Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn
(Hương Giang Thái Văn Kiểm)
Năm Rồng vừa chấm dứt thì năm Rắn liền tới với chúng ta. Cảnh
tượng quen thuộc ngày xưa vẫn còn lai vãng tâm trí mọi người:
Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai,
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây,
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây sẽ về!
Rồng xanh, rồng vàng tạm lánh mình trong thời gian 12 năm,
nhường chỗ cho rắn với năm Tân Tị khởi đầu ngày Nguyên Đán, mồng một tháng
Giêng, tức là ngày 24.1.2001. Chúng ta biết rằng Âm lịch khai dung từ năm 2,637
trước Kitô, nhằm năm 61 đời Hoàng đế bên Trung Quốc. Như vậy Âm lịch đã xuất hiện
cách đây: 2,637 năm cộng 2001, vị chi: 4,638 năm. Năm nay, 2001 thuộc vào
"Vận niên lục giáp" thứ 78, khởi đầu từ năm 1984 và sẽ chấm dứt vào
năm 2,043. Biết rằng mỗi giáp trên nguyên tắc chỉ có 10 năm mà thôi (chẳng phải
là 12 năm), thì lục giáp là 10 x 6 = 60 năm, tức là một thế kỷ của Lịch đại Á
Đông. Chu kỳ 60 năm này, người Tây phương gọi là Cycle sexagésimal. Chu kỳ này
luôn luôn khởi đầu với năm Giáp Tý, cho nên quyển lịch chính thức của ta, được
gọi là Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, do cụ Nguyễn Bá Trác, Quan Lộc Tự Khanh,
Tá Lý Bộ Học (Huế) biên soạn, và do Bộ Học ấn hành năm Khải Định thập niên, tam
nguyệt nhựt (1925).
Nếu đại chu kỳ là 60 năm, thì tiểu chu kỳ là 12 năm, khởi đầu
với năm Tý, mà biểu tượng là Chuột. Chu kỳ này, Tây Phương gọi là Cycle
duodénaire. Trong một đại chu kỳ 60 năm, có năm tiểu chu kỳ 12 năm (12 x 5 =
60), biết rằng 60 là tối thiểu bội số chung của 10 và 12 (10 là phần Giáp (Thập
can), còn 12 là phần Tý (Thập nhị chi).
Những Điều Nên Biết Về Loài Rắn
Nói tới loài Rắn, chúng ta phải chia ra hai loại: rắn hiền
và rắn dữ. Cả hai đều thuộc ngành Bò sát (Raptiles), họ Ophidiens. Rắn hiền như
rắn nước, rắn học trò... bơi lội thong thả nơi hồ ao, kiếm ăn tôm cá, ếch nhái.
Loại rắn này dễ lầm lẫn với giống lươn (anguille), mà chúng ta tìm thấy trong
câu đối lạ lùng, lửng lơ và lắt léo sau đây:
Le lội lung
lăng lay lá lách
Lươn lo lòn
lỏi lọt lùm lau.
Trong loài
rắn dữ, tức là rắn độc, chúng ta không khỏi rùng mình khi nhắc tới: rắn hổ mà
Tây phương gọi là Cobra, Naja tripudians, rắn hổ mang mà họ gọi là Bongare,
Bungarus fasciatus, rắn lục mà họ gọi là Serpent vert, Serpent bananier,
Trimeresurus, rắn đẻn mà họ gọi là Vipere lachesis... Nhưng mà con rắn dễ sợ và
nguy hiểm nhất, dài tới 4 thước, là con Ophiophagus elaps, hay là Naja
hamadryas, sinh sản khá nhiều bên Ấn Độ. Rắn này có khả năng rượt theo người để
cắn chết. Nhà văn Maurice Maindron có nói tới giống rắn này trong quyển tiểu
thuyết La Gardienne de I' Idole Noire. Tuy thế, cũng con rắn đó đã tự ý quấn thân
nhiều vòng, để làm thành một cái bệ cao, chịu cho Đức Phật an tọa lên trên, mà
tham thiền nhập định, tránh cho Ngài khỏi bị bệnh tê thấp và đồng thời tỏ ra sự
quy thuận hoàn toàn đối với thần lực vô lường của Ngài.
Rắn Trong Lịch
Sử Việt Nam
Trong lịch
sử ta có biết bao nhiêu là truyện rắn. Chúng ta chỉ nhắc lại một truyện điển
hình nhất là Thị Lộ mà người đương thời cho là hiện thân của loài rắn độc, có
thể toát lược như sau:
Năm Nhâm Tuất
(1442), vua Lê Thái Tông (con vua Lê Lợi) đi tuần du phương đông, duyệt võ ở
Chí Linh. Nguyễn Trãi lúc bấy giờ đã về trí sĩ tại Côn Sơn, bèn ra nghênh tiếp
xa giá nhà vua. Lê Thái Tông bèn đến viếng chùa Côn Sơn là nơi có ẩn am của
Nguyễn Trãi. Nhìn thấy tì thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ nhan sắc lộng
lẫy, lại có biệt tài về văn chương, vua Lê Thái Tông bèn phong cho chức Lễ Nghi
Học Sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh nhà vua. Đến khi Đông tuần, xa giá về tới Trại Vải
(Lệ Chi Viên), thuộc xã Đại Lại, huyện Gia Định, nay là Gia Bình, thình lình
nhà vua nhuốm bệnh, lên cơn sốt dữ dội. Thị Lộ phải hầu hạ, thang thuốc suốt
đêm, rồi nhà vua băng hà. Các quan hốt hoảng, vội vã và bí mật phụng giá về
Kinh, nửa đêm vào cung mới làm lễ phát tang. Tất cả triều thần đều buộc tội Thị
Lộ đã âm mưu giết vua, liền đem nàng ra giết chết.
Có sách nói
rằng Thị Lộ đã bỏ thuốc độc vào chén cho vua uống. Có sách nói vua bị cắn lưỡi
mà chết. Riêng phần Nguyễn Trãi, ông chỉ nói rằng: "Nếu có tội thì cứ chiếu
pháp luật mà nghiêm trị".
Thảm trạng
này xảy ra đúng lúc trong triều có nhiều võ quan theo phe Lê Sát, sinh lòng đố
kỵ vì thấy ngày trước Nguyễn Trãi được Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trọng dụng, đem
lòng oán ghét, nhân cơ hội này, liền nghi Nguyễn Trãi là chủ mưu sát đế. Thế là
sau đó, quan Thừa Chỉ Nhập Nội Hành Khiển Đại thần Nguyễn Trãi đã bị giết và cả
ba họ bị tru di.
Truyền thuyết
cho rằng: lúc lập vườn tại Côn Sơn, lính hầu của Nguyễn Trãi đã giết chết một ổ
rắn gồm mấy mẹ con. Sau đó rắn mẹ tái sinh, bò lên trần nhà nhìn Nguyễn Trãi đọc
sách. Rắn nhỏ xuống một giọt máu đào, xuyên thấm qua ba tờ giấy, nhằm ám chỉ là
ba họ. Về sau, cũng con rắn đó đã hiện thân nơi Thị Lộ làm ả bán chiếu Gon ở
Tây Hồ, gặp Nguyễn Trãi, có xướng họa như sau:
Chiếu Gon
Chiếu Gon
Ả ở nơi đâu, bán chiếu Gon?
Chẳng hay
chiếu đã hết hay còn?
Xuân xanh
chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng
chưa? Được mấy con?
Tôi ở Tây Hồ
bán chiếu Gon
Cớ chi ông
hỏi hết hay còn?
Xuân xanh mới
độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn
chưa có, hỏi chi con!
Sau đó thì
Thị Lộ đã trở thành tì thiếp của Nguyễn Trãi, nhập được gia đình ông ta, để âm
mưu phục thù, trả nợ máu ngày xưa là mấy mẹ con đã bị giết oan nơi bụi rậm.
Cái án oan
này, mãi đến 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới xét lại. Đó là vụ án lịch sử Lệ
Chi Viên. Vua thấy có nhiều điều hàm hồ, oan ức cho một đại công thần khai quốc,
liền truyền hủy bỏ bản án trước kia, truy phục chức cho Nguyễn Trãi, tức Lê
Trãi, con cháu ông được tìm kiếm và đưa ra làm quan, lại cấp tư điền để con
cháu lo việc tế tự hàng năm (1).
Sở dĩ vua
Lê Thánh Tông đã duyệt lại bản án là vì vợ nhà vua tên Nguyễn Thị Hằng
(1445-1505) là cháu gái 4 đời của bà Châu Thị, vợ nhất của Nguyễn Trãi, đã trốn
thoát được bản án tru di tam tộc 1442, chạy vào Nam Hà ẩn náu và sinh sống. Bà
Châu Thị đem theo được nhiều con, trong đó có Nguyễn Công Duẫn, rồi Duẫn sinh
ra Nguyễn Đức Trung, rồi Trung sinh ra Nguyễn Văn Lãng, Lãng sinh ra Nguyễn Hoằng
Dụ, Dụ sinh ra Nguyễn Hoằng Kim, tức là Nguyễn Kim (1500-1545), Kim sinh ra
Nguyễn Hoàng (1525-1613), tức là chúa Tiên, chúa đầu tiên của nhà Nguyễn.
Như thế,
Nguyễn Kim là hậu duệ của Nguyễn Trãi. Còn hơn thế nữa, ông tổ xa xưa của Nguyễn
Trãi lẫn Nguyễn Kim là Nguyễn Bặc, khai quốc công thần đời nhà Đinh và nhà Lý,
từ thế kỷ XI. Ngoài ra gia phả của Nguyễn Du, tác giả Kim Vân Kiều, cũng ghi
dòng họ lên tới Nguyễn Bặc. Gần đây hơn trong lịch sử cận đại, tiểu sử của đại
thần Nguyễn Hữu Độ, Kinh lược Bắc Kỳ, cũng có ghi là hậu duệ của Nguyễn Trãi.
Chúng tôi căn cứ trên hai tài liệu sau đây:
Quyển
Chrestomathie Annamite (Quảng Tập Viêm Văn) của Edmond Nordemann (Ngô Đề Mân), ấn
hành ở Hà Nội năm 1898, trang 26-27.
Bài Les
Familles Illustres de l' Annam: S.E.Nguyễn Hữu Độ của L.Sogny, đăng trong
Bulletin des Amis du Vieux Hue, năm 1924, trang 169-204.
Còn như sự
kiện Nguyễn Du thuộc dòng họ Nguyễn Trãi thì các nhà văn học sử Dương Bá Cung,
Lê Thước, Bùi Văn Nguyên, căn cứ trên nhiều bổn gia phả họ Nguyễn ở miền Bắc và
miền Trung, đã xác nhận nhiều sự trùng hợp, mà nhà báo Cô Thần đã đúc kết và
nêu lên trong báo Tự Do số 1056, ấn hành ở Sài Gòn ngày 22.11.1960, trang đầu:
Công việc tra cứu của cụ Lê Thước cho biết Nguyễn Trãi và Nguyễn Du cùng một
dòng họ và chung một ông tổ. Ông tổ này là Nguyễn Bặc, mà vua Bảo Đại cũng có
nhận là ông tổ của mình, trong quyển sách "Le Dragon d' Annam",
Editions Plon, Paris 1980, trang 36-37.
Rắn Trong
Văn Học Sử Việt Nam
Trong văn học
sử của ta, mà cũng có liên hệ sử Tàu, chúng ta còn nhớ giai thoại bà Đoàn Thị
Điểm (sinh năm Ất Dậu 1705, mà người ta cho là tác giả Chinh Phụ Ngâm, mà cũng
có người cho là của Phan Huy Ích) đã đối đáp tài tình với ông anh là Đoàn Doãn
Luân. Một hôm ông này muốn thử tài cô em gái, bèn lấy một câu chữ trong Sử Ký của
Tư Mã Thiên nói về Lưu Bang (Hán Cao Tổ) làm đề tài để cho bà đối đáp. Câu ấy
như sau:
Bạch xà
đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi
Nghĩa là
con rắn trắng đón đường, ông Quý (Lưu Bang) liền rút gươm ra chém (con rắn bị đứt
làm hai khúc, chết liền).
Bà Đoàn Thị
Điểm nhanh trí, cũng dùng một câu trong Sử Ký đời vua Nghiêu Thuấn, nói về ông
Vũ (tức là vua Hạ Vũ, sau này nối ngôi vua Thuấn), để đối lại như sau:
Hoàng Long
phụ châu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết
Nghĩa là:
Con Rồng vàng đội chiếc thuyền, ông Vũ nhìn trời mà than!
Cũng trong
Văn học sử của ta, Lê Quý Đôn (1726-1784) đã sáng tác một bài thơ thất ngôn bát
cú trong một trường hợp khá ly kỳ như sau: Thuở nhỏ, cậu bé Lê Danh Phương (tên
đầu tiên của Lê Quý Đôn) rất cứng đầu (rắn đầu) và biếng học. Cha Phương quở
trách, ông phải làm một bài thơ "Rắn Đầu" để tạ tội, với điều kiện mỗi
câu trong bài bát cú phải có một tên rắn. Phương vâng lời và đọc ngay như một
thần đồng:
Chẳng phải "liu điu" vẫn giống nhà
"Rắn đầu" biếng
học, chẳng ai tha
Thẹn đèn "hổ
lửa" đau lòng mẹ,
Nay thét "mai gầm" rát cổ cha.
"Ráo" mép chỉ
quen tuồng nói dối,
"Lằn" lưng
cam chịu vết roi tra.
Từ nay "Trâu
Lỗ" chăm nghề học.
Kẻo" hổ mang" danh tiếng thế gia.
Đặc điểm của
bài thơ này là: nếu ta bỏ hai chữ ở đầu mỗi câu, ta sẽ được một bài Ngũ ngôn
bát cú:
Liu điu vẫn
giống nhà
Biếng học,
chẳng ai tha
Hổ lửa đau
lòng mẹ,
Mai gầm rát cổ cha.
Chỉ quen tuồng nói dối,
Cam chịu vết
roi tra.
Trâu Lỗ
chăm nghề học.
Mang danh
tiếng thế gia.
Xin lưu ý: "Trâu" ở đây chỉ loài rắn hổ trâu, Nước Lỗ là quê quán Đức Khổng Tử mà thiên hạ gọi là Vạn Thế Sư Biểu, hay là
Sinh Dân Vị Hữu, nghĩa là từ khi có loài người thì chưa có ai (bằng ông ta)!
Còn nước Trâu là quê hương của Thầy Mạnh Tử. Tôi còn nhớ một câu xướng độc đáo:
Nước lỗ
trâu chảy ra Khổng Mạnh
Nghĩa là:
Dòng nước nhỏ từ lỗ chân trâu ra thì không có (khổng) mạnh mẽ.
Câu này khó
quá chưa ai đối được cả!
Đã nhắc tới
Bảng Nhỡn Lê Quý Đôn (tục danh Lê Danh Phương), tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường,
sinh ra trong niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726), đời vua Lê Dụ Tông, thời chúa Trịnh
Cương ở xã Diên Hà, tỉnh Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình), con của ông Lê Phú Thứ
và bà họ Trương. Thân sinh đã từng đỗ Tiến sĩ năm 1724 và làm quan đến chức
Hình Bộ Thượng Thư. Thuở bé Lê Danh Phương đã nổi tiếng thần đồng về trí thông
minh và óc nhớ dai: Hai tuổi đã biết đọc chữ "Hữu" là có, và
"Vô" là không. Năm tuổi đã đọc nhiều thiên trong Kinh Thi. Mười một
tuổi đã học Sử (Sử Ký của Tư Mã Thiên, Bắc Sử, Nam Sử v.v...), học thuộc lòng
tám chín chục trang, đồng thời học luôn cả Kinh Dịch. Mười bốn tuổi học hết Ngũ
Kinh, Tứ Thư, sử truyện và sách vở của Bách Gia Chư Tử, mỗi ngày có thể cảm tác
mười bài phú mà không cần viết nháp.
Ngọc Rắn
Trong Nhân Gian
Người ta
thường nói về Nọc Rắn của loài rắn độc, ít ai nói tới Ngọc Rắn. Đây là một câu
chuyện có thực ở nước ta. Chúng ta hãy trở về Đèo Hải Vân thời tiền chiến, để
nghe một người ở địa phương kể như sau:
Thời đó người
ta đang xây con đường xe lửa Xuyên Đông Dương, gọi là Transindochinois. Thật ra
là Xuyên Việt, vì nước mình rộng lớn và quan trọng, tiêu biểu cho cả hai nước
Lào Miên. Chặng đường thứ nhất: từ Hà Nội tới Vinh, chặng đường thứ hai: từ
Vinh tới Huế, chặng thứ ba từ Huế vào Đà Nẵng. Chặng này công phu và khó khăn
nhất, vì núi non hiểm trở. Đà Nẵng ngày xưa mang tên Thạc Gián, tên làng xã
chính của thị xã. Thạc Gián viết nhầm và đọc nhầm là Tu Gián, vì hai chữ Thạc
và Tu viết gần như giống nhau. Từ đó, qua sự vụng về và biên chép của các người
biên chép và thông ngôn thời Pháp xâm chiếm nước Nam, mà địa danh viết nhầm là
Tu Gián đã trở thành Tourane. Còn địa danh Đà Nẵng thì bắt nguồn từ chữ Đà, một
thổ âm có nghĩa là Sông, suối. Ví dụ: Đà Rằng ở Phú Yên, Đà Lạt ở cao nguyên.
Suối của bộ lạc Lạt Tiếng Chiêm Thành là Ea (Da), cũng có nghĩa là sông là nước.
Ví dụ như Ea Trang (Nha Trang) là con sông tre, con sông trên bờ có mọc nhiều
tre (Krưm), chữ Krưm đọc trại thành Trang.
Trở lại
vùng Đà Nẵng, ta lấy quốc lộ 1, trèo đèo Hải Vân quan, đi xuống làng An Cư
(Lăng Cô), đi ngang qua Truồi, lần tới Phú Bài, Thần Phù, Dạ Lê, Thanh Thủy, An
Cựu, rồi tới Huế, đường dài 110 cây số, đúng 1 độ (degré) của Bắc Vĩ tuyến. Đường
này quanh co, lúc làm đường xe lửa, phải đục tới ba bốn cái hầm trong núi cao,
trong đó có hai cái hầm dài và hiểm trở nhất là Hầm Sen và Hầm Chuối.
Dân địa
phương có câu ví ngôn:
Túi thui
như chui vào Hầm Sen
Và hai câu
hò để than thân trách phận:
Chiều chiều
gió thổi Hải Vân
Chim kêu ghềnh
đá, gẫm thân em buồn!
Hay:
Chiều hôm dắt
mẹ qua đèo,
Chim kêu
bên nớ, vượn trèo bên ni!
Thời tiền
chiến, có một người cai phu lục lộ, trong lúc đi tuần dọc đường rầy, lúc sắp
chui vào Hầm Sen thì chợt thấy lóa mắt bởi nhiều tia ánh sáng. Dụi mắt để nhìn
lại lần nữa thì thấy ánh sáng này nhúc nhích và chuyển động. Cai phu liền bật
đèn pin rọi thì nhìn thấy luồng ánh sáng đó tỏa ra từ miệng con rắn dài ba thước,
đương bò ngang qua đường rầy. Cai phu nhìn kỹ thì thấy con rắn ngậm một hòn ngọc
sáng chói. Thấy người và ánh đèn, con rắn liền bò nhanh chui vào Hầm Sen biến mất.
Tình cờ một tiều phu già đi ngang qua đây, cai phu kể chuyện lại thì được tiều
phu chỉ về cách thức lấy được ngọc rắn. Tiều phu bảo phải bắt một con gà, cột
nó vào cái rổ lật ngửa, rồi đặt cái rổ đó lên trên một thau nước và cột chặt
gà, rổ và thau nước lại với nhau, làm thế nào thau không bị lật đổ. Xong rồi, cứ
việc ngồi rình đừng để cho rắn thần trông thấy.
Cai phu y
theo, làm đúng như tiều phu chỉ bảo. Chờ ít lâu, cai phu trông thấy từ miệng
hang bí mật, con rắn từ từ bò ra, đánh hơi nhìn tứ phía, rồi bò thẳng tới cái rổ
mầu nhiệm, nhờ có con gà bên trên và thau nước phía dưới. Con rắn ngóc cổ, vươn
mình phóng tới, cắn mạnh vào cổ con gà, ngậm cứng cho gà ngộp thở, rồi chui vào
cánh, quấn mình mấy ngoai, riết chặt thân gà cho đến nhừ tử. Tiếng gà kêu vang
nơi rừng thẳm, vang dậy cả Hầm Sen, giữa lúc hàng trăm phu phen đang cong lưng
đập đá vá đường, đem mồ hôi nước mắt đổi lấy chén cơm bát cháo! Lúc bấy giờ, mặt
trời đã ngả về tây, ánh vàng xuyên qua những đám mây xanh xám, treo lững lờ
trên những ngọn cây bao trùm đèo Hải Vân hùng vĩ. Trong cảnh trí thiên nhiên
huyền ảo đó, cai phu chăm chú nhìn thấy con rắn, lúc sắp sửa nuốt trọng con gà,
đã tự nhiên phun ra viên ngọc vào rổ, rồi viên ngọc đó lọt rổ, rơi xuống thau
nước, óng ánh lung linh như có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Cai phu lập tức vác
gậy đuổi đập con rắn, khiến nó sợ hãi phải bò gấp vào Hầm Sen, chui vào hang biến
mất. Và trong lúc hốt hoảng, rắn già đành bỏ lại viên ngọc quý.
Cai phu mừng
rỡ như đã trúng số độc đắc, anh ta giải nghệ trở về làng với viên Ngọc Rắn.
Viên ngọc này to bằng quả nhãn, màu thanh thiên, trong sáng tuyệt vời và phát
quang trong đêm tối. Nó lại còn có công hiệu chữa trị những người bị rắn độc cắn.
Chỉ cần áp viên ngọc nơi chỗ rắn cắn là nó hút hết chất độc, hút hết máu đen
cho tới khi nào thấy màu hồng chảy ra thì mới rút viên ngọc. Nhờ viên ngọc quý,
cai phu đã cứu được không biết bao nhiêu mạng người.
Thân sinh
tôi kể chuyện ngọc rắn như sau:
Đông Y Sĩ
Trung Quốc - Công Dã Tràng là người đầu tiên đã khám phá tính chất kỳ diệu của
Ngọc Rắn. Thuở ấy, y sĩ họ Công có nuôi một cặp rắn hổ. Một hôm thừa cơ rắn đực
đi vắng, rắn cái gian dâm với con rắn đực ở gần đó. Tình cờ Công Dã Tràng nhìn
thấy, ông tức giận, bèn lấy cây rượt đánh con rắn lăng loàn. Rắn đực đi đâu nãy
giờ, vừa bò về trông thấy gia sự đau xót như vậy, bèn ngỏ ý cảm tạ Công Dã
Tràng, bằng cách nhả viên ngọc quý trong miệng ra, tặng ông ta và dặn như sau:
"Đại nhân hãy giữ kỹ viên ngọc này nó sẽ giúp ông cấp cứu thiên hạ, nếu chẳng
may họ bị rắn độc cắn. Đại nhân cứ áp viên ngọc vào nơi thương tích, là nó sẽ
hút hết chất độc. Ngọc này không phải rắn nào cũng có, phải có sự tu luyện lâu
năm, ngọc mới kết tụ trong miệng. Vì thân hình rắn trơn tru, rắn chỉ biết dấu
ngọc vào miệng mà thôi, như thế chẳng ai trông thấy cả. Nhưng mà có một điều bất
tiện là: lúc ăn rắn phải nhả viên ngọc ra, ăn xong lại phải ngậm vào, giữ gìn cẩn
thận như cái bùa hộ mệnh của rắn thần."
Bây giờ ta
phải đánh dấu hỏi: Tại sao Công Dã Tràng đã hiểu thấu ngôn ngữ của loài vật như
con rắn? Thì đây là câu trả lời. Theo Lê Quý Đôn viết trong Văn Đài Loại Ngữ,
quyển 7, Thư Tịch Loại, gồm 107 điều nói về Kinh Sử Tử Tập, từ thời Xuân Thu
Chiến Quốc cho đến các đời Đường Tống Nguyên Minh Thanh, và căn cứ sách Luận Ngữ
của Đức Khổng Tử, thì Công Dã Tràng hiểu tiếng chim, nhà nghèo, không có việc
làm, không lấy gì để ăn. Một hôm có con chim bay trên mái nhà, kêu rằng:
"Cọp ăn thịt dê ở núi Nam Sơn, nên mau ra mà lấy về". Công Dã Tràng
nghe lời chim gọi, chạy ra núi Nam Sơn quả nhiên bắt được dê bị cọp ăn; còn thừa.
Khi người chủ mất dê đi tìm, theo vết tới nhà trông thấy sừng dê, cho là...
Công Dã Tràng ăn trộm dê, bèn kiện lên quan. Vua nước Lỗ hạ lệnh đưa Công Dã
Tràng giam vào ngục. Còn Khổng Tử thì một mực kêu oan cho Tràng mà cũng không
được.
Ít lâu sau,
chim sẻ lại kêu ở nhà ngục rằng: "Người nước Tề xâm lăng bờ cõi, nên mau
ra đánh đuổi". Tràng bảo người cai ngục tâu việc ấy lên vua quan. Vua
không tin nhưng rồi cũng đâm lo, bèn sai người đi ra biên thùy thám thính thì
quả thấy quân Tề ồ ạt kéo tới thật. Vua bèn sai Công Dã Tràng đem quân đi đánh,
đuổi được quân Tề. Vua bèn tha cho Công Dã Tràng và phong cho làm Đại Phu.
Nhưng ông ta không nhận, vì ông ta nghĩ rằng: "Nhờ loài chim mà được tước
lộc là một điều nhục". Tiết tháo vậy thay! Từ đó về sau, không ai học tiếng
chim nữa. Nhưng ngày nay, có nhiều nhà khoa học lại bắt đầu học tiếng chim cá,
thú vật, để hiểu biết thêm ngôn ngữ của loài vật.
Loài Bò Sát
Trong Thần Thoại Việt Nam
Ngoài những
con rắn ta thường trông thấy trên đất liền, thường có giống Thuồng Luồng dài
năm bảy chục thước, chuyên sống nơi biển lớn, hồ rộng. Hồi đầu thế kỷ, có nhiều
thủy thủ đã trông thấy thuồng luồng nơi Vịnh Hạ Long, nơi quần đảo Bạch Long
Vĩ. Họ chỉ trông thấy cái đuôi (vĩ) mà cũng đã dài lắm rồi. Lại có người trong
thấy con thuồng luồng xuất hiện vài phen nơi hồ Lock Ness, bên xứ Scotland. Con
quái vật này (le monstre de Lock Ness) trải qua nhiều thế kỷ, đã làm cho người
ta mất khá nhiều thời giờ để rình ngó, nó cũng làm cho văn nhân, sử gia tốn
công viết lách tìm tòi.
Riêng về
dân tộc chúng ta vốn thuộc loài Giao Chỉ. Danh từ kép nầy có nhiều nghĩa: Ngón
chân cái tách ra, lúc đứng xếp chân gần nhau thì thấy hai ngón chân cái giao đầu
với nhau. Lại thêm một nghĩa nữa là: Bờ nuớc có thuồng luồng, cá sấu, loại sauriens
như dinosaur, plésiosaures, diplocdocus v.v... thời tiền sử sinh sống. Đó là
hai ý nghĩa chính, còn nhiều cách giải thích khác nữa không thể nói hết được.
Ngày xưa,
giao long và thuồng luồng tranh nhau mà sống khắp sông hồ và duyên hải Nam Hoa
và Bắc Việt. Do đó mà Hàn Dũ đời Đường (768-823) và Hàn Thuyên đời Trần Thái
Tông (1225-1257) đã được lệnh nhà vua làm bài văn tế cá sấu, để đập đuổi cá sấu
đang nhiễu hại dân chài lưới, đi ra khỏi sông Phú Lương, tức là sông Hồng Hà
ngày nay. Theo nhà văn Roger Caillois, con rồng phát xuất từ con Giao Long mà
ông dịch là Alligator, một giống bò sát (reptile) có nhiều liên hệ với nước mây
mưa gió. Ắt hẳn con Giao Long là vật tổ của người Giao Chỉ, một sắc dân sống miền
duyên hải, chuyên sống về nghề chài lưới và có tục lệ xâm mình, vẽ hình rồng rắn,
khiến cho giống thuồng luồng, cá sấu phải nể nang khiếp sợ mà tránh né, hoặc được
xem như là đồng loại để đừng giết hại lẫn nhau.
Tục lệ xâm
mình này đã có từ ngàn xưa vì sách Sử Ký của Tư Mã Thiên đời Hán đã từng ghi
"Tiễn phát, văn thân, thác ti, tả nhậm": Cắt tóc ngắn, vẽ mình, vòng
tay (cung kính), cài nút áo phía trái. Ấy là bốn đặc tính của dân Việt Giao Chỉ.
Tục lệ đã chấm dứt đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) anh ruột Công chúa Huyền
Trân, và cũng là người đầu tiên đã dám cãi lệnh vua cha, nhất định không chịu
xâm mình. Đó là một ông vua có óc tiến bộ, đã dám quên gốc chài lưới của tổ
tiên, để mạnh dạn tiến vào thời kỳ nông nghiệp phồn thịnh của dân ta. Hơn nữa,
việc cống hiến ngọc trai, san hô (coral) cho vua Tàu không còn ràng buộcchặt chẽ
như xưa, và từ đó dân chài của ta không còn phải lặn lội dưới biển sâu để mò
trai kiếm ngọc.
Xem như
trên, các loài rồng rắn, thuồng luồng, cá sấu có nhiều điểm tương đồng, mà cũng
có nhiều điểm dị biệt: Rồng có bốn chân, không có cánh mà vẫn bay được lên tận
mây xanh, Thuồng luồng không chân và dài như con chình khổng lồ, có thể lật
thuyền như chơi; Cá sấu da dầy, răng như cưa, mắt trợn... trông thấy mà kinh; Rắn
không chân, bò sát đất, nhưng khéo tu thì có ngọc! Hầu hết rồng rắn dị hình, dị
tướng, đều mang nặng tính chất kỳ bí và thần thoại, do óc quan sát tinh vi và
trí tưởng phong phú của loài người.
________
Ghi chú:
(1) Cũng có giả thuyết: Người vợ thứ tư của Nguyễn Trãi, tên
là Phạm Thị Mận, đang đi chợ, nghe tin dữ, vội vã bồng con trai, trốn sang nước
Bồn Man (Lào), về sau lại trở về dưới thời Vua Lê Thánh Tông. Người con trai
tên là Anh Vũ, học giỏi, đỗ đạt làm quan to, được vua cử đi sứ sang Trung Quốc.
Lúc đi thuyền trên hồ Động Đình thì bị một con thuồng luồng ví chận, muốn làm lật
thuyền. Anh Vũ biết con rắn này là hiện thân của Thị Lộ, bèn cầm dao nhảy xuống
hồ đánh và giết được rắn, máu trồi lên đỏ cả hồ, rồi Anh Vũ cũng biến đi đâu mất!
Từ đó về sau thì hồ êm sóng lặng, dân chúng đi lại bình an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét