" Đâu Cũng nh - Nh v quê hương - Ci ngun dân tc - M

y ai mà quên?" (TKL)

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Cảm nghĩ về bài thơ: “Đồng dao cho người lớn“ của Nguyễn Trọng Tạo

Cảm nghĩ về bài thơ: “Đồng dao cho người lớn“ của Nguyễn Trọng Tạo

_MSC_CLICK_TO_OPEN_IMAGEGần đây, tôi mới có dịp nghe những bài ca và đọc những bài thơ do Nhạc sĩ – Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sáng tác, bởi vì tôi xa quê hương đã lâu, trước khi mà Nhà thơ, Nhạc sĩ, Họa sĩ, Nhà báo Nguyễn Trọng Tạo trở thành người mà nhiều người biết đến.
Vì xa quê hương lâu, nên việc tiếp cận với văn học, nghệ thuật quê nhà có nhiều hạn chế, và tôi chỉ được biết đến văn học quê nhà khi mà tôi nối mạng Internet cách đây vài năm.



Tôi biết Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua những bài viết trong các trang Blog của Nhà thơ. Tôi đã bị cuốn hút vào Blog của anh cùng với những bài viết của anh và những bài viết của các nhà thơ, nhà báo đương đại… Nhờ thế, tôi mới được nghe những bài ca do Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sáng tác. Đó là những bài ca có sức lay động tim người, khiến tôi không chỉ nghe một hay hai lần mà nghe nhiều lần và đăng tải trên các Blog của tôi, để được nghe hàng ngày. Những bài hát “Quan họ quê tôi“, “Khúc hát sông quê“, “ Đôi mắt đò ngang“, “Tình ca hạt giống vàng“.v.v… theo tôi vào giấc ngủ, làm vơi đi nỗi nhớ quê hương da diết trong tôi. Tâm hồn tôi như được ru ngủ trong làn điệu dân ca Quan họ, như được trở về với dòng sông Mã thân yêu, với những đoàn thuyền tấp nập xuôi ngược cùng những tiếng hò khoan xao động tim tôi từ những ngày còn thơ ấu… được đắm mình trong dòng sông Lam quê hương của Nhạc sĩ, được thấy lại “ánh mắt yêu thương“ mà hơn một lần trong đời tôi đã bắt gặp, đã cảm nhận, đã hạnh phúc vô cùng trước ánh mắt hoàn toàn xa lạ, mới nhìn thấy lần đầu trong đời mà đã như thân quen, mà đã yêu ngay từ phút giây đầu tiên, mà “người đó“ đã mạnh dạn, bươn bả qua dòng người đông đúc, chen chúc để tới bên tôi, táo bạo làm quen giống như chàng trai hay chính là Nhạc sĩ trong “Đôi mắt đò ngang“ vậy…

Và thế là, tôi tiếp tục “tìm hiểu“ thêm về Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Tôi đọc thêm những bài viết của những người bạn, của những nhà bình luận viết về Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo… Có một lần, chú ý tới những nét đặc biệt về Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi đã “khắc họa“ Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và gửi ngay qua cảm nhận trong Blog của Nhà thơ:

Nguyễn Trọng Tạo
(Sinh 25.8.1947 tại Diễn Châu, Nghệ An
Viết tặng Nhà thơ, Nhạc sĩ, Nhà báo, Họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo)

Nguyễn Trọng Tạo danh nổi nước Nam
Đa tài thơ nhạc h
ọa... đều ham
“ Đồng dao người lớn“ (1) vang thành cổ
“Quan họ quê tôi“ (2) vọng thế nhân
Đổi mới tư duy nêu ý tưởng
Rạch ròi chính kiến gửi lời bàn
Ghi công văn nghệ - nhà Thi sĩ
Nguyễn Trọng Tạo danh nổi nước Nam.

Ghi chú: tên một trong những tác phẩm của Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:
(1): Tập thơ: “ Đồng dao cho người lớn“ (giải thưởng văn học nghệ thuật cố đô 1995-2000)
(2): Bài hát: “Làng Quan Họ quê tôi“ (thơ: Nguyễn Phan Hách - phổ nhạc: Nguyễn Trọng Tạo - giải thưởng đặc biệt của ủy ban nhân dân Hà Bắc năm 1981)

8-4-2011/Trần Kim Lan

Và mới đây, tôi đã tìm đọc những bài thơ của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Cảm giác của tôi khi đọc thơ của anh cũng thật lạ, như khi tôi nghe những ca khúc mà anh sáng tác, nghĩa là, tôi đã “mê“ ngay thơ của anh, dù tôi cũng là người viết thơ! Tôi đặc biệt lưu tâm đến bài thơ: “ Đồng dao cho người lớn“ trong tập thơ cùng tên mà anh đã đoạt giải Văn học nghệ thuật cố đô 1995-2000 và mới đây ngày 27.5.2012 tập thơ này đã được tặng giải thưởng Nhà nước cùng với “Con đường của những vì sao“ (Trường ca Đồng Lộc). Vì sao tôi lại lưu tâm đặc biệt đến bài thơ? Vì bài thơ khiến tôi phải suy nghĩ, phải trăn trở, phải “động não“ để hiểu được tình ý mà tác giả muốn gửi gắm:

Đồng dao cho người lớn

có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

1992/Nguyễn Trọng Tạo.

Để hiểu được ý nghĩa của bài thơ, trước tiên, ta phải hiểu thế nào là “đồng dao“. Đồng dao theo nghĩa của tiếng Việt tức là “lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm theo một trò chơi nhất định“, nghĩa là lời bài hát được truyền miệng từ đời này qua đời khác mà trẻ con hay người lớn đều thuộc lòng, đều thích hát cùng với trẻ con khi cùng chơi đùa với chúng trong những lúc rảnh rỗi, vì mỗi bài đồng dao ấy tuy là vui chơi, nhưng đều mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Vậy tại sao Tác giả Nguyễn Trọng Tạo lại viết bài thơ với tiêu đề “Đồng dao cho người lớn“? Và đó cũng là tên của Tập thơ mà tác giả hai lần đoạt giải thưởng? Ngay từ hai câu đầu bài thơ:

“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời“

Đã khiến tôi chú ý đến bài thơ. Tác giả viết thơ mà như đang nói chuyện cùng ta vậy. Tác giả dẫn dụ một hình ảnh tương phản: “rừng chết vẫn xanh“ và “con người sống mà như qua đời“. Tại sao một cánh rừng, một phong cảnh thiên nhiên đã bị chết (có thể là bị hủy diệt vì bom đạn chiến tranh, hoặc do nạn cháy rừng) mà mãi mãi “vẫn xanh trong tôi“? Bởi vì cánh rừng đó hữu ích, là cần thiết, làm đẹp cho cuộc sống của loài người. Còn tại sao con người sống đó, hiện hữu đó, bằng xương bằng thịt sờ sờ ra trước mắt ta đó, mà lại “như qua đời“? Vì “con người đó“ hoặc là người mà không phải là người, họ độc ác như loài dã thú, họ tiêu diệt đồng loại mà không biết ghê tay, hoặc họ là người vô tích sự, chỉ biết hưởng thụ và luôn đem lại những điều phiền toái cho gia đình, cho bạn bè, cho đồng loại! Đọc hai câu thơ, ta đã thuộc và nhớ ngay rồi và đồng tình với suy nghĩ, nhận định của Tác giả. Tiếp đến là hai câu:

“Có câu trả lời biến thành câu hỏi
Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới“

Lại cũng là hai hình ảnh tương phản, ẩn dụ: “Trả lời… câu hỏi“ và “ngoại tình… ngỡ tiệc cưới“, khiến người đọc phải suy nghĩ, phán đoán. Tại sao câu trả lời lại thành câu hỏi? Vì người hỏi đã hỏi một câu hỏi có thể là thừa, là thiếu suy nghĩ khiến người bị hỏi không hài lòng và hỏi ngược lại. Tác giả muốn nhắc nhở chúng ta “uốn lưỡi bảy lần“ trước khi nói, để tránh những tai tiếng mà do phát ngôn không thận trọng mà ra. Và tại sao “ngoại tình… ngỡ tiệc cưới“? Bởi vì ngoại tình là việc mà đạo lý, lương tâm không cho phép, nhưng mặc dù vậy, nhiều người vẫn như bị bùa mê, bả lú, vẫn lao vào, vẫn quyết tâm giành giật hạnh phúc của người khác, bằng mọi giá... và rồi cái “tiệc cưới“ chỉ là “ngỡ“ thôi, nghĩa là nó chỉ là ảo tưởng, là hạnh phúc nhất thời, mà hệ lụy của nó sẽ là sự day dứt, dằn vặt lương tâm khi nghĩ về người bạn đời của mình hay về người vợ hay chồng của nhân tình của mình. Tác giả, bằng lối nói trực tiếp, đã đi thẳng vào suy nghĩ, trái tim của người đọc, cảnh báo ta hãy cẩn thận, tránh xa trước những cám dỗ, mê hoặc của người đời.

Và Tác giả lại dẫn ta đến cảnh ngộ trái ngang, đắng chát của đời người:

“Có cha có mẹ có trẻ mồ côi
Có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
Có cả đất trời mà không nhà ở
Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông“

Đọc đến đoạn này tim ta thắt lại, nước mắt lưng tròng… vì tác giả đã vẽ ra trước mắt ta những cảnh đời bất hạnh của nhân loài, mà ta bắt gặp bất cứ ở đâu, ở trên bất cứ một đất nước nào và đó chính là điều mà Tác giả muốn nhắn nhủ, muốn lưu tâm chúng ta, những người cha, người mẹ, những nhà cầm quyền, hãy lưu tâm đến cuộc sống của nhân dân, đến những con người khốn khổ, hãy bớt chút miếng cơm, manh áo và sự sa hoa của mình để cứu giúp những cảnh đời khốn cùng “không nhà ở“, không cha, không mẹ, chưa hề biết đến niềm vui là gì…

Và câu thơ:
“Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió“

Như nhắc nhở, nhấn mạnh nhân loài đừng vô tâm, thờ ơ trước những cảnh ngộ đáng thương của cuộc đời!

Và cuối cùng là hai câu thơ:

“Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi!“

Hai câu kết đưa ta trở về thực tại, cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng rất đáng qúy, đáng yêu. Chúng ta hãy mở rộng trái tim yêu thương đến với những người thân của ta, đến bạn bè, đến những thân phận khốn khổ. Hãy làm một việc gì đó hữu ích cho đời, hãy học hỏi không ngừng, hãy trau dồi trí tuệ không ngừng để nắm bắt được tinh hoa của qúa khứ và hiện tại của nhân loài “trong chớp mắt“, để khi nhắm mắt, xuôi tay, ta có thể mỉm cười hài lòng với chính mình!

Vâng, đó chính là một bài “ đồng dao cho người lớn“ mà bất cứ ai cũng thấy tác giả đang tâm sự với mình khi đọc bài thơ, cũng sẽ thuộc ngay khi đọc, như một bài đồng dao. Tôi tin rằng, bài thơ sẽ tồn tại với thời gian và Tác giả Nguyễn Trọng Tạo xứng đáng với giải thưởng Nhà nước cho tập thơ: “ Đồng dao cho người lớn“ và “Con đường của những vì sao“ (Trường ca Đồng Lộc“ vừa được Nhà nước và Nhân dân truy tặng. Tôi viết bài này như một lời tri âm và là “qùa“ tinh thần mà tôi muốn gửi tới Nhà thơ - Nhạc sĩ - Họa sĩ – Nhà báo Nguyễn Trọng Tạo nhân dịp anh được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật qua những Tác phẩm của anh.


28.5.2012/Trần Kim Lan
  

Không có nhận xét nào: