Nguy cơ từ sự hồn nhiên của
người dùng Facebook
Nhiều người đang vô tư khoe
thông tin cá nhân như ảnh, địa chỉ nhà, tài sản có giá trị và cả những kế hoạch
đi chơi lên mạng xã hội mà không để ý đến các nguy cơ rình rập.
Cuối năm 2012, cộng đồng mạng
lan truyền video về một "thầy phù thủy" có khả năng "siêu
phàm". Chỉ cần biết tên người ngồi đối diện, ông thầy có thể nói chính xác
nhiều thông tin nhạy cảm và riêng tư mà tưởng chừng như chỉ người đó mới biết,
như số tiền mà cô gái đã bỏ ra để mua áo tháng trước đó, vị trí hình xăm trên
người, thậm chí biết cô từng có 3-4 bạn trai... Tuy nhiên, thực ra ông không hề
có năng lực bí ẩn mà hậu thuẫn ông là một đội "chuyên gia bàn phím".
Họ chỉ cần nhập tên và tra cứu qua Google hay Facebook là đủ để xây dựng một hồ
sơ khá hoàn chỉnh về người xa lạ. Nói cách khác, một kẻ với âm mưu xấu nào đó
cũng có thể thu thập những điều tương tự như thế chỉ bằng việc lần mò thông tin
và giả vờ kết bạn trên Facebook.
Video về thầy phù thủy online
Tuy nhiên, suy nghĩ chung của không ít người là những lời cảnh báo ấy
không dành cho mình, sẽ không xảy ra với mình hoặc đó là chuyện "lo bò trắng
răng", "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Hàng ngày trên Facebook và Foursquare, các thành viên vẫn khoe chuyện vừa
sắm xe, điện thoại, dàn loa mới, "check-in" địa điểm mỗi khi về nhà,
đến công ty hay đăng ảnh cả nhà đang đi du lịch... Đây là những chia sẻ hoàn
toàn bình thường giữa bạn bè và người thân với nhau. Tuy nhiên, trên Facebook của
mỗi người không chỉ có bạn bè ngoài đời mà còn có cả những "bạn" họ
chưa từng gặp và thậm chí chưa một lần trò chuyện qua Facebook.
Nếu có âm mưu từ trước (hoặc bỗng dưng nổi lòng tham khi nhìn thấy tài sản
giá trị), kẻ xấu sẽ không khó tập hợp thông tin về thành viên Facebook đó như họ
sống một mình hay với ai, đi làm vào thời gian nào, ở đâu... và lên kế hoạch đột
nhập khi chủ nhân khoe trên mạng là đang không ở nhà (đi công tác, đi chơi, đi
ăn ở ngoài).
Có người vô tư đăng ảnh, tên, lớp, trường, thời gian biểu của con và cả
tên và số điện thoại của cô giáo lên mạng mà không nghĩ đến chuyện có thể gây hại
cho con (như tội phạm có thể đưa ra các thông tin trên và vờ làm người nhà của
trẻ).
Ngay cả trong giới nghệ sĩ, nhiều "sao" cũng được khuyến cáo
không nên tường thuật trực tiếp lên Fan Page về chuyện họ đang phải đi về muộn
hay đang tham dự tiệc ở đâu đó. Lời nhắc nhở này xuất phát từ việc một số
"hot girl" thi thoảng vẫn chụp ảnh "tự sướng" rồi cập nhật
Facebook tức thì, hoặc than thở "giờ này vẫn còn chưa về đến nhà"...
Kẻ cướp có thể kết bạn với các nghệ sĩ để chọn lọc, truy tìm "mồi
ngon" đang mang trên mình trang sức, phụ kiện đắt tiền sau khi rời sàn diễn.
Tuy nhiên, tình trạng lợi dụng sơ hở của thành viên mạng xã hội để tấn
công ngoài đời có thể ít xảy ra hoặc ít người nghe nói đến trường hợp cụ thể
nào ở Việt Nam nên đa số vẫn rất chủ quan. Trong khi đó, mối nguy hại này đã được
nhiều nước cảnh báo. Tổ chức phòng chống tội phạm quốc gia Ai-len cho hay số vụ
trộm cướp năm 2012 ở nước này tăng lên so với năm trước có một phần liên quan đến
mạng xã hội và nhắc nhở người dùng Internet cần cẩn trọng mỗi khi chấp nhận kết
bạn với người lạ và khi đưa thông tin mang tính cá nhân, riêng tư lên mạng.
Một chia sẻ rất bình thường và phổ biến trên Facebook, nhưng có thể lại
là thông tin quý với kẻ có ý đồ xấu.
Báo Telegraph cũng từng đăng khảo sát được thực hiện với một nhóm tội phạm
(đã bị bắt) ở Anh và kết quả là 79% những tên trộm được hỏi khẳng định đã dùng
mạng xã hội làm công cụ "săn mồi". Chúng cũng lấy đi tài sản có giá
trị trung bình 600 USD từ mỗi ngôi nhà viếng thăm. "Chúng ta đang sống
trong kỷ nguyên số với tội phạm số - những kẻ đang khai thác sự kết nối và chia
sẻ trên mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân tiềm năng. Mọi người đang 'mời giặc về
nhà' mà không hề hay biết", tờ báo này khẳng định.
Giữa năm ngoái, báo chí Australia đưa tin một một cô gái 17 tuổi ở
Sydney đã nổi hứng chụp ảnh đăng Facebook khi đang giúp bà đếm tiền tiết kiệm.
Ngay đêm đó (29/5/2012), hai tên cướp cầm vũ khí đã xông vào nhà của nạn nhân và
tra hỏi về số tiền chúng thấy trong ảnh. Các nhà chức trách địa phương sau đó
đã phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn khi đăng tải thông tin gia đình và bản
thân lên mạng, đồng thời đề xuất các nguyên tắc sử dụng căn bản cho người dùng
như không công khai các thông tin cá nhân, không đồng ý kết bạn với người lạ,
không cập nhật nhiều về các hoạt động cá nhân hàng ngày... để tránh bị theo
dõi.
"Trước khi sự cố xuất hiện, không ai lại nghĩ rằng chuyện đó sẽ xảy
ra với mình. An toàn là trên hết, hãy ghi nhớ điều đó mỗi khi vào một trang mạng
xã hội. Bạn chỉ nên chia sẻ những thứ mà bạn có thể đảm bảo là sẽ không làm ảnh
hưởng đến cuộc sống về sau", trang Howstuffworks khuyên.
Châu An
(Nguồn vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét