Thăng trầm thế sự (10): Bấy
nhiêu năm ấy khôn nguôi nhớ về (Th ăng trầm thế sự-tiếp theo)
Sụt sùi cánh lá thu rơi
Bấy nhiêu năm ấy khôn nguôi nhớ về
Việt Nam một dải đề huề (1)
Người Nam kẻ Bắc tràn trề buồn vui…
Chia ly, hợp lại… ngậm ngùi
Chưa vui xum họp đã xui cách lòng
Thuyền nhân vượt biển mênh mông
Tới miền “đất hứa” những mong yên bình.
Bao người chẳng thấy bình minh
Chẳng mong tới bến… đời chìm biển sâu
Tới bến cũng có yên đâu
Tương lai mờ mịt cơ cầu kiếm ăn.
May đời có chốn nương thân
Nơi quê hương mới thuyền nhân cũng là
Cũng là sống gửi người ta
Thân nơi đất khách hồn nhà vấn vương.
Cũng đời dãi nắng dầm sương
Bươn trải kiếm sống gánh buồn quanh năm
Đời con cháu cũng thăng trầm
Hội nhập cuộc sống khó khăn chẳng rời.
Giỏi giang mấy ai được vời
Vẫn là khách trọ, thế thôi, đời thừa
Thời gian thấm thoắt thoi đưa
Trời Âu cộng sản cũng vừa sang trang… (2)
Đông Âu cho tới Việt Nam
Cội nguồn cộng sản giăng hàng tha phương
Đường bộ, đường biển căng buồm
Miễn mau rời khỏi “thiên đường” Mác-Lê!
Xứ người cũng lắm ê chề
“Tị nạn” phủ quyết não nề hồi hương (3)
Đời buồn chẳng ánh nắng hường
Người đi, kẻ ở đều chường gian nan.
Lưu trú ngắn hạn khó khăn
Nghĩ ra mọi cách kiếm ăn hãi hùng
Băng nhóm, buôn lậu… tranh vùng
Viễn phương kiếp sống rưng rưng lệ trào.
Cũng may đời thoát lao đao
“Tư bản giãy chết” mà sao ân tình
Cải hóa, hội nhập yên bình
An cư lập nghiệp gia đình an khang.
Tình quê hai ngả thênh thang
Tha phương dắt díu về thăm cội nguồn…
20.9.2015/Trần Kim Lan
Ghi chú (1): 1975 – Sau gần 20 năm hai miền Nam Bắc Việt Nam bị chia cắt
đã hợp về một mối dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.
(2): 1989 đông Âu cộng sản sụp đổ
(3): Rất nhiều người xin tị nạn ở Hồng Kong, Thái Lan, Đức… bị từ chối,
buộc phải hồi hương. Đặc biệt là sau hiệp định hồi hương được ký kết giữa Việt
Nam và Germany năm 1996, hơn 40 ngàn người Việt Nam phải tự nguyện hoặc bị cưỡng
bức hồi hương. Các nước ờ vùng đông Âu cộng sản, cũng nhiều người phải hồi hương…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét