Lời tựa tập thơ: "Khúc hát yêu thương" của Trần Kim Lan (Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo)
Lời tựa
(Ảnh bìa: Nguyễn Trọng Tạo)
Khi đọc tập thơ “Khúc hát yêu thương” của Trần Kim Lan, tôi chợt nhớ câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: “Yêu và thương, hai đợt sóng dâng trào”. Yêu thương thì ta vẫn thường nói, và ai cũng hiểu, đó là tình cảm của con người với con người, với thiên nhiên và vạn vật quanh ta. Nhưng khi nói “yêu và thương” là tác giả muốn nhấn mạnh các cấp độ tình cảm của mình như những đợt sóng của lòng người; mà đã là sóng thì cùng làm nên sông dài, biển lớn, đó là sông-dài-biển-lớn-yêu-thương!
Trần Kim Lan là một cô giáo, rồi biển đời xô dạt, chị trở thành “người xa xứ” gần nửa đời người. Quê hương và tình yêu luôn réo gọi trong tâm hồn lãng mạn và bay bổng của chị. Và như không có gì chia sẻ với chị bằng việc làm ra những bài thơ để giải tỏa lòng mình. 1200 bài thơ đã được viết ra trong những tháng năm dài xa xứ như một thiên bẩm hơn là lao động chữ. Cảm xúc của chị lúc nào cũng tuôn trào cùng ngòi bút. Tôi có cảm giác mỗi bài thơ được viết ra, chị không cần biết nó là thơ hay không, nhưng điều mà chị biết chắc chắn, đó là tình cảm, là tâm trạng, là suy nghĩ của chính mình với quê hương và tình yêu.
Thơ Trần Kim Lan giản dị như tiếng nói, như hơi thở thường ngày của chị. Có thể nói, chị là người có tâm hồn quá nhạy cảm trước mỗi biến động của đời sống, nên yêu, thương, vui, buồn, cười, khóc luôn vang vọng trong thơ. Cũng có thể nói, chị vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối nên mới tạo ra một hồn thơ như thế, một hồn thơ đa đoan trắc ẩn, lại luôn gần gũi, dịu dàng. Câu thơ “Nước mắt nhiều hơn nước mưa” như một tự bạch về tâm hồn trong sáng và yếu đuối của người thơ.
Có lẽ cũng do tâm hồn quá nhạy cảm, nên chị làm thơ thật nhiều và thật dễ dàng. Chị có thật nhiều ký ức để mỗi khi nhớ về lại rưng rưng cảm động. Chị cũng có thật nhiều tưởng tượng để viết ra những cảnh, những người mình chưa bao giờ gặp gỡ. Chị cũng có một vốn thơ từng đọc/học được để dễ dàng thao tác với nhiều thể thơ truyền thống và tự do quen thuộc một cách nhuần nhuyễn. Đây là thể song thất lục bát, một sự kết hợp rất Việt trong thơ cổ mà thời nay còn ít người làm theo, thỉnh thoảng xuất hiện trong thơ chị:
Đời ơi hỡi sao mang tình đến
Khi tình là ngọn nến, lắt leo
Một cơn gió thổi, tắt vèo
Lửa tình dù bén, cũng theo gió ngàn.
Những câu thơ đọc lên khiến ta nhớ thời “chinh phụ” xa xưa.
Chị cũng viết nhiều bài đường luật và thất ngôn bát cú. Hai loại thơ này đều tám câu bảy chữ, nhưng đường luật yêu cầu cao ở các vế đối phải chuẩn. Vậy mà chị đã viết hàng trăm bài thơ theo thể này với một giọng thơ giàu khí chất, mà lại tự nhiên đến lạ. Ví như bài Canh bạc dưới đây:
Canh bài lừa đảo có gì đâu
Dính phải than ôi chuốc lấy sầu
Khi thắng càng gồng càng tụt dốc
Lúc thua dẫu gắng lại rơi sâu
Cờ gian kim cổ ai không biết
Bạc lận xưa nay kẻ vẫn cầu
Ghán vợ mất con đời rách nát
Thân tàn ma dại sống bao lâu?
Lại có những bài thơ chơi ghép các chữ đầu dòng thành một câu thơ có nghĩa theo kiểu “chơi chữ”, “thả thơ” của người xưa:
Đêm thắp lửa bừng ánh nguyệt quê
Xuân sang nhộn nhịp khách đi về
Đâu hay phố thị thương triền núi
Dễ biết miệt vườn chán nẻo khê
Cầm vọng ngân nga xuyên thẳm thẳm
Lòng vang thánh thót tỏa huê huê
Được vui trảy hội thi ca họa
Chăng hỡi tao nhân nhớ hẹn thề?
Thì ra đọc bài “Đêm xuân” này, người đọc còn có thêm một câu thơ tám chữ gửi gắm đầy ý tứ: “Đêm Xuân Đâu Dễ Cầm Lòng Được Chăng”.
Đọc những lối thơ như thế, lại gặp những từ cổ mà chắc thời nay nhiều người Việt đã quên, ta không thể không ngạc nhiên về chị, một phụ nữ Việt sống ở Đức thời hiện đại lại đeo đẳng hồn dân tộc xa xưa đến vậy.
***
Ấy là vì Trần Kim Lan đeo đẳng một hồn quê. Một hồn quê mộc mạc, chân chất từ thuở ấu thơ. Cái tuổi thơ quê như màu bùn nhuộm chín vải sồi, như màu mực viết vào giấy trắng… thật khó phai nhòa. Hồn quê như đã nhuộm sồng trái tim thiếu nữ. Hồn quê như tình yêu đầu đời nao nao ký ức. Nó theo chị lên Thủ Đô, rồi nó đi cùng chị sang tận trời Âu. Quê với chị như hình với bóng, như bóng với hình. Đôi khi không phân biệt được chị là hình hay quê là hình, chị là bóng hay quê là bóng. Quê với chị khi là cảnh sắc dân giã:
Làng tôi xanh ngát bóng cây
Lũy tre thấp thoáng hây hây gió ngàn
Sáo diều réo rắt ngân vang
Cánh cò chấp chới ríu ran chim trời.
Làng tôi rộn rã tiếng cười
Điệu hò sông Mã vọng lời thương yêu
Thuyền bè xuôi ngược dập dìu
Dòng sông bến nước chiều chiều đông vui.
Quê với chị đôi khi là nỗi lòng người xa xứ:
Mùa xuân đang đến nơi nơi
“Xuân đầu xa xứ, buồn ơi là buồn”
Lệ đâu bỗng chảy trào tuôn
“Sao ta lại phải tha phương, xứ người?”
Và quê với chị là hội hè, là nếp sống, là đạo lý ở đời. Ta gặp trong thơ chị không chỉ một miền quê riêng biệt, mà cùng những con chữ hành hương khắp mọi miền đất nước. Từ sông Mã cao vút điệu hò đến với hội Lim vương vấn câu Quan Họ. Từ xứ Huế mộng mơ đến Đà Lạt ngàn thông lãng mạn. Từ thành phố hoa phượng đỏ, hay di sản thế giới Vịnh Hạ Long đến đất Tổ Hùng Vương xuân về trẩy hội. Từ Hà Nội ngàn năm văn Hiến đến Sài Gòn hòn ngọc Viễn đông… Đâu cảnh cũng đẹp, đâu người cũng xinh, và đâu đâu cũng thương khó, chân tình. Với chị, hồn quê luôn nức nở, sâu xa:
Nước non, non nước, lòng vời vợi
Thăm thẳm trời quê tiếng quốc than.
Đôi lúc đọc thơ Trần Kim Lan, tôi như quên đi chữ nghĩa mà chỉ nghĩ về một tâm hồn. Quả đúng thế. Những câu chuyện tình trong thơ chị cứ làm tôi thương cảm vô cùng. Nếu chữ nghĩa có vụng về đôi chút, thì cái câu chuyện tình ấy nó cứ hiện lên trước mắt ta, bởi nó thật, nó mộng, nó buồn và lắm nỗi đắng cay. Đó là câu chuyện tình có tên “Tình yêu theo suốt đời em”. Một câu chuyện tình bất hạnh từ ngày em tiễn người yêu đi xa, và khi anh trở lại đã biến thành một “người điên” bởi cuộc đời ngang trái. Những câu thơ khởi đầu bằng nhức buốt tận đáy lòng:
Trời ơi! Có thể nào tin
Ngày tiễn anh ra đi, lại là ngày ly biệt
Nụ hôn vội vã trên tầu, lại là mầm gieo xa cách
Tiếng còi tầu giục giã chia tay, lại là tiếng còi báo hiệu đau thương
Anh ơi! Có thể nào tin
“Bài thơ hạnh phúc”, em dành cho ngày cưới, chưa viết nên lời, đã mỗi chữ, mỗi phương...
Câu chuyện tình được tái hiện trong lời thơ tự sự, để cuối cùng được dẫn đến một kết cục bi thảm:
Anh trở về
Nuốt đắng, ngậm cay
Vì họ đã biến anh
“Đẹp trai, tài giỏi”
Thành một người điên
(Ai nghe người điên?)
Câu “Ai nghe người điên?” nghe xót đắng, nghẹn ngào. Đó là cái kết cục không sao giải thích được, đó phải chăng là “định mệnh” của mối tình tan nát? Và cái mối tình tan nát ấy cứ đeo đuổi mãi trong thơ chị.
Lá xanh mang nhung nhớ
Vàng non gợi thương sầu
Hoe hoe mầu lỡ hẹn
Úa vàng khi buồn nhau
Cánh lá kia mắc cạn
Sắc vàng ươm thu rơi
Mình xa nhau, xa mãi
Mùa thu xẻ thành đôi
Có thể tôi chưa hình dung được “hoe hoe mầu lỡ hẹn” là cái mầu gì, nhưng chắc chắn đó là cái mầu được tác giả nhìn qua nước mắt. Cho đến gần đây, hình ảnh người yêu thời trẻ vẫn còn khắc khoải trong “Chiều buồn” một mình dọc những phố cũ, đường xưa:
Chiều hoàng hôn buồn, lang thang trên phố
Mưa lất phất bay, hay lệ trào rơi
Mỗi bước chân qua, nghe lòng thổn thức
Có thấu hay chăng hỡi người yêu ơi?
***
Tôi không nghĩ Trần Kim Lan là một “nhà thơ chuyên nghiệp”, dù chị làm nhiều thơ, và thơ chị nhiều bài trôi chảy với nhịp điệu truyền thống mộc mạc, chân thành, và lắm lúc chạm đến những triết lý về đạo đức và văn hóa sống. Nhưng thưởng thức cái khối lượng thơ trên cả nghìn bài chị gửi, tôi cũng kịp nhận ra một tâm hồn giàu yêu thương và trắc ẩn. Tâm hồn cần được giãi bày, chia sẻ. Bởi chính chị cũng luôn tâm niệm sẻ chia với kẻ sĩ, văn nhân, những số phận ít may mắn trong cuộc sống:
Đời người là những thương đau
Văn nhân, kẻ sĩ… khác đâu phận Kiều
Sự sẻ chia ấy, với người mà cũng là với mình. Vì thế mà ta thấy thơ chị thật gần, thật tâm tình, đúng như ước muốn sẻ chia của chị:
Thơ tôi rải khắp bốn phương
Kiếp nghèo, khốn khổ, buồn thương đời này.
Thơ tôi thả khắp trời mây
Có ai nhặt được, ai say thơ mình
Ai cho tôi một chút tình
Một lời thương mến, tự tim chân thành?
Và những lời tôi viết về chị, cũng chỉ xin được là những lời sẻ chia “tự tim chân thành” cùng người thơ xa xứ.
Hà Nội, Thu, 2012
Nguyễn Trọng Tạo
Thay lời cảm ơn
(Gửi người thiết kế bìa: Nguyễn Trọng Taọ)
“Khúc hát yêu thương” cầm tay
Sao cay khóe mắt sao say say lòng
Nhờ mây gửi gió cành hồng
Tặng “người thiết kế” - cảm ơn thay lời!
16.11.2012/Trần Kim Lan
(Ghi chú: Tập thơ Khúc hát yêu thương - Trần Kim Lan (chọn lọc, ba trong một: Khúc hát yêu thương (100 bài) - Trăn trở (129 bài) - Tình người viễn xứ (thơ Đường luật - 120 bài) - Phụ lục thơ phổ nhạc (21 bài thơ và nhạc) - sách dày 500 trang, bìa cứng.
Nhà xuất bản Hội nhà văn - Hà Nội - Phát hành 9-2012.
Bạn đọc yêu thơ có thể tìm đọc tại các thư viện và các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét