Truyện ký: (nhật ký-hồi ký): Hành hương giáo đô Roma nhân dịp năm Thánh 2000
(18-4/27-4-2000)
Thứ ba ngày 18-4-2000
Sau hàng tuần lễ lo chuẩn bị sắp xếp hành lý, hôm nay, Hương bắt đầu khởi hành chuyến hành hương đặc biệt mong mỏi trong cuộc đời Hương.
Chuyến đi khởi hành từ Borsum, do cha Linh mục Việt Nam hướng dẫn, cùng với bốn mươi bốn người từ nhiều cộng đoàn Công giáo khác nhau ở Đức. Phần lớn, các bác, các anh chị đã đến Borsum từ tối hôm trước. Đúng năm giờ sáng, xe bus tới. Hành lý được nhanh chóng xếp lên xe với sự giúp đỡ của một số bạn trẻ và khoảng mười lăm phút sau, xe bắt đầu chuyển bánh.
Vì khởi hành lúc sáng sớm, nên sau khi lên ô tô, mọi người tiếp tục ngủ. Hương mơ màng nghĩ đến chàng, vì trước khi đi mấy ngày, Hương có ấn tín hiệu cho chàng, nhưng không nhận được hồi âm. Hương hơi buồn vì điều đó. Hương biết giữa Hương và chàng, sợi dây tình đã đứt, nhưng Hương chưa thể dễ dàng quên chàng ngay được. Nỗi buồn chỉ thoáng qua vì mắt đã díu lại muốn ngủ và nhường chỗ cho niềm vui háo hức được đến Roma… Hương mơ màng thiu thiu ngủ và chợt bừng tỉnh vì tiếng mọi người ồn ào… Khoảng chín giờ sáng, xe dừng lại nghỉ. Mọi người ăn sáng, có bánh mì kẹp nhân thịt, giò chả do cha Tuyên uý và một số các bác, các anh chị chuẩn bị. Bữa ăn thật ngon miệng. Xe lại bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi cùng cha Tuyên uý dâng kinh cầu nguyện sáng, đọc kinh Mân côi, cầu xin Chúa, cầu xin Đức Mẹ ban bình an cho chuyến đi. Chuyến đi hoàn toàn thuận lợi, nhanh chóng, an toàn. Khoảng sáu giờ chiều, xe bus đưa chúng tôi tới Gardasee. Mọi người đều khỏe mạnh, vui vẻ. Sau bữa ăn tối, cha Tuyên uý cùng chúng tôi dâng Thánh lễ. Mọi người đi ngủ sớm để sáng sớm mai tiến về Thánh đô Roma. Cha Tuyên úy cùng một số người đi dạo thăm vùng đồi núi, có hồ rất nên thơ, khách sạn mang tên “Địa đàng nhỏ”, phong cảnh rất hữu tình, non nước mây trời đẹp như tranh vẽ…
Thứ tư ngày 19-4-2000
Khoảng tám giờ tối, xe tới nhà nghỉ ở ngoại ô Roma. Chúng tôi trọ ở nhà dòng Camallo. Là nhà dòng, nhưng vừa là khách sạn, gồm nhiều tầng. Thày dòng và các sơ vừa là tu sĩ, vừa là nhân viên phục vụ ăn uống, bếp núc… Chúng tôi được tiếp đón rất nhiệt tình, vui vẻ. Sau bữa ăn tối, cha Tuyên úy cùng mọi người dâng lễ. Ăn tối xong, mọi người về phòng riêng tắm rửa, ngủ sớm để sáng sớm lại tiếp tục lên đường tiến về Roma.
Thứ năm ngày 20-4-2000
Bảy giờ sáng, cha Tuyên úy cùng mọi người dâng Thánh lễ và sau đó ăn sáng. Khoảng chín giờ, xe bus đưa chúng tôi tiến về Roma. Cha Tuyên úy đã liên lạc được với Đức ông Thụ và đã xin giấy phép cho xe bus được đậu ở bãi xe gần đền Thánh Pietro. Đó là một ưu tiên đặc biệt cho phái đoàn. Chúng tôi hoan hỉ tiến về Roma. Dọc đường, cha Tuyên úy cùng chúng tôi dâng kinh cầu nguyện, đọc kinh Mân côi. Xe chạy bon bon, thẳng tiến về Roma, không gặp bế tắc giao thông. Tiến về Roma có nhiều ngả đường. Đường nào cũng rộng. Xe cộ chạy như mắc cửi, nhưng không bị ứ đọng. Thật đúng là “Mọi con đường đều dẫn đến Roma!”. Cha Tuyên úy đọc giới thiệu sơ lược về Roma. Sau mấy tiếng đồng hồ chạy không nghỉ, chúng tôi đã tiến tới quảng trường Thánh Pietro. Rời xe bus, chúng tôi đã được đặt chân lên vùng đất của Giáo đô. Mọi người tíu tít chụp ảnh lưu niệm. Cha Tuyên úy dặn dò mọi người cẩn thận hành trang, kẻo bị mất cắp, nhớ đội mũ, để nếu lạc thì dễ tìm. Trước khi đi, cha Tuyên úy đã đặt mua cho mỗi người một chiếc áo, một chiếc mũ có biểu tượng năm Thánh hai nghìn. Chiếc mũ và áo mầu trắng. Ai cũng đội mũ và “đội quân Việt Nam” rất dễ nhận ra trước đám đông. Chúng tôi xếp hàng để vào đền Thánh Pietro, vùng đất của tòa Thánh Vatican, nơi Đức Giáo hoàng thường chủ lễ. Phải mấy tiếng sau, chúng tôi mới vào được đền Thánh, vì người đông nghịt. Mọi người trật tự xếp hàng, chờ đợi đến lượt mình. Tất cả đều qua kiểm tra. Qua cửa đền Thánh, ai cũng đưa tay chạm vào cửa Thánh, để mong được hưởng Ân toàn xá. Từ già đến trẻ, bất kể là người nước nào, chủng tộc nào, ai cũng có một niềm tin, thành kính như nhau. Vào trong đền Thánh, ai cũng ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi vì những công trình nghệ thuật điêu khắc, trạm trổ thật tuyệt vời, thật thiêng liêng… các ”phóng viên, nhiếp ảnh” chụp ảnh lia lịa… vào đây, ai cũng là nhiếp ảnh cả, vì không thể không chụp được trước công trình nghệ thuật tuyệt xảo từ thời Phục Hưng. Sau khi thăm viếng đền Thánh, ai cũng có những phút im lặng, cầu nguyện cho riêng mình, cho gia đình và những người thân… sau đó, cha Tuyên úy, tập hợp mọi người lại, đếm từng người xem có lạc ai không và mọi người được vài tiếng tự do đi xem phố, mua sắm lưu niệm, ăn trưa. Thế nhưng, mọi người đổ xô đi theo cha Tuyên úy, vì cha biết cửa hiệu để mua rẻ. Sau vài tiếng mua sắm, mọi người về xe bus cất qùa mua được, ăn trưa và lại tiếp tục xếp hàng để vào dự lễ cùng với Đức Giáo hoàng. Đức ông Thụ cũng ra gặp và nói chuyện cùng phái đoàn. Hương cũng đã trao bài thơ viết kính tặng Đức Giáo hoàng nhân năm Thánh 2000 nhờ Đức ông Thụ chuyển giúp: (Bài có dịch nghĩa sang tiếng Anh)
Đức Giáo hoàng Johannes Paul II
Người sinh ra ở trên đời
“Để làm ngọn lửa sáng soi nhân tình!”
Người đi hầu khắp hành tinh
“Để gieo ánh sáng hòa bình tương giao!”
Bước chân Người đến nơi nao
“Niềm tin Thiên Chúa, Người trao, Người trồng!”
Gieo mối “liên kết đại đồng”
Để con Thiên Chúa một lòng cùng nhau!
Người hàn gắn vết thương đau
Tị hiềm, ngăn cách thuở nào gây ra…
Nhờ hồng ân Thiên Chúa Cha
“Giữa đời trần thế, Người là Thánh Linh!”
(24-12-1999)
Khoảng từ ba giờ chiều, mọi người tuần tự xếp hàng vào nhà thờ. Người đông chật ních. Cha Tuyên úy được phụ lễ cùng Đức Giáo hoàng, còn mọi người ngồi ngoài quảng trường dự lễ qua truyền hình. Người vào nhà thờ rất đông, bên ngoài chỉ có ít người. Khoảng mười phút, trước Thánh lễ, nhân viện phục vụ có tới mời mọi người vào nhà thờ, không cần vé và cũng không phải kiểm soát nữa. Một số các bác vẫn ở ngoài dự lễ qua truyền hình. Tuy vào được nhà thờ, nhưng tất cả đều phải đứng ở vòng ngoài, vì ghế ngồi đã hết chỗ. Tuy vậy, có người trong phái đoàn cũng may mắn được vào dự Thánh lễ, nơi Đức Giáo hoàng Johannes Paul II chủ lễ rửa chân cho các Môn đệ. Mọi người hết sức xúc động được chứng kiến tận mắt, qua truyền hình, hình ảnh Đức Giáo hoàng đã nhiều tuổi, già yếu, rửa chân, lau chân và hôn chân từng người… như nhắc nhở mọi người, nhớ đến việc làm đầy ân tình của Chúa Giê-su đối với các Môn đệ, cách đây hai ngàn năm. Hương may mắn được ngồi gần, đối diện với nơi Đức Giáo hoàng. Khi Đức Giáo hoàng rửa chân cho các Môn đệ. Hương chụp ảnh lia lịa. Chụp cả các anh lính Thụy Sĩ mũ có chỏm đỏ, đứng im không nhúc nhích. Nhiều tiếng reo cảm động trước việc làm của Đức Thánh Cha “Viva Papa! Papa!” Sau Thánh lễ, cha Tuyên úy cùng một số người lại đếm từng người xem có đủ người không và đoàn chúng tôi lại về khách sạn. Trên đường về, ai cũng vui vẻ, phấn khởi vì đã được dự Thánh lễ. Đặc biệt là ai cũng cảm động vì qua việc làm của Đức Thánh Cha, mọi người cảm nhận được ân tình từ Chúa Giê-su dành cho nhân loại. Về đến khách sạn, mọi người lo ăn uống, tắm rửa và đi ngủ để lấy sức cho hành trình ngày mai.
Thứ sáu ngày 21-4-2000
Sáng sớm, một số người đã dậy để đi xưng tội cùng cha Tuyên úy. Sau đó, mọi người ăn sáng và lại tiếp tục lên đường. Trước hết chúng tôi đến nhà thờ Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore), dâng Thánh lễ tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ đã cho chúng tôi đến Roma bình an… Sau đó, chúng tôi lại lên đường đi thăm hí trường Colosseo. Một hí trường vĩ đại biểu tượng thời Neron… sau đó, đón xe bus công cộng đến đền Thánh Gioan. Công trình xây dựng, kiến trúc đền Thánh cũng rất tinh xảo, tuyệt đẹp với mười hai tượng Tông đồ thật lớn. Sau khi viếng thăm đền Thánh, cầu nguyện chung, chúng tôi qua đường bên kia viếng thang Thánh, để cùng cảm nhận nỗi đau đớn về thể xác mà Chúa Giê-su đã phải chịu đựng. Thang dài, nhiều bậc. Trừ vài người không qùy được, còn chúng tôi cùng nhiều người khác cùng qùy lên thang Thánh. Cùng cảm nhận sự đau nhức đầu gối, mệt nhọc nhấc gối lên từng bậc thang và cùng thở phào nhẹ nhõm khi lên đến bậc thang cuối cùng… qua đó, ai cũng thấm thía nỗi đau mà Chúa Giê-su đã trải qua vì tội lỗi loài người.
Sau đó, chúng tôi có một số giờ tự do. Mọi người lại đi mua sắm qùa kỷ niệm và ăn trưa. Đúng ba giờ chiều lại tập hợp trước quảng trường Thánh Pietro để xếp hàng vào đền Thánh dự lễ. Hôm nay, chúng tôi có vé để vào nhà thờ. Vé từ hôm trước, Đức ông Thụ xin cho chúng tôi. Chúng tôi phải chờ hơn ba tiếng để chờ dự Thánh lễ. Nhà thờ đông chật người. Chúng tôi may mắn được ngồi gần lễ đài. Đi đâu cha Tuyên úy cũng “phất cờ” có hai dải xanh để làm tín hiệu cho chúng tôi nhận ra nhau.”Đội quân” mũ trắng luôn luôn có mặt sớm để có chỗ ngồi. Hôm nay, có một bác ở nhà vì đau bụng, còn tất cả đều khỏe mạnh, hăng hái. Đặc biệt là các bác nhiều tuổi, có bác đầu tóc bạc phơ, trên tám mươi tuổi, thân hình gầy guộc, nhưng vẫn rất khỏe mạnh, vui vẻ. Có cả một chị phải ngồi xe lăn cũng rất hăng hái, luôn luôn đi đầu và được các bạn trẻ đi theo hộ vệ, giúp đỡ.
Hôm nay là ngày lễ tưởng nhớ Chúa Giê-su chịu tử nạn trên cây Thập tự để cứu chuộc tội lỗi của nhân loại. Thánh lễ đã diễn ra hết sức trang nghiêm, thành kính. Mọi người dự lễ đều cảm nhận được nỗi đau đớn của Chúa Giê-su đã phải chịu vì tội lỗi của loài người. Ai cũng thầm cầu nguyện, xin Thiên Chúa thứ tha. Sau Thánh lễ, chúng tôi lại tập hợp nhau, đếm đủ số người, trở về khách sạn. Sau bữa ăn chay, một số người cùng với cha Tuyên úy đi đường Thánh Giá, một số người vì mệt, nên đi ngủ sớm.
Thứ bảy tuần Thánh Roma ngày 22-4-2000
Lễ đêm vọng Phục sinh. Từ sáng sớm, một số người đã dậy đi xưng tội cùng cha Tuyên úy. Sau đó, mọi người ăn uống và lại tiếp tục lên đường. Trước hết, chúng tôi đến đền thờ Thánh Phao Lô ở ngoại thành. Đó là đền thờ cũng được xây dựng từ thời Phục Hưng, với công trình kiến trúc hết sức tuyệt hảo, với nhiều đá qúy. Mọi người cùng cầu nguyện chung, chụp ảnh, mua qùa lưu niệm và sau đó, chúng tôi đến viếng thăm hang toại đạo, nơi ẩn náu và mồ chôn các tín hữu Ki Tô thời sơ khai bị bách hại. Căn hầm sâu khoảng mười lăm mét, kiên cố, rất nhiều đường ngang dọc, có người hướng dẫn để khỏi đi lạc. Thăm hang toại đạo, cảm nhận được đức tin của các tín hữu thời sơ khai thật lớn lao và đã củng cố niềm tin của chúng tôi nơi Thiên Chúa!
Sau đó, chúng tôi lại trở về đền Thánh Pietro và có một số giờ tự do. Khoảng năm giờ chiều, chúng tôi tập trung tại xe bus. Các bác, các chị thay quần áo mới. Nhiều bác mặc áo dài cổ truyền của dân tộc, nhiều mầu sắc, trông ai cũng đẹp, cũng sang, trẻ lại hàng chục tuổi. Thay quần áo, trang điểm xong, chúng tôi lại tập hợp, xếp hàng vào quảng trường, dự Thánh lễ đêm mừng Chúa Phục sinh. Chúng tôi len lỏi được gần lễ đài. Vì đi sớm và phải chờ đợi mấy tiếng đồng hồ mới tới giờ Thánh lễ. Nhưng ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Đức Thánh Cha đi từ dưới lên lễ đài trong tiếng vỗ tay, reo hò của mấy chục ngàn người dự Thánh lễ tại quảng trường Thánh Pietro. Những tiếng hô đồng loạt vang dậy đất trời: “Papa! Papa! Viva Papa!”… hàng rừng cờ, hoa phất phới biểu ngữ các nước, cờ các nước được tung bay khắp quảng trường. Sau khi cầu nguyện chung giữa đêm, tiếng chuông nhà thờ đổ dồn, vang dội khắp quảng trường, khắp thành Roma… báo hiệu đêm vọng Chúa Phục sinh đã tới.
Một rừng nến được thắp sáng, cùng với niềm hân hoan vô bờ của các con Chiên của Chúa, hướng về đêm Chúa Giê-su sống lại cách đây hai ngàn năm. Hướng về năm Thánh hai ngàn, năm Hồng ân Chúa ban cho loài người. Các bác, các chị mặc áo dài, khi đêm xuống, dù lạnh (vì ban ngày, thời tiết đẹp, nắng ấm) cũng hòa nhịp với ban nhạc, hát Thánh ca mừng Chúa Phục sinh đến nỗi quên cả lạnh giá. Ra về, vẻ mặt ai cũng hân hoan như vừa nhận được đầy hồng ân Thiên Chúa. Đặc biệt, ai cũng xúc động, vui mừng chứng kiến lễ rửa tội do Đức Thánh Cha chủ trì cho một gia đình người Nhật Bản gồm bố mẹ và cô con gái khoảng năm, sáu tuổi cùng một số người thuộc các nước khác. Trước khi tạm biệt mọi người. Đức Thánh Cha đã đứng trên xe kính đi thêm một vòng nữa vẫy chào mọi người tham dự Thánh lễ trong tiếng reo hò dậy vang trời đất vì mừng vui, vì hạnh phúc.
Về tới nhà dòng thì trời đã khuya. Chúng tôi sửa soạn đi ngủ ngay, vì sáng sớm mai phải dậy sớm dự Thánh lễ Phục sinh ngày Chúa Nhật. Chúng tôi không phải lo ăn cơm tối, vì nhà dòng đã lo cho chúng tôi một túi bánh mì đem theo trước khi đi rồi.
Chúa nhật Phục sinh (Roma 24-4-2000)
Chúng tôi dậy thật sớm, ăn sáng và lại tiến về đền Thánh Pietro, một bác không đi được, vì qúa mệt. Hôm nay, đại lễ Phục sinh, hàng trăm ngàn người tuôn đổ về quảng trường Thánh Pietro. Phái đoàn Việt Nam cùng nhập đoàn với họ, chỗ nào cũng rợp người. Hương may mắn xin được vé ngồi gần lễ đài và quan sát được tất cả. Lại chụp ảnh lia lịa. Hương cố len được đến gần lối đi giữa, hy vọng Đức Thánh cha sẽ đi lên lễ đài lối này, như tối hôm qua, để chụp ảnh Đức Thánh Cha, thật gần. Hương đã chụp được ảnh ban nhạc, đội diễu binh, rất đẹp. Hàng loạt biểu ngữ được giương cao: nào cờ Đức, Pháp, Ý, Ba Lan… với đủ các thứ tiếng. Hương ngắm máy, chờ Đức Thánh cha đi tới để chụp ảnh, nhiều phóng viên, nhiếp ảnh cũng vậy. Ai cũng háo hức đón chờ Đức Thánh cha. Nhưng hôm nay, Đức Thánh cha đi ra từ trong đền Thánh, thế là “nhỡ tầu”… thế nhưng, ai cũng reo hò, cũng cố la lên thật to khi Đức Thánh cha xuất hiện! Thánh lễ Phục sinh hừng đông được cử hành trang nghiêm và long trọng. Thời tiết lại rất đẹp, nắng chan hòa khắp quảng trường. Trên lễ đài đầy hoa, đủ mầu sắc, làm tăng thêm vẻ đẹp của ngày lễ lớn. Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha chúc bình an bằng nhiều tiếng các nước trên thế giới, khoảng sáu mươi mốt ngôn ngữ… ai cũng náo nức chờ đợi đến tên nước mình và thích thú reo hò vang cả góc trời. “Đội quân” Việt Nam cũng reo hò không kém! Tan lễ, Đức Thánh cha ngối trên chiếc xe Mecerdes dạo quanh một vòng vẫy chào mọi người trong tiếng reo hò mừng vui của mọi người dự Thánh lễ trên quảng trường. Thánh lễ đã xong, nhiều người vẫn chưa chịu về, vì nghĩ rằng, Đức Thánh cha sẽ còn xuất hiện ở cửa sổ nhỏ trên lầu như mọi năm. Nhưng hôm nay, Đức Thánh cha không xuất hiện, có lẽ vì tuổi già, sức yếu. Mặc dù vậy, mấy trăm nam nữ thanh niên vẫn kiên trì, đứng dưới cửa sổ hò reo, nhảy múa gọi: “Papa! Papa!”…
Thứ hai ngày 24-4-2000
Sáng sớm, chúng tôi cùng cha Tuyên úy dâng Thánh lễ và cha Tuyên úy làm phép các ảnh tượng chúng tôi đã mua để làm kỷ niệm và làm lễ xức dầu cho chúng tôi. Sau đó, ăn sáng và sửa soạn hành lý lên đường sau năm ngày đêm tham dự các nghi lễ tuần Thánh tại Roma. Rời Roma, tiếp tục cuộc hành trình về phía Nam nước Ý, đến Assissi, thăm quê hương Thánh Phanxico “khó khăn” nằm lưng chừng nơi ven núi, nơi đây, năm ngoái đã xảy ra một trận động đất lớn làm hư hại đền Thánh. Trời đổ mưa lớn, như thử thách lòng kiên trì chịu đựng của các con chiên của Chúa. Nhưng dù mưa, ai cũng liều đội mưa đến thăm viếng mộ Thánh Phanxico và sau đó đi mua qùa kỷ niệm. Chúng tôi ngủ một đêm ở khách sạn Terrazza. Khách sạn thật sang trọng, tiện nghi, ăn uống ngon, bù lại mấy ngày mệt nhọc, thức khuya, dậy sớm…
Thứ ba ngày (25-4-2000)
Sau khi dự Thánh lễ cùng cha Tuyên úy, chúng tôi đến Florenz, thăm thành phố nghê thuật nổi tiếng của Ý với nhà thờ chính tòa, xây bằng đá qúy. Chúng tôi xúm lại chụp ảnh bên tượng vua David nổi tiếng… Ở đây nửa ngày, sau đó, chúng tôi tiến về Padova và Venezia. Trên đường tới Padova, xe đi khá chậm, đường đầy xe, vì là ngày quốc khánh của Ý. Khi tới khách sạn thì đã muộn. Người chờ chúng tôi trước khách sạn là một sơ người Việt, con gái anh chị trong đoàn. Anh chị và sơ gặp nhau mừng tíu tít làm chúng tôi cũng vui lây. Cùng phụ giúp đem hành lý xuống khỏi xe, sơ còn ở lại khách sạn với chúng tôi hai ngày và cùng chúng tôi đi thăm quan thắng cảnh. Hai ngày nghỉ ở khách sạn
Bel Soggiorno, chúng tôi đến thăm đền Thánh Anton. Cha Tuyên úy cũng đã được chịu chức Linh mục nhằm lễ Thánh Anton nơi đây (13-6), cha đã xin phép được làm lễ ở nhà nguyện riêng cho phái đoàn chúng tôi. Ai cũng thầm cầu nguyện xin Thánh Anton cầu bầu trước Chúa cho riêng mình, cho gia đình và cho người thân như xưa Thánh đã từng giúp nhiều người. Đến tối, cha và chúng tôi lại có giờ cầu nguyện chung.
Thứ tư ngày (26-4-2000)
Sau khi ăn sáng, xe bus đưa chúng tôi đến thăm Venezia, thành phố nổi có một không hai trên thế giới. Nơi đây, chúng tôi thuê riêng một chiếc tầu đẹp để di chuyển vào thành phố. Chúng tôi cùng cha Tuyên úy đến thăm đền Thánh Marco với công trình kiến trúc thật tuyệt vời. Bên trong vòm nhà thờ họa sĩ vẽ cảnh “Địa ngục và Thiên đường” đẹp qúa sức tưởng tượng. Sau đó, chúng tôi có vài tiếng tự do ngắm cảnh, mua sắm, tắm nắng biển, đùa dỡn với chim bồ câu. Đúng bốn giờ chiều, đoàn chúng tôi tập hợp lại, đi đều bước để lên thuyền, lên xe về khách sạn. Ngay cạnh khách sạn có hồ nước suối nóng, nên một số người cùng với cha Tuyên úy đi bơi ở hồ. Sau đó, ăn tối và xếp hành lý lên xe trước để sáng sớm hôm sau hành trình về Borsum. Hôm nay, sau bữa ăn tối, đoàn chúng tôi ngồi lại trao đổi, tâm tình. Ai cũng nhận ra hồng ân Chúa ban. Đặc biệt, các bác nhiều tuổi, có bác gần tám mươi tuổi, nhiều bác ngoài sáu mươi, hay trên bảy mươi tuổi, nhưng ai cũng khỏe mạnh, phấn khởi. Có bác mới bị mổ được ba tháng, khi tham dự hành hương cha Tuyên úy thấy ái ngại, nhưng rồi cũng không sao! Sau cuộc hành hương lại thấy như khỏe hơn. phấn khởi hơn và tìm thấy niềm tin mạnh hơn. Mọi người tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Đức mẹ Maria, các Thánh… đã phù trợ cho chuyến Hành hương, cảm ơn cha Tuyên úy đã chu đáo tổ chức cho chuyến đi, cũng cám ơn các anh chị em thanh niên trẻ đã tận tình giúp đỡ các bác nhiều tuổi, cũng như sức yếu trong lúc chuyển vác hành lý và khi đi đường. Phái đoàn có chút qùa nhỏ kính tặng cha Tuyên úy để lưu niệm chuyến đi, ngược lại, cha Tuyên úy cũng có qùa tặng một số người đã đóng góp công sức cho chuyến hành hương Giáo đô Roma thành công, thuận lợi….
Thứ năm ngày (27-4-2000)
Từ năm giờ sáng, mọi người đã đầy đủ trên xe bus để về Borsum. Dọc đường, ai cũng vui vẻ, phấn khởi, cùng đọc kinh cầu nguyện, đọc kinh Mân côi, tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức mẹ Maria, các Thánh… Sau kinh nguyện thì mọi người thay phiên nhau ca hát hay kể chuyện vui để rút ngắn đường dài. Hương cũng đóng góp hát, ngâm thơ như một “diễn viên thực thụ”. Giữa đường đổi tài xế để xe chạy liên tục, không nghỉ. Khoảng tám giờ tối, xe về tới Borsum. Chuyến hành hương mười ngày thật bình an, đầy hồng ân Chúa! Tạ ơn Chúa, Tạ ơn Đức mẹ Maria, các Thánh…
Tới Borsum, cha Tuyên úy đã chu đáo nhờ người lo nấu bún riêu để chiêu đãi mọi người. Sau mười ngày hành hương, đi đường, thức khuya, dậy sớm, ăn uống toàn đồ Tây, bát bún riêu qủa là viên thuốc kỳ diệu giúp mọi người hồi phục lại sức khỏe. Mọi người chia tay nhau, trong sự quyến luyến và hẹn trong những chuyến hành hương khác. Hương xin kết thúc lược trình hành hương với bài ca dâng lên Thiên Chúa:
Mọi ngả đường, mọi dân tộc đều tiến về Roma
(Tha thiết, tình cảm)
Chúng con từ mọi nẻo đường, mọi ngả
Cùng nhau hành hương tiến về Giáo đô
Mọi cửa đền Thánh rộng mở, đón chờ
Như vòng tay Thiên Chúa chờ chiên lạc…
Trước cửa đền Thánh đàn con chiên ngơ ngác
“ Ôi! Kỳ diệu thay! Ôi! Thiêng liêng thay!“
Những công trình tuyệt tác đến thế này
Nhờ Thiên Chúa – con người nên kỳ vĩ!
Ôi! Hạnh phúc cuộc hành hương thế kỷ
Ôi! Mừng vui hồng ân Thiên Chúa ban
Ai cũng reo cười, phấn khởi, hân hoan
Càng vững lòng niềm tin nơi Thiên Chúa!
(Nhân chuyến hành hương Giáo đô năm Thánh 2000
Mùa lễ Phục sinh Roma 18-28-4/2000)
Tạ ơn Chúa! Tạ ơn Đức Mẹ, các Thánh cùng ba mẹ, ông bà cô bác… đã che chở, cầu bầu cho chuyến hành hương của chúng con đi, về bình an, vô sự, tràn đầy hồng ân Chúa!
(Trích truyện ký: Đời tôi (Nhật ký xen lẫn hồi ký - Trần Kim Lan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét