Chuyện tình của Paustovsky:
Yêu đến giọt sống cuối cùng
Họ đã gặp nhau khi nàng, nữ
nghệ sĩ Tatjana Evteeva, là vợ của nhà viết kịch Xô viết nổi tiếng Aleksei Arbuzov
vốn rất quen thuộc với công chúng Việt Nam qua vở “Câu chuyện Iếc-cút”. Còn
chàng, nhà văn tầm cỡ thế giới, Konstantin Paustovski, tác giả “Bông hồng
vàng”, từ lâu đã lập gia đình. Và thiên tình sử của họ thật đẹp khiến cho cô
con gái của Tatjana là Galina Arbuzova quí mến cả hai người đàn ông và đều coi
Arbuzov lẫn Paustovski là hai ông bố thân yêu của mình.
Trước bữa tiệc đón mừng năm
mới ở Jalta, Arbuzov hào hứng thông báo với vợ: “Tanka, Tanka, mau ra đây, anh
sẽ giới thiệu em với một con người phi thường và một nhà văn!”. Tatjana lúc đó
tuy chưa làm quen với sáng tác của Paustovski, nhưng do yêu mến và kính nể
chồng, đã hồi hộp chờ đợi sự xuất hiện của con người đặc biệt đó. Bỗng trước
mắt nàng hiện ra một người đàn ông đứng tuổi, dáng người tầm thước, tác phong
bệ vệ, quần áo chỉnh tề, Tatjana rất không ưa con người đó bởi vẻ kênh kiệu, xa
cách của vị khách mời. Đối với những ai chưa biết Paustovski thì ông bao giờ
cũng gây nên ấn tượng như vậy, nhưng thật ra, ông là một sự đối lập lại hoàn
toàn với cái ấn tượng do ông tạo ra. Trước những người lạ, ông luôn luôn thận
trọng và kiệm lời. Song Paustovski thật sự sửng sốt trước vẻ đẹp tự nhiên nhưng
rất quí phái của Tatjana. Một người đẹp thực sự với mái tóc óng ả, với đôi mắt
xanh lơ quyến rũ và những đường nét thanh tú trên khuôn mặt trái xoan. Nàng có
một sức hút kì lạ: ở bất kì nơi nào nàng có mặt, mọi người không thể không chú
ý tới nàng.
Còn nhớ sau chiến tranh, khi
gia đình Tatjana từ nơi sơ tán trở về, ngôi nhà bị bom tàn phá nặng nề đã được
tu sửa lại nhưng đồ đạc chẳng còn gì. Lúc bấy giờ đang là mùa đông và Tatjana
phải đi đôi ủng dạ vá chằng vá đụp trông dễ sợ. Có lần một người bạn cũ của
Tatjana là Astangov, một nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, rủ nàng đi ăn hiệu,
Tatjana nói: “Em chả có áo xống gì cả, đến ngay đôi giày cho ra hồn cũng không
có”. Astangov nói: “Riêng cô có thể đi ủng dạ cũng được”. Và nàng đã nghiễm
nhiên đi ủng dạ khiêu vũ với Astangov ở Metropol, một khách sạn sang trọng vào
bậc nhất của thủ đô Mátxcơva thời bấy giờ. Những người đàn ông khác cũng mời
nàng nhảy trong trang phục xuềnh xoàng như vậy. Tuy không nói ra nhưng ai cũng
hiểu rằng trong bất cứ bộ y phục nào, Tatjana vẫn đẹp mê hồn như một nữ hoàng.
Vào thời gian quen biết
Paustovski, gia đình Tatjana sống trong con hẻm Kopevski, gần Nhà hát Bolshoi,
trong một căn nhà đông hộ. Ở thời điểm đó, hai vợ chồng Arbuzov bắt đầu có sự
trục trặc dẫn tới việc chia tay nhau. Còn Paustovski thì lại không biết chuyện
đó nên thường đem đến tặng Tatjana những bó hoa lớn bày khắp trong căn phòng
nhỏ hẹp. Tuy hai vợ chồng Arbuzov đã li thân, nhưng đám bạn bè trẻ của Arbuzov
thường xuyên tụ tập ở nhà ông. Và những bó hoa này bao giờ cũng khiến họ cười
vang như pháo. Có lẽ họ cảm thấy Paustovski quá già mặc dầu hồi đó ông mới 48
tuổi.
Tatjana không phải lòng
Paustovski ngay lập tức, nhưng nàng hiểu được tầm lớn lao về nhân cách của ông.
Nàng đã mấy lần cùng cô con gái rượu Galina đến thăm ông trong ngõ
Lavrushinski, nhưng trái tim chưa thật sự rung động trước tình cảm mà
Paustovski dành cho nàng. Nàng đã tái giá, lấy một nhà biên kịch nổi tiếng
Mikhail Shneider, người đứng đầu một trong hai trường phái văn học ở Mátxcơva
những năm 30. Khi chiến tranh nổ ra, gia đình Tatjana tản cư đến thành phố
Christopol, mà ra khỏi đó là vô cùng khó khăn, và chính Paustovski đã đưa gia
đình nàng theo mình đến Alma-Ata để lánh nạn. Chính tại đây, năm 1943,
Paustovski đã tỏ tình với Tatjana. Hai mẹ con Tatjana thường xuyên tiếp xúc với
Paustovski và hay kéo cả nhà đến thăm ông. Song tình cảm giữa hai người không
bộc lộ một cách cuồng nhiệt mà phát triển tiệm tiến theo kiểu mưa dầm thấm lâu.
Paustovski cùng với gia đình từ nơi tản cư trở về Mátxcơva, còn gia đình
Tatjana vẫn ở lại Alma-Ata bởi lẽ muốn đến Mátxcơva thì phải có giấy phép.
Paustovski bèn nói với Arbuzov để ông ta làm đơn xin cho con gái và cả vợ cũ
trở về thủ đô. Và việc đó đã thành công. Cuộc sống có những diễn biến kì lạ
khiến cho Paustovski cũng tham gia vào số phận người chồng cũ của Tatjana. Số
là vào thời kì cuối chiến tranh, Arbuzov bị thủng loét dạ dày, có nguy cơ dẫn
đến tử vong. Vợ mới của ông báo cho Tatjana biết tin. Nhưng Tatjana không có
những người quen nào thuộc diện cán bộ cao cấp ngoại trừ Paustovski. Và ban đêm
nàng đánh liều gọi điện thoại cho ông. Ngay đêm đó, ông đã tìm được một bác sĩ
giải phẫu cực giỏi. Arbuzov được mổ kịp thời và đã thoát chết.
Tatjana là một phụ nữ kín đáo
và không hề thổ lộ tình cảm của mình đối với Paustovski cho con gái biết. Nhưng
qua những bức thư và nhật kí của Paustovski, cô bé thấy rõ mối tình giữa hai
người đã nhen nhóm ở đây, ở Mátxcơva, sau khi gia đình của Tatjana từ nơi sơ
tán trở về thủ đô. Đêm ăn mừng chiến thắng là một thời điểm rất quan trọng đối
với hai người cũng như đối với cả nước. Paustovski và Tatjana đã cùng nhau thức
trắng đêm đó tại Hồng trường. Song bước ngoặt trong quan hệ tình cảm giữa họ
vẫn chưa diễn ra, mặc dầu người chồng sau của Tatjana đã chết vì bệnh lao.
Hai mẹ con Tatjana sống trong
một căn phòng 30m2 trên đường phố Gorki, còn Arbuzov trong thời gian đó thì
không có chỗ ở, và hai mẹ con đã ngăn đôi căn phòng của họ bằng hai chiếc tủ
đứng để nhường một nửa phòng cho Arbuzov và gia đình của ông.
Galina còn nhớ rõ những bức
thư của Paustovski gửi cho mẹ mình. Đó là những bức tình thư đầy sự đam mê say
đắm nhưng đồng thời cũng toát lên cả sự rụt rè và sự do dự. Âm hưởng dè dặt
ngập ngừng này không chỉ thể hiện trong quan hệ tình cảm đối với Tatjana mà còn
xuất phát từ hoàn cảnh riêng của Paustovski là ông phải đoạn tuyệt với một phụ
nữ khác mà điều này đối với ông không phải là dễ. Paustovski không phải là một
người có tính quyết đoán, có thể trong khoảnh khắc cắt đứt mọi mối liên hệ. Tất
nhiên là ông yêu Valeria Vlađimirovna Navashima khi ông cưới nàng và đó là một
thời kỳ lâu dài trong cuộc đời ông, một sự gắn bó sâu xa.
Tác phẩm mang tính chất tự
thuật “Câu chuyện về một cuộc đời” của Paustovski đã kết thúc bằng một mối tình
của ông đối với Valeria mà trong thiên truyện được đổi tên thành Maria. Rời bỏ
gia đình đối với Paustovski là một quyết định rất khó khăn và điều đó đã làm
cho quan hệ giữa Paustovski và Tatjana ngay từ đầu mang đầy kịch tính.
Paustovski không thể quyết
định vấn đề này về mặt tình cảm cũng như về mặt thể xác – ông không thể nói một
điều gì đó gay gắt và bỏ đi. Còn Tatjana vốn dễ bị kích động đã cho rằng cần phải
rời khỏi Mátxcơva – thoạt tiên đến Kizljar rồi sau đó đến Grozno. Điều đó đã
được phản ánh trong những bức thư đầy vẻ oán trách của Paustovski gửi Tatjana.
Tatjana thực lòng rất yêu Paustovski, song nàng là người không chấp nhận và
không thể chịu được sự nửa vời. Nàng đã hiến dâng trọn đời mình cho tình yêu và
cho rằng phía bên kia cũng phải hành động như vậy. Rất có thể nàng không muốn
ngăn cản quyết định của Paustovski hoặc muốn rằng câu chuyện sẽ kết thúc bằng
cách này hay cách khác. Có lẽ nàng muốn được giải phóng về mặt nội tâm, muốn
thoát ra khỏi tình cảm đó mặc dầu trong những bức thư gửi Tatjana, Paustovski
khẳng định rằng tất cả những gì ông viết ra là dành cho nàng và vì nàng. Tất cả
những điều ấy sau này đã được thực tiễn xác nhận. Trong phần thứ hai của “Câu
chuyện về một cuộc đời” mang tên “Tuổi trẻ sôi nổi” có những dòng kể lại rằng
vào một buổi rạng sáng mưa dầm dề ông đã chia tay với một người thân yêu. Đó
chính là Tatjana.
Việc Tatjana rời khỏi
Mátxcơva vẫn không thúc đẩy Paustovski phải hành động dứt khoát. Điều này diễn
ra khá lâu. Hai mẹ con Tatjana sống ở Minsk, nơi có một nhà hát tuyệt vời, sau
đó chuyển đến Talin, nơi vừa khai trương một nhà hát mới. Cho đến mùa hè năm
1949, chưa có chuyện gì thay đổi cả. Có thể nói rằng mối quan hệ yêu đương giữa
hai người đã kéo dài gần 10 năm, từ 1939 đến 1949. Nhưng tất nhiên đó không
phải là một mối tình sôi nổi của cặp uyên ương thường xuyên sống bên nhau. Đó
là sức hút hai người đến với nhau nhưng cũng vừa là lực đẩy, bởi lẽ cả hai đã
làm rất nhiều để không đoàn tụ. Tatjana đã tiến hành những bước quyết định để
chấm dứt mọi chuyện, để quên đi tất cả. Còn Paustovski thì cũng làm như vậy để
ở lại nhà, nơi ông đã quen sống và có đủ tiện nghi để làm việc – điều này đối
với ông là quan trọng nhất trong đời.
Đó là một mối tình trái
ngược. Đến khi Paustovski cảm thấy rõ rằng ông không thể sống thiếu Tatjana
thêm một giây phút nào nữa, ông bèn đem theo một chiếc va ly nhỏ xuống Jalta,
nơi ông sống hai năm ở nhà người bạn gái của Tatjana và Tatjana cũng đến địa
chỉ ấy.
Sau đó Paustovski dọn đến căn
phòng 15m2 của hai mẹ con Tatjana ở Mátxcơva. Căn phòng bây giờ được ngăn đôi
thực sự, phía bên kia tường là gia đình của Arbuzov, tức chồng đầu tiên của
Tatjana. Điều thú vị nhất là cả Arbuzov (với vợ mới) lẫn Tatjana (với
Paustovski) đều sinh hai con trai trong cùng một năm. Hai chú bé lúc đầu tưởng
chúng là hai anh em nên rất thân nhau và sau đó bị thất vọng ghê gớm khi biết
rằng chúng hầu như không phải là những người ruột thịt. Song mối quan hệ gắn bó
giữa chúng không thay đổi.
Hoàn cảnh sinh hoạt lúc bấy
giờ rất khó khăn. Khi Paustovski dọn đến căn buồng của Tatjana thì ở đó còn có
bà mẹ của nàng. Và khi bé Aliôsha ra đời, muốn ra ngoài hành lang thì trước hết
phải đẩy chiếc xe nôi ra trước, sau đó lại đẩy vào. Cô con gái Galina ngủ dưới
gầm bàn kê giữa nhà nên chỉ có thể nằm cuộn tròn trông rất tội nghiệp.
Paustovski dùng bậu cửa sổ làm nơi làm việc vì không có bàn viết riêng. Ông
không bao giờ phàn nàn về sự chật chội, mặc dầu ở đây ông không thích sau khi
chuyển từ căn hộ rộng rãi, tiện nghi trong ngõ Lavrushinski. Trên thực tế, vào
những năm cuối đời ông không thể làm việc ở nhà, thậm chí khi gia đình nhận
được một căn hộ lớn hơn nhưng chỉ có hai phòng ở phố Kotenicheskaja trên bờ
sông Mátxcơva.
Paustovski thường thức giấc
lúc 4 giờ sáng do một cơn hen kéo đến. Ông nhẹ nhàng dậy để không làm phiền ai
– vì ông vốn là người rất tế nhị – và ngồi uống trà. 6 giờ sáng, cơn hen đã
qua, ông ra chòi hóng mát để làm việc. Đối với người có tuổi như ông, đó là
những điều kiện khủng khiếp: buổi sáng sớm ở chòi hóng mát rất lạnh, ẩm ướt và
chả lãng mạn chút nào. Những tác phẩm lớn của mình ông viết tại các nhà sáng
tác ở Dobulty, Koktebel và Jalta là nơi ông cảm thấy thanh thản và có điều kiện
tập trung cho sự sáng tạo.
Tatjana từ một nàng thơ đã
nhanh chóng biến thành người quản lý ngôi nhà và tạo điều kiện cho ông làm
việc. Khi ông đau ốm, đó là những điều kiện tốt nhất có thể có được lúc bấy giờ
– có bác sĩ đến tận nhà phục vụ, chăm sóc bệnh nhân. Paustovski rất ghét bệnh
viện và ông chỉ điều trị ở đó trong những trường hợp vạn bất đắc dĩ. Mọi công
việc trong nhà được sắp xếp khiến cho tất cả các cuộc nói chuyện qua điện thoại
đều do Tatjana đảm nhận. Nàng phải khước từ rất nhiều người muốn gặp
Paustovski. Khước từ không phải bởi vì ông không muốn mà bởi vì về mặt thế lực
ông không thể làm được điều đó. Cái công việc tế nhị và nan giải ấy đã được đặt
lên vai Tatjana.
Nhưng tình yêu sâu sắc và
thậm chí niềm đam mê đã được duy trì cho đến những ngày cuối cùng của Paustovski.
Những bức thư của ông gửi cho Tatjana được viết ở bệnh viện bằng bàn tay run
rẩy và nét chữ nguệch ngoạc đã chứa đầy cảm xúc mãnh liệt của một tình yêu trẻ
trung và say đắm. Và tình yêu đó ở cuối đời không những không suy giảm mà còn
bùng cháy một cách mãnh liệt.
Và chúng ta hãy làm quen với
trích đoạn một số bức thư của Paustovski gửi Tatjana vào hai năm cuối đời của
nhà văn.
Tháng 5 năm 1966. Bệnh viện.
Tanjushka, thật hay biết
chừng nào có em ở đây. Anh nằm im lặng như một con chuột để không đánh lừa các
bác sĩ. Ở anh mọi sự đều tốt đẹp. Tình yêu của chúng ta tuyệt vời đến nỗi không
gì có thể xảy ra với nó.
Anh sẽ sống vì em, còn em thì
hãy sống cho anh. Hôn em.
*
Tháng 5 năm 1966
Anh không thể viết cho em
được. Anh sợ anh nói gở sẽ làm hỏng hạnh phúc của chúng ta. Em là người duy
nhất của anh trong khắp vũ trụ này. Anh luôn luôn nghĩ về em…
Tình yêu của anh là bất tử, em hãy nhớ lấy điều đó.
*
Tanjushka, em yêu dấu của anh, chúng ta sẽ còn sống, bởi lẽ thứ tình yêu như
tình yêu của chúng ta sẽ không kết thúc. Cả cuộc đời anh cho đến giọt cuối cùng
là chỉ ở trong em, ở một mình em. Anh hôn em và chờ đợi, anh tin ở ân huệ cuối
cùng nếu không phải của con người thì là của cuộc sống. Anh không có những từ
ngữ mà trước đây từng có rất nhiều, để diễn tả sức mạnh tình yêu của anh. Anh
viết lung tung, mong em hãy bỏ quá cho anh. Nhưng anh sẽ dũng cảm chờ đợi em
mọi lúc, suốt đời và ở đây, trên trái đất này, cũng như cả ở nơi mà hiện nay
chưa có chúng ta…
*
15 tháng 5 năm 1968
Xin chúc mừng một ngày kỳ
diệu của cuộc sống chúng ta – ngày sinh nhật của Tanja.
Đối với Tanja của chúng ta
Mọi số phận đều bình đẳng
Tanjushka! Niềm vui của anh,
mong em hãy nhận bức thông điệp vụng về này, nó được tạo ra bởi những từ ngữ
kim cương và xuất phát từ trái tim tinh khiết, nhưng được viết trong lúc vội vã
và chưa được gọt rũa.
*
(Bức thư này của Paustovski được ông đọc cho người khác viết trước khi ông mất
hai tháng).
Khi nào toàn tập tác phẩm của
tôi được xuất bản, xin hãy mua cho Tanja một ngôi nhà nhỏ ở cạnh vùng biển thân
yêu của nàng – trong thành phố thân yêu của nàng, và một người nào đó trong số
bạn bè chân chính hãy sống với nàng ở đó… Xin hãy đừng làm cho nàng tuyệt vọng…
Cuộc đời anh đã kết thúc sớm
hơn một chút, nhưng đó không nghĩa lý gì so với tình yêu lớn lao không thể diễn
tả được nó đã và mãi mãi sẽ còn lại giữa hai ta và sẽ không bao giờ chết.
Trái tim vàng của anh, trang
tuyệt sắc của anh, anh không thể cho em một cuộc sống hạnh phúc mà em, một
trong số hàng nghìn người, xứng đáng được hưởng. Nhưng Thượng đế đã ban cho anh
niềm hạnh phúc được gặp em, và cuộc đời anh, công việc của anh đã được đền bù
lại bằng điều đó. Nhờ có em mà anh được hạnh phúc trong cuộc sống trần thế này.
Và anh đã tin vào sự thần kỳ. Cầu mong tên em sẽ lưu danh mãi mãi, Tanjushka!
Lê Sơn (tổng thuật)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 477