BÀI 16: MẪU NGƯỜI “DỊCH MÔ
Mệnh và Thân có Thiên Mã tọa thủ gọi là cách Dịch Mã. Dịch Mã chỉ là một phụ tinh nhưng lại đóng những vai trò khá quan trọng trong một lá số. Có thể nói từ lá số của một bậc quân vương, một danh tướng, một thương gia, hay một người bình dân mà đến thời điểm nào đó trong cuộc đời tạo dựng được những công danh sự nghiệp cho mình thì hầu như lá số của họ không thể không có sự góp phần của Thiên Mã. Lý do thật đơn giản vì Thiên Mã là biểu tượng của tài năng. Người ta thường cho rằng Thiên Mã thuộc hành Hỏa và trong 12 cung của lá số Thiên Mã chỉ đóng ở 4 cung là Dần, Thân, Tỵ, Hợi, và chỉ đắc địa ở hai cung Dần và Tỵ mà thôi. Thiên Mã là biểu tượng của chân tay, hoặc phương tiện di chuyển như xe cộ, tàu bay, tàu hỏa...Đặc tính chủ yếu của người Dịch Mã là tính năng động, tháo vác, đảm đang, quán xuyến, thích di chuyển, thích tranh cãi, hay thay cũ đổi mới...Vởi những đặc tính ấy cho nên Thiên Mã không chỉ ảnh hưởng ở hai cung Mệnh và Thân mà nó còn tác động mạnh mẽ vào các cung chính như Quan, Di...là những lãnh vực của công danh và sự nghiệp.
Tuy nhiên khi nói đến mẫu người Dịch Mã, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của chữ "dịch" là xê dịch, chuyển đổi, di chuyển, biến động... do đó cũng có người cho rằng hành của Thiên Mã thay đổi theo hành của cung mà Thiên Mã tọa thủ. Có nghĩa là, khi Mã tọa thủ ở Dần (hành Mộc) thì Mã ứng với người mạng Mộc và Hỏa. Ở cung Tỵ thì Mã ứng cho người mạng Hỏa và Thổ. Khi ở cung Thân thì Thiên Mã ứng với người mạng Kim và Thủy...v.v. Nhu vậy, khi hành của Thiên Mã ứng hợp với hành của Mệnh thì đương số là người có tài năng và có hoàn cảnh cơ hội để thi thố hết tài năng của mình. Còn ngược lại thì tuy có tài, có nghị lực nhưng cuộc đời lại không được những vận hội may mắn, không được đời biết đến khiến cho tài năng phải bị mai một như một kẻ sinh bất phùng thời.
Người có Mệnh an ở hai cung Dần Thân có Tử Phủ và Thiên Mã tọa thủ đồng cung gọi là cách Phù Dư Mã, là ngựa kéo xe cho Vua chỉ những người có tài năng, giữ những chức vụ cố vấn, phụ tá cho các cấp chỉ huy của một đơn vị quân đội, hay giám đốc của một cơ sở hành chánh, thương mại...Hoặc cũng có thể là những người không giữ một chức vụ gì chính thức nhưng ra đời thường được kề cận với những người có quyền thế trong xã hội.
Người có Thiên Mã thủ Mệnh và có Nhật Nguyệt đồng cung hay hợp chiếu là cách Thư Hùng Mã. Một đôi ngựa tốt, chỉ người văn võ song toàn, nhưng cách này thường phát về văn nghiệp hơn là võ nghiệp. Đây là mẫu người có kiến thức sâu rộng, có trình độ học vấn, có năng khiếu về các ngành như ngoại giao, chính trị, văn học và nghệ thuật. Nếu đã đi vào những lãnh vực vừa nêu trên thì mẫu người Thư Hùng Mã này sẽ đạt được những công danh sự nghiệp một cách dễ dàng, và có người có thể thành công trên cả hai lĩnh vực cùng một lúc. Chẳng hạn họ có thể là một nghệ sĩ nổi danh lại vừa giàu có nhờ làm thương mại. Người Thư Hùng Mã có khả năng song thủ hỗ bác tương tự như người có Thân cư trong tam hợp Phúc, Di, và Phu. Người có Thiên Mã gặp Lộc Tồn đồng cung là cách Chiết Tiễn, có nghĩa là bẻ roi đánh ngựa, giục ngựa lên đường, chỉ người có tài. Khởi sự làm gì cũng được may mắn thuận lợi. Nếu Thiên Mã ở Mệnh có Lộc Tồn ở Di xung chiếu thì đây là cách Lộc Mã Giao Trì, ngựa ăn cỏ trên cách đồng xanh, là người được vận hội may mắn, được thừa hưởng những công lao thành qủa của người khác làm. Và theo ý nghĩa của Lộc Tồn là lộc trời cho, nên cả hai cách vừa nêu trên cũng chỉ những người trở nên giàu có nhờ trúng số, hoặc được thừa hưởng tài sản của ông bà, cha mẹ để lại. Người có Lộc Mã mưu sự chuyện gì hãy nên mạnh dạn vì thường được may mắn.
Người có Thiên Mã thủ Mệnh gặp Hỏa hay Linh là Chiến Mã, ngựa xuất trận. Cách này chỉ người có tài năng là thường là phát về võ nghiệp nếu gặp một lá số tốt. Đây là số của những quân nhân được thăng cấp rất nhanh chóng. Tuy nhiên cách Chiến Mã này tiềm tàng những tai họa về chân tay như thương tật hay tàn khuyết nếu không có những cách hóa giải. Nếu đủ bộ Mã Hỏa Linh thì có thể tay chân bị tê bại từ nhỏ, hoặc bị bại liệt do các chứng bệnh khác đưa đến như bị tai biến mạch máu não, tiểu đường .v.v...
Người có Thiên Mã thủ Mệnh gặp Thiên Khốc, Điếu Khách là cách Mã Khốc Khách, có nghĩa là ngựa đeo lục lạc vàng, chỉ những người có tài năng, có danh tiếng trong một lãnh vực nào đó. Hạn gặp Mã Khốc Khách thì vận hội may mắn đã đến, là thời điểm mà danh tiếng của mình được người đời biết đến. Đối với một lá số trung bình thì đương số cũng gặp được những cơ hội may mắn như được cấp trên giao phó công việc và được tín nhiệm hay thăng thưởng do khả năng và những thành qủa tốt đẹp của mình. Người có Thiên Mã thủ Mệnh gặp Phi Liêm đồng cung hay xung chiếu gọi là cách Phi Mã, là ngựa có cánh bay như trong truyện thần thoại của Hy Lạp, ý nghĩa cũng tương tự như Mã Khốc Khách, chỉ người có tài năng và được nhiều may mắn, làm việc gì cũng thành chông dễ dàng và nhanh chóng. Hạn gặp Phi Mã là có sự thay đổi, hoặc di chuyển. Nếu khởi sự một điều gì trong hạn này thì chớ có ngần ngại vi Phi Mã đáo hạn là thời cơ đã đến. Người có cách Phi Mã thường thích hợp với những công việc đi đây đi đó, cuộc đời là những chuyến hành trình không dứt.
Thiên Mã thủ Mệnh gặp Thiên Hình đồng cung là cách Phù Thi Mã, là ngựa kéo xe tang. Người có cách này suốt đời cực khổ, làm việc gì cũng khó khăn trắc trở, thành ít bại nhiều, và thường gặp toàn những chuyện xui xẻo, đau thương, buồn khổ, tang tóc triền miên. Hạn gặp Mã Hình thì phải hết sức thận trọng trong mọi việc, vì những gì sẽ đến trong thời gian này chỉ là những chuyện buồn hoặc ngoài sự mong đợi của mình. Thiên Mã thủ Mệnh gặp Đà La đồng cung gọi là Mã Đà hay Chiết Túc Mã. Có ý nghĩa là ngựa què, chỉ những người không được may mắn, hay gặp khó khăn trắc trở. Cuộc đời nhìn chung toàn là những lao đao lận đận. Cùng là một việc, người khác làm thì thuận lợi may mắn, mình làm thì khó khăn, trở ngại. Bởi vậy trên phương diện dùng người, thì giao một công việc cần có kết qủa sớm, hay một kế hoạch quan trọng cho người có số Mã Đà hay đang trong vận Mã Đà thì đây là một quyết định từ sai lầm đến mạo hiểm của người có trách nhiệm.
Thiên Mã thủ Mệnh gặp Tuyệt đồng cung, gọi là Mã Tuyệt hay Cùng Đồ Mã. Có nghĩa là ngựa chạy đến đường cùng, chỉ người làm việc thường thất bại, cuộc đời thường lâm vào cảnh bế tắc. Tương tự nếu Mã thủ Mệnh gặp TUẦN TRIỆT, gọi là Tử Mã, nghĩa là ngựa chết, ngựa vô dụng, ý nghĩa và tai họa còn nặng hơn Cùng Đồ Mã. Thiên Mã là một trong những lưu tinh (sao lưu) khi xem hạn. Có nghĩa l2 vị trí của Thiên Mã sẽ thay đổi theo mỗi năm và gọi là Lưu Thiên Mã. Đó cũng là ý nghĩa thứ ba của chữ "Dịch" khi gọi Thiên Mã là Dịch Mã.
Khi xem hạn, nếu thấy Thiên Mã và Lưu Thiên Mã đồng cung, xung chiếu hay hợp chiếu thì những điều sau đây sẽ xảy đến trong vận hạn: mua xe, đổi xe, đổi chổ ở, đổi việc làm, đi du lịch v.v...Có thể chỉ xảy ra một sự việc mà thôi. Ví dụ: nếu đã đổi chổ ở thì sẽ không thay đổi việc làm, đi xa v.v... Nhưng cũng rất có thể xảy ra hai sự việc cùng một lúc. Những gì thay đổi trong vận hạn ít nhiều tùy theo vị trí của Thiên Mã và Lưu Thiên Mã đồng cung hay xung chiếu. Mức độ tốt xấu của sự việc còn tùy thuộc vào những sao chi phối trong hạn đó. Có thể là bị mất việc (không tốt) phải tìm việc khác. Cũng có thể vì được thăng chức nên phải giữ công việc khác (tốt).
Tóm lại, khi nói đến Thiên Mã điều quan trọng mà chúng ta phải cân nhắc là hành của Thiên Mã và hành của bản Mệnh. Nếu cả hai cùng hành, hoặc hành của Mã sinh cho hành của bản Mệnh thì Mã này mới là Mã của mình. Ngược lại nếu không đồng hành thì Mã này chỉ là cái bóng mà thôi.
Trên thực tế chúng ta thấy hai lá số đều có Thiên Mã thủ Mệnh nhưng khả năng và sự may mắn của hai người hoàn toàn khác nhau rất nhiều. Người có Thiên Mã không hợp với bản Mệnh thì cũng là người có tài năng nhưng tánh tình rụt rè, nhút nhát, thiếu lòng tin, và không có ý chí phấn đấu để nắm lấy cơ hội, cho nên cuối cùng dễ trở thành bất đắc chí.
Với một lá số trung bình trở lên, người Dịch Mã là người đa tài. họ có nhiều năng khiếu nổi bật và có thể thành công trên nhiều lãnh vực khác nhau. Họ là những người năng động, thích sự đổi thay và những chuyến hành trình như những bông hoa tô thắm cho cuộc đời của họ. Về khía cạnh này, cá tính của người Dịch Mã có phần nào giống như mẫu người Thân Cư Di mà chúng ta đã đề cập trước đây.
(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét