" Đâu Cũng nh - Nh v quê hương - Ci ngun dân tc - M

y ai mà quên?" (TKL)

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

BÀI 23: MẪU NGƯỜI "MỆNH TUẦN THÂN TRIỆT"


 BÀI 23: MẪU NGƯỜI "MỆNH TUẦN THÂN TRIỆT" 
Tuần Triệt an theo hàng can của năm sinh, và đặc biệt là vị trí của Tuần Triệt nằm giữa ranh giới của hai cung chứ không tọa thủ trong một cung nào như các sao khác. Điểm đặc biệt thứ hai là vị trí đắc hãm và hành của chúng. Đây cũng là một vấn đề tranh cãi rất nhiều. Có người cho rằng Tuần thuộc hành hỏa và Triệt hành kim. Cũng có người cho rằng Tuần và Triệt đều hành thủy. Một số khác lại cho rằng Tuần và Triệt không có hành cố định, đóng ở cung nào thì mang hành của cung đó. Như vậy, lập luận này sẽ đưa đến kết qủa là Tuần Triệt có lúc chỉ có một hành trong trường hợp chúng đóng giữa hai cung Thân và Dậu đều thuộc hành kim.

Nhưng giả sử Tuần Triệt đóng giữa hai cung Ngọ và Mùi thì Tuần Triệt phải mang hai hành Hỏa của cung Ngọ và Thổ của cung Mùi. Xét cho cùng, điều này xem ra không hợp lý lắm. Khi nói về ngũ hành, ví dụ như nói về hành của một hướng, như Đông Nam thì chúng ta nói là Mộc đới Hỏa, hoặc hành của Phượng Các là Mộc đới Thổ chứ không thấy ai nói vừa mang hành Mộc và mang hành Thổ. Chữ "đới" ở đây có nghĩa là "nghiêng về" hay "thiên về" Trong cuốn tử vi Ảo Bí của Việt Viêm Tử, tác giả cho rằng Triệt có hành Kim đới Thủy và Tuần có hành Hỏa đới Mộc.
 Về những vị trí đắc hãm của Tuần Triệt thì cũng có người cho rằng Tuần Triệt chỉ đắc địa ở Tỵ Ngọ và Thân Dậu, còn những vị trí khác đều hãm địa. Nhưng điều này cũng không hợp lý vì chúng ta biết Triệt không đóng ở Tỵ Ngọ. Và cũng theo quan điểm này thì nếu Tuần Triệt đắc địa sẽ không tác hại, còn nếu hãm địa thì sẽ tác hại. Đây là điều không hợp lý thứ hai. Sau khi nói đến ý nghĩa của hai sao Tuần Triệt dưới đây, chúng ta sẽ thấy bản chất của Tuần Triệt là như thế nào.
Tóm lại, người viết đồng ý với quan điểm của Thái Thứ Lang, tác giả của cuốn Tử Vi Tân Biên, "hai sao Tuần Triệt không có những vị trí đắc địa hay hãm địa và cũng không thuộc một hành nào trong ngũ hành."
Đầu tiên chúng ta thấy rằng, chỉ với cái tên của hai sao này cũng đã nói lên rất nhiều ý nghĩa. Tuần có nghĩa là tuần tiểu, tuần phòng, canh giữ, vây hãm. Triệt là chặc đứt, phá tan, tiêu tán, làm mất hết. Từ đó, hai sao Tuần Triệt vừa đóng vai trò vừa chính vừa tà, vừa thiện vừa ác đối với các sao trong cung mà chúng trấn đóng.
Khi nói đến ảnh hưởng của Tuần Triệt, có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng Tuần Triệt làm đảo ngược ý nghĩa tốt xấu của tất cả những sao trong hai cung mà chúng đóng. Ví dụ: một sao đắc địa gặp Tuần Triệt thì những đặc tính tốt đẹp của sao này bị mất đi và trở nên hãm. Ngược lại nếu sao hãm địa gặp Tuần Triệt thì lại trở nên tốt đẹp giống như đắc địa. Như vậy thì uy lực của Tuần Triệt qúa lớn vì Tuần Triệt không phải chỉ ảnh hưởng lên 1 sao mà chúng ảnh hưởng lên tất cả các sao mà chúng trấn đóng. Quan điểm đảo ngược này chúng ta thấy trong một vài trường hợp đặc biệt. Ví dụ: Liêm Tham ở Tỵ, Hợi rất xấu, nhưng nếu gặp Tuần Triệt thì trở nên tốt đẹp, và được gọi là phản vi kỳ cách, đổi xấu thành tốt.
Quan điểm thứ hai thì cho rằng Tuần Triệt không hề đảo ngược ý nghĩa của các sao trong vòng ảnh hưởng của chúng, mà chỉ giảm bớt những đặc tính tốt xấu của các sao. Theo thiển ý của người viết, quan điểm này xem ra có phần hợp lý hơn. Tỉ lệ chiết giảm của Triệt tuy rất cao nhưng cũng chưa đến mức độ 100% để có thể thay đổi hẳn bản chất của một sao nào đó. Hơn nữa, cũng có trường hợp những sao đắc địa mà gặp Tuần Triệt thì lại càng tốt hơn chứ không hề bị đảo ngược, như trường hợp Cự Cơ ở hai cung Tí Ngọ (Thạch Trung Ẩn Ngọc) là ngọc còn ẩn trong đá, nếu gặp Tuần Triệt phá vỡ cho ngọc lộ ra bên ngoài thì càng đúng cách.
Khi nói về mẫu người Mệnh Tuần Thân Triệt hay Mệnh Triệt Thân Tuần, Thái Thứ Lang đã gián tiếp xác định mức độ ảnh hưởng của Tuần Triệt nói chung. Theo Thái Thứ Lang, người Mệnh Tuần Thân Triệt cần có Cơ Nguyệt Đồng Lương đắc địa thứ mệnh thì cuộc đời về già mới được xứng ý toại lòng. Như vậy chúng ta có thể ghi nhận một điều, đối với Tuần, thà có chính tinh đắc địa để chấp nhận mức độ tốt bị giảm bớt còn hơn là gặp chính tinh hãm địa rồi trông chờ Tuần làm cho tốt đẹp.
Đối với người Mệnh Triệt Thân Tuần thì Thái Thứ Lang cho rằng, Mệnh cần phải Vô Chính Diệu thì lúc về già mới được xứng ý toại lòng. Như vậy chúng ta thấy rằng, ảnh hưởng của của Tirệt mạnh mẽ hơn Tuần nhiều, cho nên cung Mệnh thà không có chính tinh vẫn còn tốt hơn có chính tinh, dù đắc hay hãm địa.
Trên thực tế chúng ta thấy hai sao Tuần Triệt không có uy lực để thay trắng đổi đen một cách hoàn toàn, chẳng hạn, một người có Thái Dương đắc địa thủ Mệnh gặp Tuần Triệt thì bản tính của người này không thể trở thành giống bản tính của người có Địa Kiếp thủ Mệnh được. Nói một cách khác, Tuần Triệt chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ trên lãnh vực công danh, sự nghiệp của đương số chứ không triệt tiêu được bản chất lương thiện của một Thái Dương vốn đã đắc địa.
Ngoài ra, ảnh hưởng của Tuần Triệt ở mức độ nào còn tùy thuộc vào ý nghĩa của mỗi sao, hay ý nghĩa của một cách do nhiều sao hợp lại, chứ không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn như sao Thiên Hình, Thiên Mã, Thiên Tướng, Tướng Quân...dù đắc hay hãm cũng tối kỵ Tuần Triệt hơn các sao khác bởi vì kiếm gãy, ngựa què, tướng mất đầu...thì tất nhiên là vô dụng. Tương tự, Thất Sát ở Dần thân là người anh hùng một mình một kiếm, nhất hô bá ứng, nhưng gặp Triệt lại trở thành anh hùng gãy kiếm. Tuy vậy, cũng có những trường hợp đặc biệt, ví dụ như hai sao Cự Cơ ở Tí Ngọ như chúng ta đã nói ở trên. Vì ý nghĩa của cách Thạch Trung Ẩn Ngọc cho nên Tuần Triệt lại rất cần thiết.
Chúng ta vừa nói đến ảnh hưởng của Tuần Triệt trên các sao, còn ảnh hưởng của Tuần Triệt trên các cung thì như thế nào? Có phải sự ảnh hưởng của Tuần Triệt trên hai cung mà chúng trấn đóng đều như nhau? Điều này chúng ta cũng có hai quan điểm:
1) Ảnh hưởng của Tuần Triệt trên mỗi cung nặng hay nhẹ còn tùy thuộc đương số là Dương Nam, Âm Nữ hay là Âm Nam, Dương Nữ. Nói một cách khác là theo chiều của vòng đại hạn của mỗi lá số. Ví dụ: Lá số có vòng đại hạn đi theo chiều thuận, có nghĩa là từ cung Mệnh rồi qua Phụ Mẫu, Phúc v.v... Và nếu Triệt đóng giữa cung Mệnh và cung Bào, như vậy chúng ta nói là Triệt chặn đầu cung Bào và vuốt đuôi cung Mệnh. Khi nói Triệt chặn đầu một cung nào thì ảnh hưởng của Triệt ở cung đó sẽ mạnh hơn đối với cung mà Triệt vuốt đuôi, và tỉ lệ ảnh hưởng được xác định cũng theo nguyên tắc Âm Dương:
Dương hành tam thất (3/7)
Âm quy nhị bát (2/8)
Như vậy, nếu theo chiều thuận của vòng đại hạn thì cung nào bị Tuần Triệt chận đầu sẽ chịu ảnh hưởng 7 phần, nếu đi ngược sẽ chịu ảnh hưởng 8 phần và tương tự các cung xung chiếu hay tam hợp chiếu với các cung có Tuần Triệt đóng cũng chịu ảnh hưởng nặng nhẹ theo nguyên tắc này.
2) Ảnh hưởng của Tuần Triệt phân phối đều trên hai cung mà chúng trấn đóng chứ không có cung nào nặng hơn cung nào như ý nghĩa của quan điểm thứ nhất. Người viết đồng ý với quan điểm thứ hai vì chúng ta thấy rằng ảnh hưởng của Tuần Triệt chỉ khác nhau trên các cung có chính tinh mà thôi. Thường những cung có chính tinh không nên gặp Tuần Triệt. Trái lại, những cung nào Vô Chính Diệu thì lại rất cần có Tuần Triệt . Trong trường hợp này Tuần Triệt đóng vai trò của một người giám hộ để bảo vệ cho một gia đình không có gia chủ. Từ đó, chúng ta rút ra một hệ luận là ảnh hưởng của Tuần Triệt đối với chính tinh có tầm quan trọng hơn đối với các phụ tinh.
Ngoài ra, Tuần Triệt đôi lúc còn đóng hai vai trò khác nhau, một thiện, một ác. Chẳng hạn nếu ba cung tam hợp, gọi là tam phương, bị nhiều sát tinh thủ hay hợp chiếu mà được Triệt đóng thì mọi sự hung hiểm cũng giảm đi rất nhiều. Ngược lại, bốn cung Mệnh, tài Quan, Di, gọi là Tứ Chính, dù có đắc cách tới đâu nhưng đã gặp Tuần thì cũng xem như bị phá hết: "Tam phương vô sát hạnh nhất Triệt nhi khả bằng. Tứ chính giao phù kỵ, nhất không chi trực phá."
Và trên đây chúng ta mới nói đến vùng ảnh hưởng của Tuần Triệt, còn thời gian ảnh hưởng của hai sao này thì như thế nào? Thường có người cho rằng Triệt ảnh hưởng 30 năm đầu của cuộc đời, Tuần ảnh hưởng 30 năm sau của cuộc đời. Theo thiển ý của cá nhân, Triệt ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong khoảng tiền vận, rồi từ yếu dần ở trung vận và hậu vận. Ảnh hưởng của Tuần thì không có khoảng thời gian nào mạnh hay yếu, cứ ở mức trung bình, đều đặn và bền bỉ từ tiền vận cho đến hậu vận.
Trường hợp cung Mệnh có Triệt thì ảnh hưởng của Triệt sẽ như thế nào? Cung Mệnh cũng như các cung khác thông thường có đủ sao xấu và tốt xen lẫn nhau. Có sao đắc địa, có sao hãm địa. Đối với những sao tốt đắc địa thủ Mệnh, đương số sẽ gặp sự bất lợi vì Triệt sẽ làm giảm bớt những ý nghĩa tốt đẹp của các sao này. Sự bất lợi sẽ xảy ra trong thời ky tiền vận của đương số, và sau đó, khi uy lực của Triệt yếu dần thì sự tốt đẹp của các sao tốt sẽ được phục hồi ở một mức độ nào đó mà thôi chứ không thể nào được 100% như trường hợp không bị Triệt.
Ngược lại, trong khoảng tiền vận thì đương số lại được một lợi điểm là, giả sử, nếu có những hung tinh hay sát tinh thủ mệnh, thì nhờ ảnh hưởng của Triệt mà đương số tránh được phần nào những điều không tốt do các hung sát tinh gây nên. Nhưng từ trung vận trở lên, khi Triệt yếu dần, không còn đủ uy lực để trói buộc hung sát tinh nữa, và sự tốt xấu lúc đó chỉ còn tùy thuộc vào công lực của các sao tốt và sao xấu, bên nào mạnh thì chế ngự được bên đó.
Triệt đóng tại Mệnh (giữa mệnh và phụ mẫu) thì tiền vận lao đao lận đận và dễ gặp hoàn cảnh mồ côi sớm, Trường hợp Triệt đóng tại cung Thân thì ảnh hưởng của Triệt không có gì đáng kể vì uy lực của Triệt mất dần trong khoảng trung vận và hậu vận, có thể xem Triệt như một áng mây, gây rắc rối trở ngại cho đương số những lúc khởi sự một việc gì mới mà thôi.
Trường hợp cung Mệnh có Tuần đóng thì tất cả những gì tốt đẹp do các sao tốt mang đến, cũng như những hung họa do hung sát tinh gây ra cho đương số đều giảm xuống ở mức trung bình, và muốn biết cuộc đời của đương số thế nào trong khoảng tiền vận thì chúng ta phải đặt cả tốt và xấu lên bàn cân. Thường người ta cho rằng Mệnh ứng với tiền vận, nhưng thật ra Mệnh vẫn là cái gốc của đời người, cho nên sau tiền vận, Mệnh vẫn còn ảnh hưởng ở mức độ nhẹ. Như vậy, khi Tuần đóng ở Mệnh, thì sau khoảng thời gian của tiền vận những mức độ tốt hay xấu của cung Mệnh do Tuần chi phối vẫn còn âm hưởng.
Nếu Tuần đóng tại cung Thân thì vấn đề tốt hay xấu cũng tương tự như trên. Nếu có khác thì trong trường hợp này là Tuần chỉ chi phối trong khoảng thời gian trung vận và hậu vận mà thôi.
Nếu cả Tuần và Triệt cùng đóng ở cung Mệnh hay cung Thân thì thế nào? Điều này cũng có hai ý kiến khác nhau.
1. Một số cho rằng khi Tuần Triệt gặp nhau thì sẽ tự hoá giải cho nhau và hai cung đó xem như không có mặt của Tuần Triệt nữa. Điều này xét ra không hợp lý lắm bởi vì khoa Tử vi không có những sao nào cùng nhóm lại triệt tiêu nhau. Những sao cùng nhóm luôn hỗ trợ cho nhau, tốt thì tốt thêm, xấu thì xấu hơn. Chẳng hạn như Nhật Nguyệt gặp Xương Khúc, hay hủy hại nặng nề khi Không Kiếp gặp thêm Hỏa Linh. Chỉ có những sao khác nhóm mới khắc chế nhau như Thiên Hình khắc chế và làm giảm đi sự lẳng lơ của Đào Hoa.
2. Mệnh có cả Tuần Triệt như một nhà tù có hai ông cai ngục. Ông chính là Triệt, ông phụ là Tuần. Hết khoảng thời gian của tiền vận khi Triệt về hưu thì cũng còn ông Tuần cai quản, chứ không hề nhà giam được bỏ ngỏ.
Sau hết, trường hợp chúng ta muốn nói ở đây là những lá số có Tuần đóng ở Mệnh và Triệt đóng ở Thân mà chúng ta thường nghe là mẫu người Mệnh Tuần Thân Triệt, hay trường hợp Mệnh Triệt Thân Tuần, thì cuộc dời của hai mẫu người này như thế nào?
Để có câu trả lời, cách tốt nhất là chúng ta để lên bàn cân từng phần một rồi cộng trừ các số thành với nhau để có đáp số cuối cùng. Mệnh có Tuần đóng, nếu Mệnh tốt thì mức độ chiết giảm do Tuần gây ra tương đối nhẹ nhàng, còn nếu cung Mệnh xấu, thì sự cứu vãn của Tuần cũng không được bao nhiêu. Những hung sát tinh cũng như những đúa con phá gia chi tử trong một gia đình bất hạnh. Họa chăng chỉ có người cha là triệt còn đủ uy lực để chế ngự, chứ còn mẹ Tuần thì không đủ sức.
Qua trung vận và hậu vận thì ứng vào cung Thân. Nếu cung Thân tốt mà có Triệt đóng thì cũng không gây ảnh hưởng gì đáng kể, có chăng chỉ là những trở ngại gây rắc rối lúc ban đầu mà thôi. Trường hợp nếu cung Thân xấu thì Triệt ở đây cũng như người nộm dùng để dọa chim chứ không có năng lực gì đáng kể. Như vậy, nếu người Mệnh Tuần Thân Triệt mà có cung Thân tốt đẹp thì về già cuộc đời cũng đạt được nhiều mãn nguyện.
Trường hợp đối với những người Mệnh Triệt Thân Tuần thì cũng tương tự. Mức độ tốt xấu của cung Mệnh sẽ bị chiết giảm nhiều hơn, và sự ảnh hưởng này chỉ xảy ra trong khoảng tiền vận mà thôi. Rồi từ đó cho đến hết cuộc đời, ảnh hưởng của sự tốt xấu trên cung Thân chỉ ở mức độ ôn hoà. Như vậy đối với mẫu người Mệnh Triệt Thân Tuần thì thời gian thử thách nhất là thời thanh xuân, sau đó, nếu cung Thân tốt đẹp thì cuộc đời tương đối cũng được bình ổn.
Người Mệnh Thân Tuần Triệt, nếu cung Mệnh hay cung Thân Vô Chính Diệu mà có Tuần hay Triệt đóng thì tốt hơn. Hoặc là cung Mệnh vừa có cả Tuần lẫn Triệt vừa thêm hai sao Thiên Không và Địa Không, tùy theo có bao nhiêu sao Không, chúng ta gọi là cách Mệnh Vô Chính Diệu đắc nhị không, tam không hay tứ không, đều là những cách hoạch phát. Hoặc là nếu Tuần Triệt đóng tại Mệnh hay Thân mà hai cung này Vô Chính Diệu lại được Nhật Nguyệt hợp chiếu thì cũng rất tốt đẹp.
Tuần Triệt là hai sao đặc biệt nhất và là đề tài tranh luận. Tùy theo kinh nghiệm thực tiễn mà mỗi người tự chọn cho mình một quan điểm riêng. Dù sao, khi nói đến Tuần Triệt, chúng ta đều thấy ảnh hưởng tốt xấu của hai sao này trên một lá số nào đó không phải là điều đơn giản. Như một người bị chứng đau nhức phải uống thuốc giảm đau, uống thuốc giảm đau nhiều thì lại sinh ra đau bao tử, uống thuốc chữa bệnh đau bao tử nhiều thì lại sinh ra chứng bất lực.. Ảnh hưởng của Tuần Triệt cũng tương tự như vậy, giúp ta bên này thì phá bên kia, và có lẽ cái thâm sâu của khoa Tử Vi là ở chổ đó.

(Sưu tầm)

Chương 3: Cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô


Cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô
1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái.2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy."3 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên."4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? "5 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."

9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được? "10 Đức Giê-su đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi.12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? "13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."
Sứ vụ của Đức Giê-su tại Giu-đê. Lời chứng cuối cùng của ông Gio-an
22 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa.23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa.24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.

25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy.26Họ đến gặp ông Gio-an và nói: "Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông."27 Ông Gio-an trả lời: "Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: "Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.

31 Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người;32 Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.33 Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật.34 Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.35 Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.36 Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy."
(Gioan) 

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Cầu nguyện cho các linh hồn


Cầu nguyện cho các linh hồn

Open in new window

Cầu nguyện hàng ngày mãi chẳng quên
Trời thương dương thế vợi ưu phiền
Cho hồn cha mẹ… về tiên cảnh
Các bóng ông bà… tới cõi thiền
Linh thể lang thang nương bến lặng
Hồn âm vờ vật nghỉ bờ yên
Siêu thăng nhân loại nơi nhà Chúa
Thoát khi hãi hùng ha ngc tuyn.

6.10.2011/Trần Kim Lan

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

BÀI 22: MẪU NGƯỜI "NHẬT TRẦM THỦY BỂ"


BÀI 22: MẪU NGƯỜI "NHẬT TRẦM THỦY BỂ"
      
Khi phác họa về mẫu người Nhật Nguyệt Đồng Lâm, chúng ta đã nêu rõ những đặc tính của sao Thái Dương trong một vài vị trí đặc biệt. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc lại những đặc tính của Thái Dương trong những vị trí tốt đẹp trước khi nói đến Thái Dương sẽ như thế nào ở vào các vị trí hãm địa.
Thái Dương thuộc Nam Đẩu tinh, hành Hỏa, miếu ở hai cung Tỵ Ngọ, tức là mặt trời lúc giữa trưa và vượng địa ở hai cung Dần Mão, là lúc mặt trời lúc bình minh. Ở 4 vị trí này, Thái Dương chủ sự thông minh, lòng nhân đức, Tài và uy quyền. Thái Dương hợp với những người Dương Nam, Dương Nữ và những người sinh vào ban ngày. Ngoài những vị trí miếu vượng vừa nêu trên, hai cung Sửu Mùi cũng là hai vị trí đắc địa của Thái Dương, mặc dù đó là thời gian đã là giao điểm giữa đêm và ngày.
 Như vậy sáu cung còn lại từ cung Thân đến cung Tí là những vị trí hãm địa của Thái Dương, là thời điểm của bóng đêm, mặt trời không ánh sáng. Trong sáu cung hãm địa này, Thái Dương có hai vị trí khá đặc biệt là cung Tí và Hợi, khoa Tử Vi gọi là cách Nhật Trầm Thủy Bể), nghĩa là mặt trời chìm xuống đáy nước. Tuy vậy, nhưng ít nhiều mặt trời vẫn còn giữ được ánh quang huy, vẫn còn giá trị của một vầng Thái Dương.
Người có Thái Dương thủ Mệnh tại hai cung Tí Hợi là người hiền lương rộng lượng, có lòng nhân từ với mọi người nhưng đôi lúc tính tình cũng hơi cố chấp, có lẽ vì lúc nào cũng đối xử tốt đẹp với mọi người, cho nên nghĩ rằng người khác cũng sẽ đối xử với mình như vậy. Là người thông minh, tuy nhiên không được bền chí, làm việc gì cũng muốn nhanh chóng, gặp trở ngại thì dễ dàng nản lòng, bỏ cuộc. tính khí thanh cao, thích sự tao nhã, thích cuộc sống an nhàn, đặc biệt là có năng khiếu về thẩm mỹ, văn chương và nghệ thuật.
Mẫu người Nhật Trầm Thủy Bể từ nhỏ đã có nhiều bệnh tật. Đáng kể nhất là những bệnh về mắt, bệnh về máu huyết như áp huyết cao, thần kinh dễ bị suy yếu, hay bị chứng đau đầu kinh niên. Nếu muốn qua khỏi bệnh tật này, lúc trẻ phải sống xa gia đình hoặc xa quê hương càng tốt. Được như vậy thì sức khỏe sẽ ngày một khá hơn và tuổi thọ cũng kéo dài hơn. Tuy nhiên vẫn phải thận trọng với đôi mắt của mình, nếu trong người hay tay chân không bị khuyết tật gì bẩm sinh, và nếu có thêm nhưng sao như Kình Đà, Thiên Hình, Kiếp Sát thì mắt có thể bị vật nhọn đâm vào hay phải chịu sự mổ xẻ.
Nói về đường công danh sự nghiệp thì mẫu người Nhật Trầm Thủy Bể là những người có khả năng thiên phú, nổi bật nhất là trong lãnh vực văn học, nghệ thuật.
Nhưng oái oăm thay, tài năng của họ cũng như mặt trời chìm sâu đáy nước cho nên hầu hết họ là những ngưới bất đắc chí. Trong cuộc sống, trong công việc, hoặc trong những môi trường sinh hoạt hàng ngày họ thường gặp phải những hoàn cảnh khiến cho họ không thể thi thố hết tài năng của mình được. Đây cũng là trường hợp những người mang khả năng tâm huyết đạt thành qủa, nhưng thành qủa đó lại do người khác hưởng chứ người đời không biết đến mình. Chẳng hạn như những người chuyên dự thảo chương trình, kế hoạch, tham mưu, cố vấn, các chuyên viên, các khoa học gia âm thầm làm việc trong những phòng thí nghiệm v.v...
Nhật Trầm Thủy Bể dù nam hay nữ cũng là những người khéo tay và có khiếu về thẩm mỹ. Họ xuất sắc trong những lãnh vực như nấu ăn, trang điểm, thêu thùa, trang trí nhà cửa... Nếu có thêm những sao về văn học như Thái Âm, Xương Khúc, Khôi Việt, Đào Hồng Hỷ... hợp chiếu thì họ là những nghệ sĩ có thực tài nhưng vì hoàn cảnh mà tài năng phải bị mai một, hoặc là tác phẩm của họ chỉ được người đời biết đến khi họ đã khuất. Và những trường hợp mà chúng ta vẫn thường thấy là đôi lúc tên tuổi của một ca sĩ, một diễn viên trên sân khấu, màn ảnh... lại được nhiều người biết đến và hâm mộ hơn là những nhạc sĩ, người soạn tuồng, đạo diễn. Cũng như những tác phẩm nổi tiếng, những hồi ký của một chính khách, một nhân vật nào đó, thường vẫn do một người khác viết dùm (người Mỹ gọi là Ghost Writer). Đó là ý nghĩa của mặt trời chìm đáy nước.
Riêng với nữ mệnh, Thái Dương ở Tí Hợi là người có nhan sắc nhưng nét mặt lúc nào cũng phảng phất một nét buồn bởi có câu "Nhật lạc nhàn cung, sắc thiểu xuân dung." Tính tình đa sầu đa cảm, tâm địa hiền thục thanh cao và có thể nói bốn chữ công dung ngôn hạnh đều hội đủ. Họ thường hợp và sống gần với cha hơn mẹ, nhưng cũng vì Thái Dương hãm, cho nên khi lập gia đình thì lại khắc chồng, chuyện tình duyên buồn nhiều hơn vui.
Nói chung, Thái Dương dù hãm nhưng nếu không gặp những hung tinh hay ám tinh thì cuộc đời cũng đủ ăn đủ mặc. Nếu may mắn được những sao tốt đi kèm, hoặc được Tuần Triệt án ngữ thì hậu vận cũng có một cuộc sống an nhàn sung sướng. Người Thái Dương hãm địa thủ mệnh thiếu thời thường gặp những nghịch cảnh để rồi lúc nào cũng phải phấn đấu, chỉ khi về già thì cuộc sống mới có phần toại nguyện.
Nhưng đặc biệt với những người tuổi Bính và tuổi Đinh thì lại rất hợp với Thái Dương tại cung Tí, cuộc đời vẫn được giàu sang phú qúy: "Thái Dương cư tí, Bính Đinh phú qúy trung lương." Với các tuổi khác, tuy là có tài năng, nhưng suốt đời chỉ gặp toàn là những cảnh bất đắc chí, cũng giống như nhà thơ Tú Xương hay Cao Bá Quát mà thôi.

(Sưu tầm)

Chương 2: Tiệc cưới Ca-na


1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi."4 Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến."5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10 và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

B. LỄ VƯỢT QUA THỨ NHẤT
Đức Giê-su tẩy uế Đền Thờ (Mt 21: 12 -13; Mc 11: 15 -17; Lc 19: 45 -46 )
13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? "19Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
Đức Giê-su ở tại Giê-ru-sa-lem
23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm.24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy,25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.
Gioan
  

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Gaddafi, ông có thấu?

Gaddafi, ông có thấu?




Gaddafi ơi níu kéo để mà chi
Địa vị giàu sang có ích gì
Nếu biết khôn ngoan quyền quẳng bỏ
Thì đâu nhục nhã xác "lăng trì"

Còn đây dân nước tang thương thuở
Vẫn đó cháu con tủi hổ thì
Vất vưởng thân tàn ông có thấu
Muôn đời mãi tiếng hận khinh khi!

25-10-2011/Trần Kim Lan 

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Chương 1: I. LỜI TỰA (Tin Mừng theo Gioan)


I. LỜI TỰA
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành

4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

6 Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.

7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.

8 Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.

10 Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.

11 Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.

14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:
"Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi."

16 Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
II. SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU
1. LOAN BÁO NHIỆM CỤC MỚI
A. TUẦN LỄ KHAI MẠC
Lời chứng của ông Gio-an (Mt 3:1-12; Mc 1:1-8; Lc 3:1-18 )
19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? "20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô."21 Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không."22 Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? "23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu.25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? "26 Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước."32 Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."
Các môn đệ đầu tiên
35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa."37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế? " Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? "39 Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô).

43 Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: "Anh hãy theo tôi."44 Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.

45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét."46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? " Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem! "47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối."48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi? " Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi."49Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! "50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa."51Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

(Gioan)

BÀI 21: MẪU NGƯỜI "LƯNG TRỜI GÃY CÁNH"


BÀI 21: MẪU NGƯỜI "LƯNG TRỜI GÃY CÁNH"

CUỘC ĐỜI VÀ SỐ MỆNH

Trong Tử Vi, người ta ít chú trọng đến sao Thiên Không, một phụ tinh nhỏ xếp vào hàng em út so với đại sát tinh Không Kiếp mà chúng đã đề cập trong chương trước, nhưng rất đáng lưu ý khi giải đoán nhất là lúc xem hạn. Ngoài những ý nghĩa căn bản và đơn giản của một ác tinh, Thiên Không còn mang nhiều sắc thái đối nghịch nhau rất lý thú mà chúng ta phải cân nhắc thận trọng khi giải đoán một lá số có Thiên Không thủ Mệnh để khỏi đi đến những kết luận sai lầm đáng tiếc.
 Thiên Không thuộc hành Hỏa, đắc địa ở Dần, Thân, Tỵ, Hợi và đó cũng là nơi đắc địa của Không Kiếp, cho nên tại những vị trí này, Thiên Không sẽ có uy lực không kém gì Không Kiếp, và cũng như các đàn anh, Thiên Không chủ sự phá tán, thất bại, gãy đổ nửa chừng. Người có Thiên Không hãm địa thủ mệnh thì tính xảo quyệt, chuyên dùng sự gian dối, thủ đoạn để ăn ở với người, để mưu sự với đời, nhưng rốt cuộc cũng không làm được việc gì ngoài những trò tiểu xảo hầu thủ lợi cho cá nhân mình, nhưng chung cuộc thì cũng tự hại mình mà thôi.
Người có Thiên Không đắc địa thủ mệnh tính tình táo bạo, thăng trầm, túc trí đa mưu, thích toan tính những chuyện lớn lao, nhưng nếu không có những sao chế giải thì từ anh hùng trở thành gian hùng dễ như trở bàn tay. Bởi vậy, như đã nói ở trên, ý nghĩa lý thú của Thiên Không là chúng ta có thể ví người Thiên Không là người "nhị trùng bản ngã". Trong con người Thiên Không có một người thiện, một người ác, có chính, có tà...Một lá số với cách cục tốt đẹp nào đó khiến chúng ta kết luận đương số là anh hùng, nhưng cẩn thận, anh hùng có thể là gian hùng nếu có thêm Thiên Không đồng thủ mệnh.
Cái bản ngã thứ nhì của Thiên Không hiểu theo triết lý nhà Phật thì Thiên Không còn có ý nghĩa "sắc sắc không không" Cho nên, người có Thiên Không đắc địa thủ mệnh gần giống với mẫu người Tử Tham Mão Dậu, bẩm sinh từ lúc còn trẻ đã có khuynh hướng yếm thế, có những ý nghĩ và cuộc sống gần gũi với tôn giáo. Cái khổ của người Thiên Không là sự dằn vặt trong nội tâm bởi hai cánh tay của Thiên Không, một thiện một ác, một chánh một tà, một đời một đạo, lôi kéo, giằng co cả cuộc đời: Mệnh tọa Thiên Không định xuất gia, có nghĩa là người Thiên Không thủ mệnh lòng chỉ muốn xa lánh cõi đời, nhưng thực hiện được hay không đớ còn tùy thuộc vào những sao phối hợp mà chúng ta đề cập sao đây.
Với lá số Thiên Không lại càng nên thận trọng hơn đối với hai sao Đào Hồng, là biểu tượng cho sắc đẹp, nghệ thuật và nhất là nữ. Có nhiều sách cho rằng Thiên Không thủ mệnh gặp Đào Hoa, dù nam hay nữ, cũng là những người có khả năng quyến rũ người khác phái bằng những ngón nghề riêng của mình. Theo thiển ý của người viết, chúng ta phải phân biệt hai trường hợp.
1) Đối với nam, Thiên Không biểu tượng cho bản chất của đương số, và Đào Hoa là đối tượng đeo đuổi. Cho nên nam phái có Thiên Không và Đào Hoa ở mệnh là người đào hoa và biết dùng những ưu điểm trời phú cho mình như nhân dáng, lời ăn, tiếng nói ngọt ngào, địa vị, quyền thế..v.v...Nói chung là dùng mọi khả năng quyến rũ của mình dễ lợi dụng đàn bà vào một mục đích nào đó. Nếu gặp thêm những sao như Phục Binh, Quan Phù, Quan Phủ... thì mức độ lợi dụng sẽ đi đến chuyện dụ dỗ, lừa gạt, phản bội một cách trắng trợn.
2) Đối với nữ, Đào Hoa là biểu tượng chính của đương số, là cánh hoa biết nói, còn Thiên Không là lửa trên trời. Đào Hoa gặp lửa thì làm sao không khô héo? Bởi vậy, nữ phái gặp cách này là người có nhan sắc nhưng lại không có duyên. Chữ duyên ở đây bao hàm cả hai ý nghĩa: Sự duyên dáng và duyên phận. Chúng ta thường thấy những người đàn bà có sắc đẹp bên ngoài nhưng khi tiếp xúc thì không tìm thấy một nét hấp dẫn nào qua tính tình hay nội tâm. Hữu sắc vô hương, vì vậy mà Đào Hoa ngộ Thiên Không thì duyên kiếp phải bẽ bàng, chứ không hẳn có sức quyến rũ nam phái.
Và tương tự, Mệnh có Thiên Không, Hồng Loan là người có tư cách thanh cao, thích an nhàn, ẩn dật, và khuynh hướng xa lánh trần tục rất rõ ràng. Hai chữ "không hồng" với quan niện triết lý của nhà Phật, phải chăng là không vướng bụi hồng trần?
Một ý nghĩa đáng kể mà chúng ta đã nói ở trên là sự thất bại, sự đổ gãy nửa chừng của người có Thiên Không thủ mệnh. Sự gãy đổ này có thể xảy ra trên mọi lãnh vực từ công danh, sự nghiệp cho đến chuyện tình cảm gia đạo v.v...Bởi vậy, chúng ta có thể gọi người Thiên Không thủ Mệnh là mẫu người Bán Thiên Triết Sỉ (Lưng Trời Gãy Cánh).
Người có cách Tham Vũ Đồng Hành là người làm nên sự nghiệp từ thương trường. Nhưng nếu mệnh có Thiên Không thì chắc chắn thì đương số ít nhất cũng phải một lần thất bại đau thương rồi mới làm nên sự nghiệp. Tùy theo mỗi lá số, có người đổ vỡ trên đường công danh, có người gãy đổ trên đường tình ái... Và cho đến việc tu hành cũng không phải là con đường nhẹ nhàng đối với những người đã có lòng thoát tục. Cho nên cuối cùng họ đành chấp nhận cuộc sống nửa đời nửa đạo, hoặc là bỏ đạo trở lại với đời.
Chúng ta cũng thấy rất rõ đặc tính lưng trời gãy cánh khi Thiên Không nhập hạn. Một tay chọc trời khuấy nước như Hạng Võ mà hạn gặp Thiên Không cũng đành phải mất nước, biệt Ngu Cơ và tự vẫn bên dòng Ô Giang. Hạn gặp Thiên Không thì tốt nhất là khoanh tay ngồi yên, chớ mưu tính chuyện gì cho tốn công phí sức. Dù có mưu cầu toan tính tới đâu thì chung cuộc cũng chỉ là đầu voi đuôi chuột mà thôi. Nếu gặp hạn xấu thì kết quả có thể còn tệ hại hơn, kể cả chuyện tán gia bại sản hay gia đình ly tán.
Tác hại của Thiên Không sẽ nhẹ nhàng hơn đối với những người Vô Chính Diệu vì Mệnh của họ vốn đã là "không" nếu gặp thêm không nữa thì cũng không gì đáng ngại. Nhật Nguyệt thủ mệnh không sợ Thiên Không vi hai vầng nhật nguyệt lại càng sáng dưới bầu trời không gợn áng mây.
Cuối cùng, một đặc điểm oái oăm khác của mẫu người Thiên Không là cho dù hôm nay có làm nên công danh sự nghiệp, có quyền cao chức trọng, thì cũng nên hiểu rằng chung cuộc của mình rồi cũng hai bàn tay trắng mà thôi.
(Sưu tầm)

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Chương 28: Ngôi mộ trống


Ngôi mộ trống (Mc 16: 1-8; Lc 24: 1-10; Ga 20: 1-10 )
1 Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên;3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: "Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh.6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm,7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay."8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

Đức Giê-su hiện ra với các phụ nữ
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em! " Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."

Các thượng tế lừa đảo
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự."15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Đức Giê-su hiện ra tại Ga-li-lê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân (Mc 16: 14 -18; Lc 24: 36 -49; Ga 20: 19 -23; Cv 1:6-8)
16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."


Mátthêu 

BÀI 20: MẪU NGƯỜI “BẠCH THỦ THÀNH GIA”


BÀI 20: MẪU NGƯỜI “BẠCH THỦ THÀNH GIA”

CUỘC ĐỜI VÀ SỐ MỆNH

Trong Tử Vi, nên lưu ý là không phải chỉ những chính tình như Tử Vi, Thiên Phủ, Liêm trinh, Thất Sát v.v... mới là những sao làm nên chuyện lớn. Đối với những phụ tinh, nếu ở đúng cách, đúng chỗ thì vẫn giúp đương số làm nên sự nghiệp một cách dễ dàng. Đó chính là trường hợp của sao Kình Dương mà khoa Tử Vi thường gọi là cách Kình Dương Độc Thủ, hay còn gọi là mẫu người Bạch Thủ Thành Gia, có nghĩa là tay trắng làm nên sự nghiệp.

Kình Dương thuộc nhóm Bắc đẩu tinh, hành Kim, có tên là Dương Nhẫn, chủ về sát phạt và hình khắc. Kinh Dương đắc địa ở tứ mộ (Thìn, Tuất, Sửu, Mùi). Người có Kình Dương đắc địa tọa thủ tại Mệnh thì thân hình cao và gầy, mặt xương, tánh qủa quyết, can đảm, dũng mãnh, thích phiêu lưu mạo hiểm, làm việc gì cũng muốn mau chóng. Là người túc trí đa mưu, đa tài, đa năng và có lẽ vì vậy mà cái "tôi" rất lớn, dù cho có giữ sự khiêm cung nhưng cũng khó có thể che giấu được nét kiêu căng tự phụ vốn sẳn là bản chất. Bởi những đặc tính vừa nêu trên, người có Kình Dương thủ Mệnh rất thích hợp với võ nghiệp hoặc các ngành kinh doanh về kỹ nghệ. Nam phái, Mệnh có Kình Dương đi kèm với bộ sao Sát Phá Liêm Tham thì dễ làm nên sự nghiệp trên chiến trường. Nhưng nếu Kình gặp thêm Linh Hỏa và Kiếp Sát thì đây cũng là cách sinh nghề tử nghiệp, khó tránh được chuyện phơi thây ngoài chiến địa. Như chúng ta có nói, Tham Vũ đồng hành ở tứ mộ là mẫu người của thương trường, nhưng nếu gặp thêm Kình Dương thì đấy lại là người nghiêng về quân đội, là những quân nhân rất gan dạ và cũng là cấp chỉ huy có khả năng trong lãnh vực tham mưu, chiến lược.
Nếu Kình Dương hãm địa thủ Mệnh mà không có những sao tốt đi kèm thì cho dù nam hay nữ, tánh tình cũng rất hung bạo, liều lĩnh, nông nổi, bướng bỉnh, ương ngạnh, xảo trá. Cuộc đời chỉ gặp toàn là những tai họa, bệnh tật, và dễ dính dáng đến chuyện tù tội.
Kình Dương hãm ở Mệnh cũng là người khéo tay, có năng khiếu về nghành thủ công. Nếu Kình hãm đi cùng với những sao biểu tượng cho nghệ thuật như Nhật Nguyệt, Xương Khúc v.v... đây là những nghệ nhân trong các lãnh vực như điêu khắc, hội họa, trang trí nhà cửa, làm nữ trang... Nhưng dù đắc hay hãm địa, người có Kình Dương thủ Mệnh, nếu không có những sao chế giải, là người chủ trương sống ở đời "vô độc bất trượng Phối" Đối với họ, cứu cách mới quan trọng, không cần phải câu nệ đến phương tiện.
Ngoài 4 vị trí tốt đẹp của Kình Dương là tứ mộ, Kình Dương cũng có nhiều ý nghĩa đáng kể tại một vài vị trí khác như Tí Ngọ và Mão Dậu. Tại 4 cung này, nếu không có những sao tốt chế giải thì Kình Dương chủ sự bệnh tật, tai họa và chết yểu. Tuy nhiên, đặc biệt tại cung Ngọ, Kình Dương đóng một vai trò hai mặt tốt và xấu. Kình Dương tọa thủ tại Ngọ là cách Mã Đầu Đới Kiếm, kiếm treo đầu ngựa, là kẻ anh hùng lập công trên lưng và chết cũng trên lưng ngựa. Kình tại Ngọ, gặp được những sao tốt đẹp tọa thủ đồng cung như Thiên Đồng, Thái Âm, hay Khoa Quyền Lộc...thì đây là cách phát về võ nghiệp, là số của những bậc danh tướng, công trạng hiển hách, thường được bổ nhậm trấn giữ biên cương. Nhưng với cách này, trong cái tốt luôn ẩn tàng những điều bất hạnh. Lưỡi kiếm Kình Dương giúp anh hùng tạo nên sự nghiệp, và cũng chính lưỡi kiếm oan nghiệt này đã giữ đúng định luật khắc khe của tạo hóa: Đó chính là số của Quan Vân Trường thời Tam Quốc. Cách Mã Đầu Đới Kiếm đã đưa đến cái chết bi thảm của một đấng anh hùng.
Ngoài ra hai cung Dần, Thân cũng không phải là vị trí tốt lành cho Kình Dương. Tại hai cung này. Kình Dương chỉ sự bệnh tật tai họa, thất bại... Nói chung, Mệnh ở Dần, Thân có Kình Dương thì cuộc đời có thể diễn tả trong bốn chữ "tay làm hàm nhai" tệ hại nhất đối với người tuổi Giáp và Mậu, dù cho có may mắn được thừa hưởng di sản của ông bà, cha mẹ thì cũng phá tán hết tổ nghiệp mà thôi. Tuy nhiên, nếu Mệnh ở Dần, Thân có Kình, được những sao tốt khác cùng tọa thủ thì cuộc đời sẽ được cơm no áo ấm nhờ bẩm sinh có năng khiếu về nghề thủ công. Nếu có thêm những sao chế giải bớt sự phá hoại của Kình thì vào trung hay hậu vận có thể sẽ trở mình thành đại phú bởi một ngành thủ công nào đó như dệt, kim hoàn, điêu khắc v.v...
Như vậy chúng ta thấy rằng, trong 12 cung, chỉ có 4 cung tứ mộ là đất dụng võ của Kình. Đối với nam, Mệnh an tứ mộ có Kình với những sao tốt đẹp là phát về võ nghiệp. Nhưng nếu ở tứ mộ, Kình gặp Tử Phủ thì lại phát về kinh thương. Với những cách vừa nêu trên mà gặp những người có các tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì có sự ứng hợp, nên mức độ tốt đẹp được tăng lên gấp bội, và khoa Tử Vi gọi là cách kình Dương Nhập Miếu.
Đối với Nữ, Mệnh tại tứ mộ có Kình là người đàn bà đảm đang, hành xử ngoài đời không thua gì đấng mày râu, là người dám nói, dám làm. Có thể nói đây là mẫu người đàn bà làm quan cho chồng. Điều này không phải chỉ ảnh hưởng của một Kình đắc địa mà chúng ta phải nhớ rằng, đàn bà có Mệnh an ở tứ mộ là người rất thông minh, sắc sảo, ít nhất là trong một lãnh vực nào đó.
Bởi vậy, nữ phái, Mệnh ở tứ mộ có Kình, cùng với những sao tốt đẹp là người đàn bà "vượng Phối ích Tử" chỉ nên hiểu theo ý nghĩa của một người đàn bà đảm đang, có khả năng từ hai bàn tay trắng tự mình, hay giúp chồng tạo dựng sự nghiệp. Còn trên những khía cạnh khác vấn đề tình cảm, sự tâm đầu ý hợp giữa hai vợ chồng... chắc chắn không nhiều thì ít cũng khó tránh khỏi sự xung khắc trong gia đạo. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn trong trường hợp Kình tọa thủ đồng cung với Nhật Nguyệt, là hai sao biểu tượng cho vợ chồng, thì ý nghĩa lúc đó sẽ ngược lại, nam thì khắc vợ, gái thì lúc trẻ cao số, lập gia đình thì khắc chồng, sát chồng. Từ đó, chúng ta cũng thấy thêm một điều nữa là Nhật Nguyệt không sợ Không Kiếp mà chỉ sợ Kình Đà. Trong một lá số, Nhật Nguyệt dù miếu vượng mà gặp phải Kình Đà thì sớm muộn gì cũng sẽ đau khổ, bệnh tật về mắt, vợ chồng xung khắc, và nếu không có những sao hóa giải, nhẹ thì sinh ly, nặng thì tử biệt.
Tóm lại cách Kình Độc Thủ trong một lá số tương đối tốt đẹp sẽ giúp đạt được công danh sự nghiệp. Cuộc đời của người có Kình thủ Mệnh là con đường đầy chông gai. Sự thành công của họ là từ hai bàn tay trắng, bằng sức phấn đấu cũng như khả năng của chính bản thân. Cho nên lúc thiếu thời thường gian nan vất vả, cho đến trung vận hay hậu vận thì mới được công thành doanh toại. hai bàn tay trắng mà thôi

(Sưu tầm) 

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Voi kiến đối đầu


Voi kiến đối đầu
(Họa bài: Chiến tranh voi kiến – TG: Hồ Văn Thiện)


Phách lối “Hoàn Cầu“ dọa ngoại bang
“Hải Nam“ lạc lối chưởng tung phàng
Miệng cười bụng phệ lòi dao kiếm
Tay bắt mặt gằm lộ sói lang
Cố chấp gồng tham tham chẳng nổi
Giả đò gánh thiện thiện không màng
Kiến vàng dẫu bé mà khôn lắm
Voi kễnh gian ngoan cũng phải hàng.

17.10.2011/Trần Kim Lan

Chiến tranh voi kiến

alt

“Hoàn Cầu” tung mạng dọa Nam bang
Phát động chiến tranh đánh phủ phàng
Lên mặt dạy đời bài giả nghĩa
Lòi đuôi kẻ cướp thói sài lang
Voi to dậm đất khôn rung núi
Kiến bé đè tai đục thủng màng
Châu chấu đã bao phen đá tượng
Tướng tài đứa chạy đứa qui hàng !

11-10-2011/Hồ Văn Thiện

Chương 27: Đức Giê-su bị giải đến tổng trấn Phi-la-tô


Đức Giê-su bị giải đến tổng trấn Phi-la-tô (Mc 15: 1; Lc 23, 1; Ga 18: 28 )

1 Trời vừa sáng, tất cả các thượng tế và kỳ mục trong dân cùng nhau bàn kế hại Đức Giê-su, để xử tử Người.2 Sau đó, họ cho trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô.

Giu-đa đi thắt cổ (Cv 1:18 -19 )

3 Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục4 mà nói: "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan." Nhưng họ đáp: "Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh! "5 Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ.6 Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói: "Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu."7 Sau khi bàn định với nhau, họ dùng tiền đó tậu "Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm" để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều.8 Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là "Ruộng Máu" cho đến ngày nay.9 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: "Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ít-ra-en đã đặt khi đánh giá Người.10 Và họ lấy số bạc đó mà mua "Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm", theo những điều Đức Chúa đã truyền cho tôi."

Đức Giê-su ra trước toà tổng trấn Phi-la-tô (Mc 15: 2-15; Lc 23: 3-5,13 -25; Ga 18: 33 -9:16 )

11 Đức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: "Ông là vua dân Do-thái sao? " Đức Giê-su trả lời: "Chính ngài nói đó."12 Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng.13 Bấy giờ ông Phi-la-tô hỏi Người: "Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao? "14 Nhưng Đức Giê-su không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.

15 Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn.16 Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Ba-ra-ba.17 Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Phi-la-tô nói với họ: "Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Ba-ra-ba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô? "18 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.

19 Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: "Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy."

20 Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Ba-ra-ba mà giết Đức Giê-su.21 Tổng trấn hỏi họ: "Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người? " Họ thưa: "Ba-ra-ba! "22 Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: "Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây? " Mọi người đồng thanh: "Đóng đinh nó vào thập giá! "23 Tổng trấn lại nói: "Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác? " Họ càng la to: "Đóng đinh nó vào thập giá! "24 Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy! "25 Toàn dân đáp lại: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! "26 Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.

Đức Giê-su phải đội vòng gai (Mc 15: 16 -20; Ga 19: 1-3)

27 Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người.28 Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ,29 rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: "Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái! "30Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người.31 Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá (Mc 15: 21 -28; Lc 23: 26. 33 -34. 36 -38; Ga 19: 17 -24 )

32 Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người.33 Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ,34 chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống.35 Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau.36 Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.

37 Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: "Người này là Giê-su, vua dân Do-thái."38 Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

Đức Giê-su bị nhục mạ (Mc 15: 29 -32; Lc 23: 35 )

39 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu40 vừa nói: "Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! "41 Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói:42 "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!43 Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: "Ta là Con Thiên Chúa! "44 Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.

Đức Giê-su trút linh hồn (Mc 15: 33 -41; Lc 23: 44 -49; Ga 19: 28 -30 )

45 Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? "47 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Hắn ta gọi ông Ê-li-a! "48 Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống.49 Còn những người khác lại bảo: "Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không! "50 Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

51 Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ.52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy.53 Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người.54 Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa."

55 Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người.56 Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.

Mai táng Đức Giê-su (Mc 15: 42 -47; Lc 23: 50 -55; Ga 19: 38 -42 )

57 Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su.58 Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông.59 Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm,60 và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về.61 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.

Lính canh mồ

62 Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô,63 và nói: "Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: "Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy."64 Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước."65 Ông Phi-la-tô bảo họ: "Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết! "66 Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.
Mátthêu

BÀI 19: MẪU NGƯỜI “TÀI MỆNH TƯƠNG ĐỐ”





Cầm đầu trong nhóm hung tinh là Địa Không và Địa Kiếp (Không Kiếp). Khi Không thủ Mệnh và Kiếp thủ Thân, hoặc ngược lại, có thể gọi chung là mẫu người Không Kiếp .
Không Kiếp thuộc hành Hỏa, đắc địa ở Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Tại Tỵ ,Hợi thì Không Kiếp đồng cung cho nên uy lực sẽ gấp đôi so với Không Kiếp xung chiếu nhau ở hai cung Dần, Thân.
Xét về ngũ hành thì Không Kiếp tọa thủ tại cung Tỵ là tốt nhất vì sao và cung đồng hành (Hỏa). Thứ hai là cung Dần vì hành Mộc của cung sinh hành Hỏa của Không Kiếp, làm cho uy lực của Không Kiếp khá mạnh mặc dù là đơn thủ.
Không Kiếp chủ sự hung hiểm, phá tán, bất hạnh, hoạch phát, hoạch phá. Mệnh hay Thân có Không Kiếp đắc địa tọa thủ cùng với những sao tốt là người kín đáo, thâm trầm, biết suy xét, có mưu trí và rất gan dạ. Người Không Kiếp không được kiên nhẫn, khi không được như ý hay chỉ thất bại lần đầu là nản chí ngay, bỏ cuộc dễ dàng. Nếu Không Kiếp đắc địa cùng những sao xấu tọa thủ ở Mệnh thì những đức tính thăng trầm, gan dạ sẽ biến đương số thành người thủ đoạn và dễ đi vào con đường tà đạo.
Nếu hãm địa thủ Mệnh cùng những sao tốt, bản tánh trở nên bất nhất, lúc chính, lúc tà, lúc tốt lúc xấu, vui buồn bất chợt khiến cho những người giao tiếp với đương số phải e dè. Nếu hãm địa thủ Mệnh cùng với những sao xấu thì tánh tình nham hiểm, xảo quyệt, thủ đoạn, hung dữ, bạo ngược.
Mệnh, Thân có Không Kiếp đắc địa hay hãm địa thường bị những chứng bệnh về da như mụt nhọt, ghẻ ngứa vì dị ứng, những chứng bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm họng, hen suyễn, khó thở... Đã mang danh là đại sát tinh cho nên những bệnh tật hay tai họa do Không Kiếp mang đến chắc không nhẹ nhàng. Vấn đề chế giải tùy thuộc vào Phúc của mỗi người và xảy ra ở thời điểm nào trong cuộc đời. Không Kiếp như Đào Hồng, càng về cuối cuộc đời thì càng tác hại nặng nề hơn lúc trẻ.
Đó chính là hai mặt của Không Kiếp, con dao hai lưỡi, càng cao danh vọng thì càng lắm đau thương nên đừng qúa tin tưởng vào sự tốt đẹp của Không Kiếp khi hai sao này đắc địa, hoặc có những sao khác kiềm chế. Đặc tính của Không Kiếp là như vậy, trong cái tốt có ẩn tàng cái xấu, điều mà chúng ta nghĩ là may mắn thì đó cũng chính là mầm móng của tai họa trong nay mai. Bởi vậy cái quan niệm thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, xem ra có vẽ thích hợp với mẫu người Không Kiếp, cờ đến tay thì phất, có thì hưởng. Vậy thì những sao nào có thể kiềm chế nổi hai đại sát tinh này? Có người cho rằng Tử Phủ miếu vượng thì đủ uy lực chế ngự Không Kiếp. Nhưng theo thiển ý của người viết, nếu Tử Vi hay Thiên Phủ cho dù có miếu địa mà đứng riêng lẻ một mình cũng tối kỵ Không Kiếp. Tử Vi gặp Không Kiếp khác gì Vua bị gian thần lộng quyền. Thiên Phủ mà gặp Không Kiếp thì nhà kho trống trơn. Nói chung, các văn tinh, sát tinh, quý tinh không đủ uy lực để chế ngự hai đại sát tinh này mà chỉ có những võ tinh như Sát Phá Liêm Tham và Thiên Tướng miếu vượng là không sợ Không Kiếp. Trói buộc được Không Kiếp chỉ có Tuần Triệt.
Trường hợp đặc biệt là các văn tinh chỉ có Nhật Nguyệt là không sợ các sao "không" như Thiên Không, Địa Không mà ngược lại, vì ý nghĩa chữ "không" đối với Nhật Nguyệt là một bầu trời xanh thẳm không gợn áng mây, là điều kiện lý tưởng cho Nhật Nguyệt tỏa sáng.
Đối với nữ Mệnh, Không Kiếp là hai sao bất hạnh cho đường tình duyên. Nữ mệnh có Không Kiếp là người cao số, lúc thiếu thời thì tình duyên lận đận, khi lập gia đình thì khắc chồng, khắc con. Sự xung khắc nặng hay nhẹ thì vẫn tùy thuộc vào từng lá số và mỗi thời điểm trong cuộc đời, lúc còn trẻ, nhẹ thì sinh ly, giữa hay cuối đời, nặng thì tử biệt. Nổi bất hạnh của nữ mệnh có Không Kiếp còn tùy thuộc vào những sao mà Không Kiếp đi cùng, chẳng hạn hư Đào Hồng, Riêu Thai, Cự Kỵ, Tham Kỵ, Gặp Không Kiếp thì là cách hồng nhan bạc phận mà cũng có thể là bạc mệnh. Tình duyên trắc trở, việc cưới hỏi gặp nhiều trở ngại, làm kế, làm lẽ, hai ba đời chồng, bị chồng ruồng rẫy phụ bạc, hay bạo hành vì tai nạn hay vì tính lẳng lơ, buông thả mà thất trinh, thất tiết. Vì hoàn cảnh hay do mình tự chọn làm gái giang hồ v.v... đều là những nhịp cầu oan nghiệt mà người đàn bà gặp những cách vừa nêu trên sẽ phải bước qua. Tuy nhiên các tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi gặp Không Kiếp thì cuộc đời cũng khá nhiều gian truân nhưng không đến nổi tan tác hay trầm luân như những tuổi khác. Nếu 4 tuổi Thìn, Tuất Sửu, Mùi đắc cách Không Kiếp kiếp Tỵ Hợi thì công danh phú quý sẽ đạt được một cách dễ dàng, và thật bất ngờ. Những tuổi khác cũng được hoạch phát nhưng không giữ được lâu bền.
Trong một lá số nếu Mệnh và Thân tốt thì cuộc đời từ ngày lọt lòng mẹ cho đến khi tư giã cõi đời đều được sung sướng. Hoặc nếu Mệnh Thân được một tốt, một xấu thì ít ra cuộc đời cũng có một khoảng thời gian sung sướng. Trường hợp nếu Mệnh và Thân cùng xấu thì cả cuộc đời là những chuỗi ngày gian truân. Và đó là nét đặc biệt của mẫu người Không Kiếp. Và nếu Nguyễn Du dùng truyện Kiều đễ diễn đạt cái quan niệm tài mệnh tương đố của mình, thì chúng ta cũng có thể nói rằng, mẫu người Không Kiếp là mẫu người đa tài, đa năng, đa dạng và cũng đa truân, là mẫu người mà khi bước chân vào đời đã phải ở trong cái vòng tài mệnh tương đố của tạo hóa.
Tuy vậy, chúng ta cũng còn một biệt lệ cho những người Không Kiếp sinh vào các tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì lại có sự ứng hợp, cho nên cuộc đời sẽ chiết giảm được rất nhiều những điều bất hạnh do Không Kiếp mang đến.

(Sưu Tầm)

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Mười Điều Răn

KTCƯ: 28-Mười Điều Răn 

Open in new window

Ta, Đức Chúa Trời của Tổ phụ Ít-ra-en
Đấng Giải Thoát các ngươi khỏi nô lệ
Ta Ban Mười Điều Răn cho các người
Ai gìn giữ Luật, được nhiều Ơn Phước!



Thứ Nhất, ngươi chớ thờ các ngẫu tượng
Vì Ta là Đức Chúa Trời Kỵ Tà
Ai yêu kính Ta, ngàn đời hưởng phúc
Ai chối bỏ Ta, lâm họa nhiều đời!

Thứ Hai. chớ kêu Danh ta vô cớ
Vì Danh Ta, không phải để thử đùa
Thứ ba, phải giữ mình ngày Chúa Nhật
Đó là ngày nghỉ, ngày Thánh, vì Ta!

Thứ Bốn, ngươi phải hiếu kính cha mẹ
Để được sống lâu trên đất ta Ban
Chớ giết người, Điều Thứ Năm, phải nhớ
Thứ Sáu, ngươi chớ phạm tội tà dâm!

Điều Thứ Bảy, chớ phạm tội trộm cướp
Thứ Tám, ngươi chớ làm chứng dối gian
Chớ muốn vợ chồng người, Điều Thứ Chín
Thứ Mười, của người, ngươi chớ có tham!

Dân sự bỗng nghe tiếng sấm, kèn thổi
Tiếng vọng vang rền khiến họ sợ run
“Chớ sợ chi, Đức Chúa Trời Ngự tới
Hãy Nhận Biết Ngài và Giữ Điều Răn!“

(Dựa theo sách Xuất hành-sách Thứ Hai của Mô-sê-KTCƯ)

6-11-2002/Trần Kim Lan

Chương 26: VII. THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH


Âm mưu hại Đức Giê-su (Mc 14: 1-2; Lc 22: 1-2; Ga 11: 45 -53 )

1 Khi Đức Giê-su giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng:2 "Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá."

3 Lúc ấy, các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Cai-pha,4 và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi.5 Nhưng họ lại nói: "Không nên làm vào chính ngày lễ, kẻo gây náo động trong dân."

Đức Giê-su được xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a (Mc 14: 3-9; Ga 12: 1-8)

6 Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a tại nhà ông Si-mon Cùi,7 thì có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc, đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa.8 Thấy vậy, các môn đệ lấy làm bực tức nói: "Sao lại phí của như thế?9 Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo."10 Biết thế, Đức Giê-su bảo các ông: "Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? Quả thật, cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa.11 Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu!12 Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy.13 Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô."

Giu-đa nộp Đức Giê-su (Mc 14: 10 -11; Lc 22: 3-6)

14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế15 mà nói: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (Mc 14: 12 -16; Lc 22: 7-13 )

17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? "18 Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy."19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

Đức Giê-su tiên báo Giu-đa sẽ nộp Thầy (Mc 14: 17 -21; Lc 22: 21 -23; Ga 13: 21 -30 )

20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.21 Đang bữa ăn, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy."22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao? "23 Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! "25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Ráp-bi, chẳng lẽ con sao? " Người trả lời: "Chính anh nói đó! "

Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể (Mc 14: 22 -25; Lc 22 19 -20; ICo 11: 23 -25 )

26 Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy."27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này,28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.29 Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy."

Đức Giê-su tiên báo thánh Phê-rô sẽ chối Thầy (Mc 14: 26 -31; Lc 22: 31 -34; Ga 13: 36 -38 )

30 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.31 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông: "Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác.32 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em."33 Ông Phê-rô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã."34 Đức Giê-su bảo ông: "Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."35 Ông Phê-rô lại nói: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

Đức Giê-su cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni (Mc 14: 32 -42; Lc 22: 39 -46 )

36 Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: "Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện."37 Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến.38 Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy."39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."40 Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?41 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn."42 Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha."43 Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu.44Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó.45 Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi.46 Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới! "

Đức Giê-su bị bắt (Mc 14: 43 -50; Lc 22: 47 -53; Ga 18: 3-11 )

47 Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến.48 Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: "Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy! "49 Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói: "Ráp-bi, xin chào Thầy! ", rồi hôn Người.50 Đức Giê-su bảo hắn: "Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi! " Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giê-su.51 Một trong những kẻ theo Đức Giê-su liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai.52 Đức Giê-su bảo người ấy: "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm.53 Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!54 Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy."55 Vào giờ ấy Đức Giê-su nói với đám đông: "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền Thờ thì các ông không bắt.56 Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ." Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.

Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng (Mc 14: 53 -65; Lc 22: 54 -55, 63 -71; Ga 18: 13 -14, 19 -24 )

57 Họ bắt Đức Giê-su, rồi điệu đến thượng tế Cai-pha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó.58 Ông Phê-rô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với bọn thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao.

59 Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình.60Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian. Sau cùng, có hai người bước ra,61 khai rằng: "Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại."62 Bấy giờ vị thượng tế đứng lên hỏi Đức Giê-su: "Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó? "63 Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người: "Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không? "64 Đức Giê-su trả lời: "Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến."65 Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa,66 quý vị nghĩ sao? " Họ liền đáp: "Hắn đáng chết! "

67 Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người68 và nói: "Ông Ki-tô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó? "

Thánh Phêrô chối Thầy

69 Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: "Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì? "70 Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: "Tôi không biết cô nói gì! "71 Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: "Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy."72 Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: "Tôi không biết người ấy."73 Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: "Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay."74Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: "Tôi thề là không biết người ấy." Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy.75Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần." Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Mátthêu