1-Luận bàn “Qua đèo Ngang“
Bà huyện Thanh Quan dẫu ở xa
Mau về dương thế giúp ngay nha
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ (?) (rợ?) mấy nhà“ (1)
Anh quyết “rợ“ thì như mọi rợ
Chị rằng “rợ“ bởi túp lều ra
Chẳng hay sai đúng là đâu tá
Chấm dứt luận bàn chỉ có bà!
Ghi chú (1): Câu trích trong bài “Qua đèo Ngang“ – TG: Bà huyện Thanh Quan.
3.11.2011/Trần Kim Lan
2-Hỏi bà huyện Thanh Quan
(Họa bài: Hỏi bà huyện Thanh Quan – TG: Hồ Văn Thiện)
Đèo ngang bà tới lúc chiều tà
Có phải hay chăng giữa cỏ hoa
“Dưới núi lom khom tiều mấy chú
Bên sông lác đác rợ (?) (chợ?) vài nhà“ (1)
Văn đàn tranh cãi xôn xao nước
Báo chí luận bàn náo nhiệt gia
Tóe lửa ngôn từ nay vẫn thế
Suối vàng nữ sĩ thấu không ta?
Nguyên tác: “Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ (?) (rợ?) mấy nhà“ (Trích bài: Qua đèo Ngang– TG: Bà huyện Thanh Quan)
3.11.2011/Trần Kim Lan
3- Một số suy nghĩ về bài “Qua đèo Ngang“ của bà huyện Thanh Quan
Đây là một bài thơ giá trị về nghệ thuật lẫn nội dung, tư tưởng, chính vì thế mà bài thơ đã được đưa vào giảng dạy tại học đường.
Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên suy nghĩ của mình về hai câu:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông (chợ?) (rơ?) mấy nhà“ (Qua đèo Ngang)
Diễn giải ý: Khi tới đèo Ngang bà huyện nhìn thấy: Dưới núi có vài chú tiều đang cúi lom khom (đang làm việc).
Và: Bên sông có rải rác mấy cái nhà, chợ? (nếu là chợ)
Và: Bên sông có rải rác vài nhà rợ (nếu là rợ)
Theo tôi nghĩ từ “chợ“ như lâu nay sách giáo khoa in ấn khó chấp nhận, vì sao?
“tiều vài chú“ - (vài chú tiều phu), nữ sĩ dùng biện pháp đảo từ: vì đây là thơ, nên biện pháp đảo từ thường gặp, nếu viết văn thì là vài người tiều phu. “Tiều vài chú“, chỉ mấy người ở dưới núi là những người nào? Tiều phu.
Vậy thì: chợ mấy nhà – là vế đối với tiều vài chú (đảo từ)
Vậy chợ mấy nhà ý nghĩa là gì? Có phải bà huyện muốn nói là: ở bên sông có mấy nhà chợ? Vì để đối ý với tiều vài chú?
Tôi nghĩ, chắc chắn, bà huyện không viết như thế, vì không hợp ngữ cảnh và nếu hiểu là mấy nhà và chợ
thì vế câu không đối với tiều vài chú. Nữ sĩ Là một trong những người làm thơ Đường luật rất đúng niêm luật, rất chuẩn xác về đối ý, đối từ…
Bây giờ xét đến khả năng có thể là từ “rợ“ hay không và hiểu nghĩa của từ rợ thế nào là chính xác (không cần phải đi khảo sát địa phương).
“Rợ mấy nhà“, để đối với câu trên, thì rợ mấy nhà là đảo từ: mấy nhà rợ (chỉ sự sở hữu) mấy nhà của người rợ, nếu hiểu ra là như thế. Còn “tiều vài chú“, chỉ nghề nghiệp (tính chất). Vậy có thể đối với nhau không? Theo tôi thì không và như vậy, không phải nghĩa của từ rợ là “mọi rợ“. Rợ mấy nhà, chỉ mấy cái nhà ấy làm bằng gì (nhà mái tranh, rạ…). Chắc là nhà (chòi, điếm, nơi nghỉ ngơi, trú chân) của mấy chú tiều. Có thể từ “rợ“ là từ “rạ“ chăng, theo cách nói, đọc của người địa phương? Rạ mấy nhà (đảo từ) hay là mấy nhà rạ, thì vế đối “tiều vài chú“ có thể chấp nhận được chăng? Bà huyện Thanh Quan, tuy chỉ còn lại rất ít bài thơ, nhưng đều là nhưng bài thơ rất xuất sắc và ngụ ý sâu sa, dùng nhiều điển tích, để nói lên tâm trạng, suy tư… Lại càng không thể dùng từ “rợ“ để chỉ mấy người thiểu số được, theo tôi nghĩ.
Khi học trong nhà trường, thì thầy cô dạy thế nào, biết thế ấy thôi, lúc đó, cũng chỉ hiểu những nét cơ bản về thơ Đường luật thôi. Rồi sau này, khi tôi làm nghề dạy học, bình giảng về bài thơ này, tôi cũng chỉ lặp lại những gì mà thầy cô trong trường đã giảng dạy cho tôi và tôi không thấy được những gì mà tôi đã viết ở trên. Phải, có lẽ, chỉ tới giờ đây , khi tôi tự mình viết những bài thơ Đường luật, tôi mới rõ hơn về niêm luật của thơ Đường luật mà một người viết phải tuân thủ.
Nay tình cờ đọc được sự tranh luận về bài thơ này trên mạng ảo, tôi mới biết có cuộc tranh luận “nảy lửa“ về hai từ “chợ“ hay “rợ“. Có người vẫn cho từ “chợ“ là chính xác, người lại cho từ “rợ“ nghĩa là “mọi rợ“. Tất cả chỉ là do sao chép, do có thể hiểu sai ý của Tác giả mà làm giảm giá trị của bài thơ, mà theo tôi, đó là một bài thơ hoàn mỹ cả về nội dung, lẫn nghệ thuật, nếu đó là cụm từ “rạ mấy nhà“. đối với “tiều vài chú“. tại sao không? Bà huyện chỉ thoáng nhìn thấy mấy mái nhà lợp rạ, vài chú tiều… và bà ghi lại cảm xúc của mình…
Mong rằng, các nhà nghiên cứu sẽ sớm xem xét lại nguồn gốc và bản viết chính xác của bài thơ “Qua đèo Ngang“, để trả bài thơ về giá trị đích thực, như Tác giả đã để tâm huyết vào đó.
Mong lắm thay!
3.11.2011/Trần Kim Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét