" Đâu Cũng nh - Nh v quê hương - Ci ngun dân tc - M

y ai mà quên?" (TKL)

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Bất ngờ và không bất ngờ



TRẦN NINH HỒ

Nhà báo Lê Phương Dung tại nhà riêng.
Tiếng gõ cửa mạnh và dứt khoát. Dường như nó vang lên chỉ sau tiếng bước chân ở cầu thang chừng vài giây. Điều đó chứng tỏ người gõ cửa này không hề dừng lại nghe ngóng, dù đây là phòng của “sếp” Tổng biên tập đang tiếp khách. Đến là gõ ngay! Và “sếp” Tổng biên tập cũng tỏ ra rất mau mắn!
- Mời vào!
Trước mắt tôi và ông bạn Ngãi, Tổng biên tập Tạp chí Thương mại lúc này là một cô khách chừng trên dưới ba mươi tuổi. Gương mặt tươi sáng, nhiều những nét thẳng, áo phông, quần zin đều màu xanh biển, đôi mắt to, đen, nhưng lại thoáng ánh biếc xanh. Trông rất Tây và có chút ngỗ ngược! 
- Chào hai… bác! – Cô ta nhìn lướt qua người khách lạ là tôi, rồi quay ngay sang Ngãi – Năm ngày rồi, “sếp” đã đọc duyệt xong cho em cái đề án “Trung tâm phát hành và phóng viên” chưa, để còn kịp triển khai ngay đầu năm 1995 này. Tháng rưỡi nữa là hết năm rồi, “sếp” ơi!
- Rồi! Đọc đến ba lần! Phải sửa và bổ sung nhiều, trưởng ban ạ. Cả chiều nay ta sẽ họp cùng văn phòng nữa để bàn chi tiết. Còn bây giờ trưa rồi. Tôi mời cô qua đây vì có anh bạn học từ hồi cấp hai với tôi. Cũng là nhà báo và còn là nhà thơ nữa, rất hay đọc tạp chí ta, có thể cả những bài cô viết ký Lê Phương Dung và dăm ba bút danh khác!…
- Em chào anh! – Dung quay sang tôi, nhưng lại thoắt quay sang Ngãi, giọng tinh nghịch – “Sếp” – quạu, “sếp” – quát mà cũng có bạn là nhà thơ à?
- Đấy ông xem! – Ngãi không giấu vẻ ngao ngán (có khi vừa tạo ra?) – Quân của báo tôi toàn một giọng như thế cả! Như ông biết đấy, thời sinh viên tôi học khoa Pháp văn và đôi khi cũng đã nói với các cô ấy đôi điều sơ giản về thơ Pháp… Bà nội cô này là dânParisgốc. Nhưng bố lại lai Việt, là chiến sĩ Vệ quốc đoàn thời 9 năm… Còn đây là nhà thơ… – Ngãi chỉ tôi – Cô biết chưa?
- Ồ. Em đã đọc anh từ hồi học phổ thông. Cả thơ và truyện trên báo có ghi “Từ miềnNamgửi ra”. Đọc cả trong sách nữa. Có bài em đã phải học thuộc lòng, nhưng không hiểu sao bây giờ lại… quên cả!… Thơ để nhớ lâu được, khó lắm anh nhỉ!
“Thơ để nhớ lâu được, khó lắm anh nhỉ”. Chỉ cần thế, tôi biết cô không chỉ là phóng viên kinh tế. Nói chuyện với cô nàng này xem ra không dễ dàng dù cô có nét mặt của một người khá cởi mở và hồn nhiên.
- Em có hai thằng con. Thằng lên năm, thằng lên bảy. Chúng nó cứ líu lo, vẽ vời cả ngày. Có khi nó còn nói vần vèo thế nào đó, cứ như là cũng… làm thơ!
Đấy, lại nói về thơ! Tôi cố nén sự ngạc nhiên. Đây đã là mẹ của hai “ông con” mà sao trẻ thế. Bữa trưa ấy cô còn gọi thêm hai người bạn nữ nữa trong ban cô phụ trách. Tôi và Ngãi chỉ còn biết nhấp rượu, thỉnh thoảng đóng vai phụ “đế” vào đôi câu, còn chủ yếu là cười… trừ với ba bà bạn này mà thôi…
Bẵng đi đến hơn dăm năm, đột nhiên trong một lần đi công tác Hà Giang vào dịp đầu xuân 2001 để viết một số bài cho báo ở những vùng cao hẻo lánh nhất là Mèo Vạc, Tân Minh, vừa qua Cổng Trời thì tôi gặp Dung cùng đi với một nhóm phóng viên từ Hà Nội lên trong một cái quán bán ngô luộc mà đến nửa số ghế đều bị gãy chân!
- Anh đi với chúng em không? – Dung giới thiệu tôi với một số anh trong ủy ban tỉnh, trong đó có anh Quí – Phó Chủ tịch tỉnh mà tôi đã từng phỏng vấn về một vài vấn đề biên giới cách đấy không lâu – Chúng em đi viết bài và làm từ thiện.
- Từ thiện nữa kia à? Với tư cách cơ quan hay cá nhân?
- Cá nhân thôi! – Một anh trong ủy ban tỉnh giải thích cho tôi – Ngoài một chút tiền của Tạp chí Thương mại, cô Dung có tặng riêng cho bà con vùng núi đá này hơn một trăm con dê.
- Tặng riêng? – Không nén được sự ngạc nhiên tôi quay sang Dung vì một số tiền chắc chắn là không nhỏ.
- Vâng. Sẽ giải thích sau. Em và các anh chị ở tỉnh, huyện vừa bàn giao xong. Người già vui nhận đã đành, còn trẻ con thì chúng nó thích lắm vì được nhận dê để lùa lên núi. Trong đoàn em có một số bác sĩ thú y nữa. Các anh ấy bảo loại dê này khỏe, phù hợp thổ ngơi, khí hậu, nó sẽ sinh sản mạnh… “Sếp” Ngãi bạn anh bảo anh tuổi Mùi. Gặp anh ở đây quá hợp!
Trời ơi, lại còn liên hệ linh tinh đến thế nữa. Cái cô nàng quái quỉ này! Mà không phải chỉ có thế. Trưa ấy chúng tôi còn được vào quán “Lẩu Dê” ở thị trấn Mèo Vạc. – Đàn dê của cô liệu được bao nhiêu… bữa như thế này?
- Tất nhiên người ta nuôi dê để bán thịt ở đây và bán về xuôi nữa. Giống khỏe, có khi từ một trăm con nó sẽ thành ngàn con, vạn con… Mênh mông cao nguyên, thảo nguyên thế này… Nó sẽ thành quần áo, nhà cửa, xe cộ, giấy bút… Cái gì ở đây cũng thiếu quá!…

LPD trước bãi biển Brighton sáng sớm mùa hè
Thấy vẻ mặt cô nàng như có chút thoáng buồn, tôi không dám chọc đùa thêm nữa. Thu Hoài, một nữ nhà báo còn nhờ tôi đưa cho Dung chiếc khăn len từ vai cô. “Chị quàng vào đi, trời lạnh quá! Bà này là chúa chủ quan. Lúc nãy ở gần nhà sàn trong bản, còn lạnh hơn, bà ấy đã lấy cái mũ đang đội chụp vào đầu cháu gái, rồi lại cởi ngay cái khăn cổ quàng vào cho một cháu trai khi chúng nó lùa dê lên núi. Thế là ho sù sụ…”. Câu chuyện này khiến tôi sực nhớ, cũng đã lâu, có một lần ở quán ăn trưa 13 Lý Thường Kiệt, chính Dung đã bắt bằng được một cô bạn gái của mình, nhà báo Thanh Hương, phải nhận chiếc xe máy mới mua hơn chục triệu, khi biết tin chồng cô bạn này đã bỏ nhà đi, bỏ vợ và hai con bé dại… Dung đã cho hẳn cô bạn chiếc xe máy ấy, trong khi hồi đó Dung đâu phải đã là người khá giả như bây giờ. Một tính cách kỳ lạ!…
Mấy tháng sau, không có dịp nào gặp lại cô để nghe cô giải thích về kinh phí từ thiện cá nhân này, vì cái “Trung tâm phát hành, phóng viên” do cô phụ trách không mấy khi họ ở Hà Nội. Nhưng tôi lại gặp cô ở Phú Yên với toa tàu 30 tấn chở vải vóc, mì tôm, thuốc men, quần áo do riêng cô mua từ Bắc vào tặng vùng lụt bão. Lần này thì không gặp tình cờ như ở Cổng Trời, Hà Giang, mà tôi quyết định tìm đến nơi toa xe từ thiện, nghe nói lại của cá nhân cô! “Kỳ này ra Hà Nội, em muốn nhờ anh và một số nhà văn, nhà khoa học, sẽ đến khai giảng năm học mới với trường trẻ em khiếm thị để trao tặng giúp em mấy dàn vi tính”. Tất nhiên tôi nhận lời và sau đó cũng đã thực hiện cùng Báo Công an nhân dân…
Đấy là những khoản chi không nhỏ của Dung cho từ thiện. Đã nhiều lần tôi hỏi, nhưng hình như cô không muốn giải thích. Cho mãi đến khi trong bữa cơm gia đình mừng cháu trai lớn của cô đỗ vào đại học, tôi mới được một người bạn thân của cô bảo: “Có gì đâu! Gia đình bà nội cô ấy ở Paris đã tìm ra cô ấy. Họ là một dòng họ lớn ở Pháp. Có nhiều dinh thự, lâu đài gắn Gia-huy. Họ đón mẹ con cô ấy qua nhiều lần, tặng tiền xây nhà và họ cũng rất thích thú khi biết cô còn dùng số tiền ấy để làm từ thiện xây trường phổ thông cho quê hương hàng tỷ đồng… Hơn nữa, có lẽ vì học về kinh tế, viết báo kinh tế, cô ấy cũng biết đầu tư vào việc nọ việc kia, cho tiền sinh nở!… Chi tới dăm bảy tỷ đồng từ thiện, tài trợ rồi!”.
Và khi nghe người bạn đó nói: “Dung cũng rất biết dùng tiền như một nhà kinh tế”, tôi mới sực nhớ, không ít lần, mỗi khi đến địa phương nào, công ty, xí nghiệp nào, sau khi nắm được tình hình sản xuất, kinh doanh nơi ấy, cô thường có những ý kiến trao đổi về định hướng làm ăn mà nhiều người lãnh đạo, quản lý tỏ ra tâm đắc. Họ thường quí và tin cô, kể cả một số các nhà quản lý, lãnh đạo cấp Bộ, ngành Trung ương…
Tôi cũng không lấy làm lạ, trong vài năm gần đây khi đọc trên các báo một loạt chừng ngót mười bài cô viết về thủ đô một số nước như Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore… khá tinh tế, sắc sảo.
Và không phải chỉ ở các kinh đô đông, tây xa lắc, mà gần đây nhất, cô đã có một loạt ghi chép không ít thú vị về một đời sống rất gần gũi thân thiết của chính chúng ta! “Nồi đất vào phố” (Văn nghệ Công an số 127/2010), “Một lần trở lại Nga” (Văn nghệ Công an số 131/2010)… “Fast food made in Vietnam” (Đồ ăn nhanh, cơm nắm Việt Nam, Văn nghệ Công an số 133/2010),
“Nồi đất ơ! – Tiếng một đứa trẻ vang lên lạc lõng. – Ai nồi đất đây! – Tiếng một thanh niên rao vóng cao gay gắt như chứa đầy nắng lửa… Chúng tôi ngồi trong quán, thỉnh thoảng lại nghe thấy những giọng đủ các cung bậc, lứa tuổi của những người bán nồi đất đi qua. Mấy thanh niên ngồi gần chỗ chúng tôi càu nhàu: “Thời buổi này, còn ai dùng nồi đất mà rao với bán!”… Họ đã lầm! “… Thời trước nồi đất dễ bán ở nông thôn, nhưng bây giờ thành phố lại là nơi tiêu thụ nhiều nhất! – Anh lái-nồi-đất tên Chín nói – … Khi người ta đã chán cơm Tây bơ sữa và quay lại với những món quê mùa cơm tám, cá kho… thì việc mở những cửa hàng cơm niêu, cơm thố lại là một sự thức thời, nhạy cảm với thị trường!… Nồi đất lại được tôn vinh!… Chỉ sợ nhất là khi xe chở nồi đổ. Lỗ vốn to!… Nồi đất thường được sản xuất nhiều nhất ở những vùng có nguồn đất sét tốt như Xóc Xoài, Linh Quỳnh, Tri Tôn (Xà Tón), Hòn Đất)… Đất nặn nồi là phải tươi, mịn, quánh mà không quá ướt thì mới tạo được những cái nồi đẹp, không nứt, không rạn khi nung…” (Nồi đất vào phố).
Và đây là những đoạn Lê Phương Dung viết về cơm nắm:
“Tôi dám chắc bạn đọc sẽ nghĩ là tôi sính tiếng Tây, vì Fast food là từ mới du nhập cách đây chừng vài năm chỉ để dùng cho những quán đồ ăn nhanh, đồ nguội như dăm-bông, xúc-xích, lạp-xường… Còn fast food chính hiệu ViệtNam, đó là cơm nắm!… Không người Việt nào mà không biết… Trong các vở kịch, chèo, hình tượng mo cơm nắm của người mẹ già ở quê gói tiễn con trai lên đường nhập ngũ, hay nắm cơm của người vợ hiền thảo luôn được để trân trọng trong gói hành lý của người chồng đã được các nghệ sĩ thể hiện nhiều đến nỗi mỗi khi xem tôi dường như thấy thấm đậm những giọt mồ hôi, những dòng tình cảm khi mở nắm cơm mà mẹ đã thao thức cả đêm để nắm mà chưa nỡ ăn ngay cho dù đã đói. Họ coi nắm cơm như một báu vật!…”.
Cơm nắm Lạc Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên) đã từng nuôi lớn khôn những ông Nghè, ông Trạng, và được coi như một nghề truyền thống của dân làng.
Và Dung ta đúng là “con bé nhà quê, quê một cục!”. Ta hãy đọc ít dòng trong ghi chép “Một lần trở lại Nga”: “Khi được đi máy bay lần đầu tiên trong đời, cho đến bây giờ tôi vẫn có một thói quen xấu không sửa được là dù số ghế ở đâu, tôi cũng phải cố ngó qua cửa sổ để được nhìn xuống mặt đất cho đến khi tất cả chỉ còn là những dải mây bảng lảng bay quanh. Đọng lại trong tôi lúc đó là những dòng sông, những cánh rừng, những tòa nhà nhấp nhô, những xóm làng cứ xa dần trong yên bình sâu lắng… Hành khách thường thì thào: “Chắc cô này mới đi Tây lần đầu… Đúng là cái đồ nhà quê!…”. “ừ thì quê đấy! Quê một cục thì đã sao! Tôi thường thầm cãi lại như thế… và thầm biết ơn những người ngồi cạnh cửa sổ máy bay đã cảm thông ngồi lệch đến vẹo cả sườn để chiều theo cái ý thích quái đản của tôi!…”.
Và “nạn nhân vẹo sườn” của Dung “quê một cục” lần trở lại Nga này lại ngẫu nhiên là một chàng Nga: “- Chị đã sang Nga lần nào chưa?”. Ồ anh ta nói tiếng Việt! Tôi không khỏi bàng hoàng khi quay người lại ngồi vào chỗ cũ. – Anh vừa hỏi tôi à? – Vâng tôi là Alếcxây… người Nga chính cống! Tôi có vợ và hai con gái rất xinh… Chị tên là Mai, Huệ, Sen hay Nhài? – Sao anh lại đoán thế? – à là vì các chị người Việt mình hay đặt tên bằng các loại hoa… ồ, chị tên là Dung à? Thế thì Phù Dung, cũng là tên của một loài hoa… chỉ khác một điều chị sẽ tươi trẻ mãi thôi! Ôi trời, quái quỉ là cái anh chàng Nga này! “Người Việt mình!” Có ai khéo mồm hơn anh ta không? Lại còn biết rõ phù dung sớm nở tối tàn nữa kia chứ!…”.
Thế rồi khi tiếng Việt, khi tiếng Nga, Alếcxây và Dung ta tán chuyện với nhau về đủ các thứ trên trời dưới đất của cả hai đất nước. Họ nói chuyện “Thu ẩm”, “Thu điếu”, “Thu vịnh” của Nguyễn Khuyến với tranh mùa thu Nga của danh họa Lêvitan…
Đọc xong bài ghi chép “Một lần trở lại Nga” đến hai trang báo, tôi chợt nhớ một bài thơ về mùa thu Paris của Dung trên Báo Người Hà Nội: “Em không tin mùa thu ấy sẽ qua/ Trên dòng Seine sắc trời chưa ngừng biếc/ Vườn Luxembourg lá không còn rực rỡ/ Một mâm vàng bừng sáng những ngày xa/… Em không tin mùa thu ấy đã qua/ Bao mùa hạ em chờ thu tới/… Paris tím hôn anh trước Khải Hoàn Môn/ Cổng chiến thắng vòm trái tim kiêu hãnh/… Những hò hẹn vẫn còn tươi mới/ Lưu ngàn tin anh nhắn đón em về…”. Dung viết về những giọt nước mắt: “Có phút giây lặng lẽ/ giọt nước mắt lớn dần/ Nặng nề và buồn bã/ Âm thầm tan trong đêm”. ấy là lúc “Em đã tập nhìn anh như một người dưng”. Thật là một sự tập đau khổ! “Mỉm cười đâu đó người dưng/ Để tôi ngồi với rối tung đây này/ Chiều tà nhìn khói ra mây/ Mở bàn tay, khép bàn tay tần ngần/… Mà thôi chuyện nợ phàm trần/ Thì tôi đã thánh với thần gì đâu/ Giận chi nhau, trách chi nhau/ Bao dung ạ… cõi thẳm sâu… tùy người“…
Bây giờ nhìn cô bạn gõ piano, hát, nhảy, đọc thơ, “cãi nhau”, trêu đùa với các con và bè bạn, không ai ngờ được chừng hai mươi năm trước cô là dân rửa bát thuê ở ga Hàng Cỏ kiêm sinh viên ngoại ngữ, kinh tế… Tôi không có cái hân hạnh được cô kể cho nghe về cuộc đời, hay sống cùng một cơ quan với cô như ông bạn Ngãi, nhưng qua những bài viết nhiều xúc động về cô của các đồng nghiệp trên báo như nhà giáo, nhà thơ Kim Dũng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều… tôi đã hiểu vì sao khi cuộc đời cho phép, cô có thể thành tỷ phú từ thiện, thành người viết báo và cả những khoảnh khắc không ít đặc sắc qua những trang ghi chép văn chương và thơ. Bất ngờ và không bất ngờ, đấy là chính cuộc đời. Có thể nói như chính thơ cô ở bài “Trên đại lộ Danh Vọng”:
Nếu anh hỏi em mơ gì chiều nay trên Đại lộ Quang Vinh
Nơi hàng ngàn ngôi sao cứ hoài nhấp nháy…

Em chỉ biết mọi danh vọng cuộc đời rồi sẽ đi qua
Và tình yêu – điều cuối cùng ở lại!.

Không có nhận xét nào: