Tại sao gọi người Hà Nội
là người Tràng An?
Câu ca dao cổ tự ngàn xưa gợi
nhắc cho ta về nét đẹp người Hà Thành, nhưng ý nghĩa của nó chưa mấy ai đã hiểu rõ.
Tại sao lại là “Tràng An”? Trong lịch sử, Hà Nội chưa bao giờ được gọi là Tràng
An cả, mặc dù đã từng qua rất nhiều lần thay đổi tên gọi như: Thăng Long, Đại
La, Đông Đô… hay nôm na là Kẻ Chợ. Tuy nhiên, trong câu ca trên thì Tràng An
đích thị là chỉ Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của người Việt - chứ không chỉ
bất cứ một nơi nào khác. “Tràng An” là một mĩ từ có nguồn gốc xuất phát từ
Trung Quốc. Đây vốn là kinh đô của Trung Hoa thời Đường, kéo dài suốt bốn thế kỷ
(năm 608 - 907), cũng là bốn thế kỷ thịnh vượng, mang dấu ấn văn hóa Hán nhất.
Người Trung Hoa sau này ấn tượng về sự phồn thịnh của kinh đô ấy tới mức đã cấp
cho địa danh này một nghĩa mới: Cứ nói đến “Tràng An” tức là nói tới kinh đô.
Hơn nữa, với nghĩa danh từ “Tràng An” là một cụm từ ghép cố định, chỉ một địa
danh. Còn với nghĩa tính từ thì “Tràng An” còn chỉ sự lâu bền, bình yên, an
lành. Như thế, đây là một cách sử dụng điển tích thể hiện niềm tự hào hoài cổ,
nhưng ngày nay chúng ta đã Việt hóa làm cho ý nghĩa của hai chữ “Tràng An” trở
nên sâu xa hơn (đất Tràng An, phong tục Tràng An…). Câu ca dao trên được xây dựng
trên cấu trúc song hành: “Chẳng… cũng thể…”, đặt “người Tràng An” bên cạnh “hoa
nhài”, “thơm” sánh với “thanh lịch”. Đây quả là một sự liên tưởng độc đáo!
“Nhài” là một loại cây nhỡ, lá hình bầu dục, hoa trắng mọc thành cụm, nở về
đêm, có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng và quyến rũ. Có lẽ, chính từ phẩm chất
này mà dân gian đã chuyển sang để so sánh với nét đẹp của người Hà Nội. “Thanh
lịch”, thanh nhã và lịch sự, là một phẩm chất đáng quý. Người thanh lịch không
chỉ có cử chỉ tao nhã, lịch sự mà phải là một người có hiểu biết sâu sắc, có
cách ứng xử đúng mực, duyên dáng, đáng yêu, tức là người đó phải hội đủ các yếu
tố về nội dung và hình thức. Tóm lại, câu ca dao muốn ngợi ca sự thanh lịch của
người Tràng An, ắt là điều tất yếu không thể phủ nhận được giống như hương thơm
của hoa nhài vậy.
Tuy nhiên, “người Tràng An”
là bao gồm những ai và tại sao người Hà Nội - Tràng An lại được đề cao đến vậy?
Thật khó mà xác định được điểm mốc nào để gọi là người Hà Nội gốc. Sinh ra ở Hà
Nội, hay trưởng thành ở Hà Nội, hay có ông bà cha mẹ ở Hà Nội Người Hà Nội là
những người đã sống ở đây từ trước năm 1945 hay trước 1954, 1975? Theo tôi, điều
đó không quan trọng. Tất cả những người đang sống và làm việc trên đất Hà Nội, đang
cống hiến cho Hà Nội, và kể cả những người đang yêu thương Hà Nội dù chỉ là
trong suy tưởng đều có thể coi là “người Hà Nội”. Chúng ta không thể phủ nhận sự
thanh lịch của Hà Nội, bởi đó là thực tế. Tính cách thanh lịch đó thể hiện ở
cách ứng xử văn hóa mà cụ thể là trong cách nói năng, ăn mặc, giao tiếp… Tiếng
nói Hà Nội phát âm đúng, từ ngữ chuẩn xác, có thể làm mẫu mực cho cả nước. Người
Hà Nội biết tiếp thu có sàng lọc tiếng nói của mọi miền đất nước, giữ lại những
gì tinh túy nhất nên lời nói lưu loát, nhã nhặn lại ý nhị, tôn trọng người đối
thoại. Mặt khác, người Hà Nội rất sành ăn uống, họ đã nâng việc nấu ăn lên
thành nghệ thuật ẩm thực. Món ăn Hà Nội ngon từ cách chế biến, từ chút gia vị,
nước chấm cho đến cách bày biện đẹp mắt, gợi cảm mà không phàm tục, và khi ăn cảm
thấy thích thú. Chẳng thế mà bao nhà văn tên tuổi đã dành cả cuốn sách để viết
về đề tài này như Thạch Lam với “Quà Hà Nội” hay Vũ Bằng với “Miếng ngon Hà Nội”.
Trong trang phục, người Hà Nội ưa sự gọn gàng, tề chỉnh, trang nhã. Đẹp nhưng
kín đáo, không hề cầu kỳ lòe loẹt, phô trương lố lăng, họ đã tôn vinh phong
cách dân tộc trong trang phục. Đã có không ít người nước ngoài ấn tượng đến sững
sờ trước một tà áo dài Hà Nội duyên dáng như mây thu mơ hồ, mặc dù phụ nữ nước
họ cũng có những bộ váy dân tộc rực rỡ với nhiều vẻ đẹp. Tính thanh lịch ấy còn
được thể hiện trong cách làm ăn, giao tiếp. Sự thanh lịch mà Thăng Long - Hà Nội
có được là do cả một quá trình lịch sử lâu dài. Và cũng không thể nào hun đúc,
bảo tồn được nền văn hiến thanh lịch ấy nếu không có sự bồi đắp của những tinh
hoa khắp mọi miền dành cho Thủ đô. Chẳng hạn như những bài hát hay nhất cho Hà
Nội cũng không phải người Hà Nội viết. Hay Bùi Xuân Phái, tác giả của rất nhiều
bức tranh đẹp về Phố cổ Hà Nội, cũng là người xuất thân từ tỉnh Hà Đông chứ
không phải từ 36 phố phường. Ngày nay, Hà Nội cũng như mọi miền trên cả nước
đang mở rộng trên con đường giao lưu và hội nhập quốc tế. Hà Nội đổi mới từng
ngày, từng giờ nhưng bản sắc Hà Nội từ ngàn xưa vẫn còn giữ mãi. Với sức sống dẻo
dai, với lòng yêu cái đẹp đã được hun đúc từ nhiều đời, người Hà Nội hôm nay đã
và đang đẩy lùi những gì không phải là của mình. Từng người, từng gia đình vẫn
giữ “nếp nhà” như thể người Hà Nội muôn đời thanh lịch.
(Sưu tầm-Du lịch Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét