhà không hình thù, không bản sắc cứ thụt thò lố nhố như những khuôn mặt nửa cười nửa mếu, nửa khôn nửa dại.Còn chung cư, biệt thự xây xong lại “để mặc gió lung lay”. Để rồi những làng lúa làng hoa ngậm ngùi không biết đi đâu, về đâu.

Open in new window
-Những ngôi nhà không hình thù, không bản sắc...Nguồn ảnh: dantoc.net

Những cung đường ngày nào cũng “bội thực”, người, xe như đàn kiến chạy loạn. Mỗi lần ra khỏi nhà lại thấy lo lo. Xe phóng như điên, như vào chỗ không người, xe trèo qua rào chắn, xe bò qua lan can, tràn lên vỉa hè, xe này lấn đường của xe kia…
Bởi tại vì đâu khi đường cứ đột ngột thắt lại như chiếc cổ chai, còn ổ gà thời công nghiệp cứ to như ổ khủng long vậy. Đường tắc đã trở thành chuyện thường ngày ở mỗi con phố. Lại còn đất, cát, vật liệu ở đâu cứ tuôn xuống lòng đường. Để bụi đất cứ mải miết bay mù mịt. Vỉa hè mà chẳng thể dành cho người đi bộ…Sáng dẹp, chiều lại lấn chiếm.
Thương lắm Hà Nội ơi! Hình như khoảng cách giàu nghèo đang nới rộng thêm hay sao ấy? Có phải thế không mà biệt thự ngày càng nhiều, ô tô sang trọng ngày càng nhiều, nhà hàng, khách sạn cũng ngày càng nhiều trong khi “chợ người tìm việc” ở vỉa hè cũng ngày càng đông, đủ mọi lứa tuổi. Trẻ có, ương ương có, và già cũng có. Nhiều mái nhà lụp xụp, tạm bợ vẫn mọc lên bên cạnh những toà nhà chọc trời.
Những cơn mưa chưa kịp làm vơi đi nỗi khát làm không khí dịu mát đã vội vàng chất chứa những âu lo. Lụt lội, ô nhiễm, kẹt xe…Những cống thoát nước như những cụ già hen suyễn cứ ho sù sụ mỗi khi mưa về.

Open in new window
-Giao thông tắc nghẽn - Nguồn ảnh: my.opera.com 

Rác ngập tràn trên phố. Rác tràn xuống lòng đường. Và như một thói quen, lòng đường trở thành nơi đổ rác. Những mảnh tường của những ngôi nhà sơn quét mịn màng lại nhằng nhịt những tờ rơi, quảng cáo nham nhở tầng tầng lớp lớp: Thuê gia sư, trộn bê- tông, hút bể phốt…

Thương lắm Hà Nội ơi! Có sông mà chẳng thể ra hóng mát, bởi vì sông còn đâu? Sông đã chết. Thương lắm Hà Nội ơi! Sao vẫn còn những cái tên nghe lạ lùng mà tôi bỗng thấy choáng ngợp, thấy hài hước và hổ thẹn khi một người khách nước ngoài hỏi: “Đến phố CAM DAI BAY đi đường nào”.

Còn biết bao nhiêu cái thương nữa mà tôi không kịp nhớ hay không thể nhớ hết mà viết ra đây. Bời vì đâu mà Hà Nội lại phải chịu những điều như vậy. Có phải tại tạo hoá đã sinh ra một Hà Nội vốn như thế ? Không! Vậy thì chỉ bởi chính chúng ta - những người đang hàng ngày sinh sống trên mảnh đất thương yêu này. Sự tham lam, ích kỉ, bon chen…của mỗi cá nhân; thói vô cảm, dốt nát và kém cỏi trong quản lý đã vô tình hay hữu ý làm tổn thương Hà Nội.

Gía như người ta biết trân trọng hơn những cái gì thuộc về lịch sử, về văn hoá thì nhiều ngôi đình, đền chùa, miếu mạo đâu đến nỗi phải kêu than. Gía như người ta biết quan tâm gìn giữ thì những mái ngói cổ kính, những nếp nhà đơn sơ phố cổ cũng chẳng bị lãng quên giữa chốn thị thành hiện đại.

Và giá như người ta đừng chạy theo những cái gọi là “mốt” để rồi phá bỏ đi những cái thuộc về truyền thống gia đình, dòng họ, về qúa khứ. Để lớp lớp con cháu sau này còn biết đến, cái này… là do đôi tay tài hoa của cha ông làm ra, cái này…đã một thời làm nên nét văn hoá của Thăng Long- Hà Nội.

Gía như những nhà quản lý, hoạch định chính sách, những người xây dựng có trách nhiệm, có tâm và có tầm hơn. Để phố được là phố, nhà được mang dáng hình nhà thì phố và nhà đâu có dở khóc dở cười như vậy. Để rồi đường không phải là nơi “gà ấp trứng”, nơi trưng bầy chướng ngại vật, barie và “nghệ thuật sắp đặt”.
Vỉa hè hay là nơi trình diễn "nghệ thuật sắp đặt".

Open in new window
-Nguồn ảnh: baodatviet.vn 

Để công trình khỏi bị “rút ruột”, dự án đừng bị “treo”, đường khỏi bị “nắn”…Có viển vông quá không, có bi quan quá không, khi thỉnh thoảng lại nghe thông tin về vị này tham ô, vị này nhận hối lộ, chỗ kia có tham nhũng, chỗ nọ có lãng phí…mà vụ sau cứ lớn hơn vụ trước.

Gía như những người giàu biết quan tâm đến những người nghèo hơn, những người nghèo biết chịu khó và nghị lực hơn, đừng ỉ lại, tự ti, hay buông xuôi thì chắc sẽ không có những cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” nữa. Và khi mỗi trái tim đều biết lên tiếng trước những xấu xa bạo ngược thì sẽ không còn cảnh những em bé bị bạo hành nữa. Để Hà Nội mãi là một thành phố vì hoà bình như chúng ta vốn tự hào.

Gía như mỗi người dân có ý thức hơn, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, thì đâu đến nỗi phải chịu cảnh tắc đường, tai nạn chết người. Người ta sống cả đời chứ có phải sống chỉ vài giây, vài phút. Nhưng ai cũng muốn đi trước, ai cũng muốn hơn, ai cũng muốn thắng, ai cũng muốn “khẳng định” cái tôi của mình trên đường phố, mà bất chấp cả luật lệ.

Gía như người ta đừng tham lam, ích kỉ có nhà mặt phố nhưng vẫn cố chiếm nốt cái vỉa hè nhỏ nhoi kia. Để hè phố là hè phố, cho người đi bộ thong dong, chứ không phải là nơi bày biện hàng quán, nơi chất rác thải, đổ vật liệu xây dựng. Để những cơn mưa cứ mãi là những kỉ niệm đẹp chứ không phải là nỗi lo âu, ngao ngán.

Gía như mỗi nhà có ý thức hơn, đừng đem rác đổ ra lòng đường. Mỗi người có ý thức vệ sinh chung, bỏ rác vào thùng có phải phố xá sẽ đẹp hơn không. Điều này có khó lắm không khi việc làm đó không chỉ là hành vi cần có của con người văn minh, văn hoá, mà còn là để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Rồi lại ước gía như đừng phải đi cả vài cây số tìm mỏi mắt mới thấy một thùng rác, có phải tốt hơn không. Và gía như những gánh hàng rong cứ giữ mãi cái nét thơ mộng như nó đã từng có, đừng vội vã bước đi để lại toàn là rác(!)

Rồi gía như những ai đó đừng mải mê với những dự án sân gôn, biệt thự mà hãy xem đã có nhà máy xử lý nước thải trong thành phố hay chưa? Hay nước bẩn, nước thải cứ ào ạt đổ ra sông. Để rồi sông không còn là sông mà trở thành “kẻ huỷ diệt” sự sống vậy. Và những “nỗi buồn không ai giống ai” được giải quyết kịp thời khi nhà vệ sinh công cộng không còn thiếu và bẩn, thì làm gì còn những tên phố trong những câu chuyện “tiếu lâm” hàng ngày có cái tên là “CAM DAI BAY”.

Gía như sông Tô Lịch trong xanh trở lại.
Gía như đường lại thông, hè lại thoáng.
Gía như có những tuyến đường chỉ dành riêng cho người đi bộ trong thành phố. Gía như…

Chỉ một điều “Giá như” thôi thành hiện thực, có lẽ Hà Nội của chúng ta sẽ đẹp hơn rất nhiều.

Thương lắm Hà Nội ơi!

Đình Quang
(Nguồn ViệtNamNet)

Không có nhận xét nào: