" Đâu Cũng nh - Nh v quê hương - Ci ngun dân tc - M

y ai mà quên?" (TKL)

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Hội ngộ niềm tin tại giáo đô Roma

Hội ngộ niềm tin tại giáo đô Roma

Chúa nhật ngày 20.7.2003

 Khoảng 22 giờ, nhiều người trong chúng tôi đã có mặt tại trung tâm mục vụ Borsum, tại nhà cha linh mục. Đó là những người từ xa: Berlin, Hamburg, Dusseldoff, Holand, Việt Nam, Mỹ… đến sớm, ngủ tại trung tâm để kịp khởi hành vào sáng sớm mai. Còn những người ở gần, hoặc có người nhà đưa đi thì trườc giờ khởi hành mới đến.


Đêm trước giờ khởi hành, hầu như chúng tôi không ngủ được bởi lạ nhà, bởi tiếng chuông nhà thờ thánh thót vang ngân cứ sau mỗi 15 phút, nửa tiếng. Trời đêm lại oi nóng, cửa sổ mở, nên tiếng chuông càng lảnh lót hơn… lại thêm nỗi mong ngóng tới giờ khởi hành để sớm được tới giáo đô, tới “nhà Chúa”, tới hội ngộ niềm tin của người Việt khắp thế giới… nên chúng tôi chỉ nhắm mắt, đếm từng tiếng chuông đồng hồ nhà thờ thong thả buông từng tiếng vang động cả trời đêm tĩnh mịch.

Thứ hai ngày 21.7.2003

Khoảng 4 giờ sáng, xe đến đúng giờ như đã hẹn. các bạn trẻ và thanh niên khỏe mạnh giúp mọi người nhanh chóng chuyển hành lý lên xe. Đúng 4 giờ, xe từ từ chuyển bánh. Cha linh mục hướng dẫn chúng tôi dâng lời cầu nguyện Thiên Chúa cha ban bình an cho chuyến đi, xin mẹ Maria chuyển cầu, che chở chúng tôi. Xe tới Gottingen đón một số người, sau đó đổi lái xe. Chúng tôi tiếp tục ngủ “lắc lư” theo nhịp chạy của chiếc xe Forsch 4 sao. Mặt trời từ từ đi lên từ phía đỉnh núi, dãy núi Alpen mây mù bao phủ, dường như trời đất nối liền một dải. Khi ánh mặt trời tỏa khắp, mây mù tan loãng, mây trời non nước lấp lánh ánh bạc mang vẻ đẹp huyền ảo. Chúng tôi hết ngắm nhìn cảnh vật, nhà cửa hai bên đường, lại ngủ gà ngủ gật theo nhịp xe chạy khi êm đềm, khi nhanh, khi chậm của chiếc xe du lịch. Thế rồi, từ bên dãy Alpen, mây mù kéo tới tối sầm cả đất trời. Mưa lộp độp rơi xuống xe. Lại có tiếng lốp đốp, mưa đá rơi ngay “xuống đầu” chúng tôi, nghĩa là trên nóc xe, thành xe. Nhiều người sợ qúa, giơ tay “đỡ đầu” tránh đá! “Lạy Chúa! Lạy Đức mẹ từ bi! Xin cầu Chúa cho mưa ngừng lại, cho chúng con đi bình an!” Tôi thầm cầu khẩn, vì xe lao đao , nghiêng ngả trước mưa gió, trước mưa đá rơi rào rào vào nóc xe, thành xe… Mọi người trên xe như nín thở… Cha linh mục hướng dẫn mọi người đọc kinh cầu nguyện và kỳ lạ thay, chỉ một lúc sau đó, mưa gió ngừng lại, mặt trời lại ló rạng, tươi cười, rực rỡ đồng hành cùng chúng tôi vượt qua dãy Alpen, qua nước Áo, tới hồ Gardasee thuộc địa phận nước Ý. Hồ nước trong xanh, chảy quanh núi, nước non hùng vĩ đẹp vô cùng. Tạ ơn Chúa! Vừa sắp xếp hành lý xong, chúng tôi kéo nhau ra hồ hít thở không khí trong lành sau một ngày đường ngồi trên xe gò bó, mệt mỏi.
Phái đoàn của chúng tôi bao gồm 54 người từ nhiều thành phố phía bắc Đức, từ Hòa Lan, từ Mỹ, từ Việt Nam sang Đức thăm người nhà kết hợp chuyến hành hương về giáo đô. Nhiều bạn trẻ, từng cặp gia đình cùng đi. Đặc biệt có một bé gái 6 tuổi và một cụ già 86 tuổi, được con gái ở Đức về Việt nam đón sang cùng đi hành hương. Cũng rất đặc biệt và may mắn cho phái đoàn của chúng tôi là có cha bề trên từ Mỹ qua, đi cùng chuyến xe với chúng tôi tới giáo đô. Thế là, chẳng mấy khi có dịp may hội ngộ này, chuyến xe của chúng tôi biến thành cuộc “dự thảo” hội nghị niềm tin, trước khi tới giáo đô. Nhiều người lên đặt câu hỏi về những băn khoăn, lo lắng về truyền đạt đức tin, ơn gọi cho con cháu… Và cha bề trên, đương nhiên là “chịu trận” đã trở thành người diễn thuyết cho chúng tôi về đức tin, về ơn gọi… ngay trên chuyến xe. Còn cha linh mục thì sốt sắng giới thiệu về các Thánh, về lịch sử, danh lam thắng cảnh nơi xe chúng tôi chạy qua, đôi lúc, theo lời của ông tài xế. Và đặc biệt, trước sự nhiệt tình, thành tín của cha linh mục, của cha bề trên, của chúng tôi… Ông lái xe đã hỏi xin cha linh mục dây Thánh giá gỗ mà cha đang đeo trước ngực. Cha linh mục đã làm phép và tặng ông tài xế vòng dây Thánh giá và ông còn muốn dự Thánh lễ cùng chúng tôi nữa, nếu có điều kiện.
Buổi tuối, sau khi ăn xong, chúng tôi cùng các cha dâng Thánh lễ cầu nguyện cho chuyến hành hương…

Thứ ba ngày 22.7.2003

Chúng tôi ngủ lại một đêm tại Gardsee và 8 giờ sáng, chúng tôi lên đường tới viếng tháp nghiêng Pisa. Tới Pisa, chúng tôi đi thăm tháp nghiêng, nhiều người giơ tay “đỡ tháp” cho khỏi đổ và người khác thì hối hả chụp ảnh kẻo lỡ mất dịp may có một tấm hình làm kỷ niệm… Trên chặng đường tới Pisa, chúng tôi “chạm trán” với phái đoàn khác cũng từ Đức dẫn đầu. Chúng tôi vẫy tay chào như gặp lại người thân quen, hò reo vang đường.
Chúng tôi có mang theo quần áo tắm, nhưng chỉ được “tắm ngó” vì bãi biển họ thầu hết rồi. Đi lòng vòng bãi biển mà cũng không có bãi tắm tự do. Cha linh mục cùng một số người thuê ô (dù) để được tắm, vừa nhảy xuống biển, thấm ướt quần áo, lại phải nhảy lên ngay, vì thấy đoàn người đông qúa, họ không cho! Vậy cũng coi như được “nhúng” nước biển rồi, vợi được phần nào sự nóng bức trên xe.

Thứ tư ngày 23.7.2003

Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi lên đường tới Firenze, thành phố nghệ thuật nổi tiếng thế giới bởi danh họa trứ danh Mechelangelo và nhiều thiên tài thế giới nổi tiếng khác. Chúng tôi viếng thăm đền Thánh, rảo chân, đưa mắt khắp chốn để thu vào tầm mắt nhỏ bé của mình những kiệt tác nghệ thuật của các danh họa thế giới, cả tượng vua Davit, biểu tượng của sức mạnh, của sự đẹp đẽ, oai hùng thời xa xưa… và lại vội vã ra điểm hẹn, kẻo muộn giờ, kẻo mọi người phải chờ đợi. Khoảng 17 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi tới Asisi dự Thánh lễ tại Katharine Kapelle. Cha linh mục phải chạy trước đến nhà thờ, chúng tôi chạy đuổi theo cha, vì xe tới chậm giờ Thánh lễ. Và chúng tôi cũng kịp dự Thánh lễ, viếng mộ Thánh Phan xi ô.

Thứ năm ngày 24.7.2003

Hôm nay là ngày hội ngộ. Khoàng 8 giờ sáng, chúng tôi lại cùng các cha dâng Thánh lễ tạ ơn tại đền Thánh Phan xi ô (Asisi), sau đó lên đường tiến về Roma.
Đoàn xe chúng tôi từ từ , từ từ tiến vì đường đầy nghịt những xe. Ngược chiều với chúng tôi, đường bị tắc ngẽn, vì tai nạn. Thế nhưng, tuyến đường chúng tôi đi cứ bon bon, không gặp trở ngại gì! Tạ ơn Chúa! Tạ ơn Đức mẹ và các Thánh đã dẫn đường cho chúng con đi bình an!
Tới Roma, khách sạn Casa “Tra Noi”, chúng tôi tắm rửa, thay quần áo, đến hội trường (Terminal Gianicolo). Hội trường là một nhà ngầm, mới xây trước năm Thánh 2000, dùng làm nơi Thánh lễ, có sức chứa hàng chục ngàn người. Chúng tôi lên tầng 5, ăn tối. Phòng ăn rộng lớn, người Việt từ khắp thế giới hội tụ tại đây. Các cha, các thầy, các sơ, các ông, các bà, các cô bác, các anh chị em, các cháu… đủ mọi lứa tuổi trên khắp thế giới đều hội tụ nơi đây, khoảng hơn 2300 người. Thế mà, chỉ “ào” một cái là vào chỗ ngồi. Và chỉ “nháy mắt” một cái là mọi thứ đã được “nấu sẵn” (như trên máy bay) bay trên bàn và cũng “rào rào như tằm ăn rỗi” là mọi người đã “no say” và sinh lực lại dồi dào trở lại sau những chặng đường xa mệt nhọc vì ngồi trên xe, trên máy bay gò bó, mệt lả… vì nóng bức, vì mồ hôi… Thế nhưng, ai cũng vui cười mừng rỡ vì được về “nhà Cha”, được gặp gỡ để trao đổi niềm tin, được gặp lại người thân quen. Chỉ tiếc là chúng tôi tới muộn, nên chưa kịp dâng Thánh lễ tại đền Thánh Phê rô, chỉ mới kịp viếng thăm vội vàng, bên ngoài đền Thánh.
Đúng 11 giờ 15 phút giới thiệu các phái đoàn, chào đón quan khách. Đức ông linh mục đọc lời mở đầu. Sau đó là đức hồng y, tổng trưởng bộ truyền giáo đọc sứ điệp khai mạc hội nghị niềm tin, ngài kết thúc sứ điệp với câu: “Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rom 8: 28). Tôi tin chắc như thế, tôi nghĩ là Thiên Chúa quan phòng đã dành cho người dân Việt một sứ mệnh rất cao cả và đặc biệt, đó là sứ mệnh loan truyền Tin mừng cho các dân tộc khác!” Với những tâm tình đó, qua lời bầu cử của Đức mẹ La Vang, tôi thành tâm cầu khẩn ơn Thánh tràn đổ trên tất cả anh chị em!”
Hội trường vang dậy bài hát “Hành trang tuổi trẻ” của nhạc sĩ Hoàng Đức (cha bề trên đi cùng chuyến xe với chúng tôi), tràn đầy tâm tình, vui mừng, lo âu… của mọi người hành hương về nhà Chúa!
Tiếp đến là Thánh lễ kính Thánh Andre Dũng lạc và các bạn tử đạo. Thánh lễ được kết thúc với lời nguyện hiệp lễ: “Lạy Chúa, chúng con đã được nuôi dưỡng bởi cùng một Bánh thiêng trong ngày mừng kính các Thánh tử đạo, xin cho chúng con được hiệp nhất với nhau trong tình yêu Chúa và nhận lãnh phần thưởng muôn đời dành cho những ai biết kiên trì trong gian lao, thử thách, như Đức Ki Tô, Chúa chúng con!”

Thứ sáu ngày 25.7.2003

Ngày hiệp nhất: ngày gặp gỡ, chia sẻ. Được chia theo các thành phần:
- Người lớn: Qúa trình chứng tá niềm tin và viễn tưởng hành trình đức tin của cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại.
- Giới trẻ: “Tương lai cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại”
Cuộc hội thảo đã diễn ra hết sức sôi nổi, vui vẻ và đầy chân tình.
Phía “người lớn” dưới sự chủ tọa của cha người Việt và cha người Ý.
Thuyết trình về “Qúa trình chứng tá đức tin” của cha Người Việt tại Đức và Đức ông người Việt đến từ Mỹ và các cha đến từ Canada, châu Á, châu Úc. Và “Viễn tưởng hành trình đức tin của cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại” do Đức ông người Việt tại tòa Thánh Vatican thuyết trình.
Đặc biệt là giới trẻ, dưới sự chủ tọa của đức cha giám mục từ Mỹ, đã diễn ra hết sức sinh động, đầy lý thú với sự tham gia phát biểu mạnh dạn, năng động của các bạn trẻ.
Sau đó là nghi thức hòa giải. Khoảng 12 giờ, rước kiệu và phép lành Thánh thể. Khoảng 16 giờ, Thánh lễ tạ ơn, kính Thánh Gia Cô Bê tông đồ tại đền thờ Đức bà cả, với lời nguyện hiệp lễ: “Lạy Chúa, chúng con vừa hân hoan đón nhận hồng ân Chúa, trong ngày lễ kính Thánh Gia Cô Bê tông đồ, xin nhận lời Thánh nhân khẩn nguyện và gìn giữ, che chở chúng con! Chúng con cầu xin!”
Có điều đặc biệt là, sau khi ăn cơm, tôi về khách sạn, để cùng đì đến đền thờ Đức bà cả, thế nhưng, tôi chẳng thấy ai cùng đoàn, chỉ có phái đoàn khác. Tôi lên các phòng nghe ngóng xem có ai không, thì tất cả đều yên tĩnh. Tôi hối hả xuống trước cửa khách sạn, phái đoàn bạn đã đi rồi! Tôi chạy vội ra hội trường, giữa đường dốc, gặp một bác cũng đang chạy bộ đi lên, để tìm một người trong đoàn còn thiếu, tôi xin đi nhờ. Chạy ra chỗ xe, xe vừa chuyển bánh. Tôi không hiểu bác đó có “cánh” hay sao mà nhanh vậy! Chân tôi bắt đầu phồng nhức vì đau, vì trời nắng, lại chạy lên dốc, xuống dốc. Tôi thất thểu, thất vọng vì “thế là lỡ không được đến dự Thánh lễ tại đền thờ Đức bà cả rồi!” Tôi thầm kêu: “Chúa ơi! Mẹ ơi! Cứu con với! Con bị lạc rồi! Biết đến đền thờ Đức bà cả thế nào đây? Thôi, con đến viếng đền Thánh Phê Rô, cầu nguyện một mình vậy!” Tôi gần như sắp “rơi lệ” thì nhìn thấy một sơ đang đứng đợi xe bus. Tôi hỏi: “Sơ đi đâu đấy? Sơ có đến dự Thánh lễ ở đền thờ Đức bà cả không?” “Có!” Sơ trả lời. “Thế sơ cho đi cùng với!” Vậy là sơ đi lấy vé hộ. Có cả một cha đi cùng. Lên xe, lại thấy có 4 sơ khác nữa cũng đi cùng chuyến. Và chúng tôi đã kịp đến dự Thánh lễ. Sở dĩ tôi “bị lạc” vì sau khi ăn, tôi có gặp cha Hòa đến từ Việt Nam để nhờ cha chuyển một số góp ý trao đổi cho soạn giả Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước (tái bản 1998- TP Hồ Chí Minh), sau đó, ngó quanh quẩn, chẳng thấy ai cả, mới về khách sạn… thế mới biết, mọi suy nghĩ, dù thầm kín trong đầu của mỗi người, Thiên Chúa, Đức mẹ, các Thánh… đều biết cả và ta sẽ được trợ giúp đúng lúc!
Sau Thánh lễ, chúng tôi cùng cha linh mục tới thăm hý trường Coloseo, đi bộ một vòng rồi về hội trường ăn cơm tối.
Khoảng 20 giờ 30 phút tối, chúng tôi tham dự “đêm thắp sáng niềm tin” văn nghệ do các ca sĩ đến từ Mỹ, Úc… và ca múa nhạc do các phái đoàn đến từ các nước.
Đêm “thắp sáng niềm tin” đã khơi dậy trong lòng mọi người niềm tin nơi Thiên Chúa. Mọi người đều ở lại tham dự, cả những em bé, các bác già cả… Một ơn lạ đã xảy ra, ca sĩ Thanh Lan đã xin được chịu phép rửa tội ngay đêm nay tại giáo đô Roma, tại hội nghị niềm tin của người Việt khắp thế giới. Xin Thiên Chúa ban phước lành cho chị và gia đình!

Thứ bảy ngày 26.7.2003

Hôm nay là ngày chứng nhân. Theo lịch trình thì 9 giờ sáng, các phái đoàn tới triều yết Đức Thánh cha, thế nhưng, vì sức khỏe, tuổi thọ cao, Đức giáo hoàng không gặp gỡ, tiếp xúc được với các phái đoàn. Thay vào đó, các phái đoàn tự bố trí đi thăm hang toại đạo, nơi các Thánh tử đạo đầu tiên thời La Mã đã sống và chết tại đó, cũng là “nhà” để chôn xác các tử đạo thời tiên khởi. Khi đoàn chúng tôi xuống thăm, tôi không xuống được (vì chân đau, cũng may, năm 2000 tôi đã được viếng thăm rồi). Nhưng tôi đứng ở trên cầu nguyện, lần hạt Mân côi và hát bài: “Những nhân chứng đức tin” do tôi sáng tác để dâng lên các Thánh và trước lúc rời xa, tôi đã hát trên xe bài hát đó để dâng lên các Thánh, vì đó cũng là tâm tư của mọi người cùng đi…
Sau khi ăn trưa, chúng tôi được chia theo các thành phần:
- Linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, chủng sinh: “Chứng từ hiệp nhất trong ơn gọi tông đồ, tận hiến”
- Thành viên hội đồng mục vụ, chủ đề: “Chứng nhân hiệp nhất để xây dựng cộng đoàn. Hiệp nhất và dấn thân loan báo tin mừng”
- Phụ huynh: “Chứng nhân hiệp nhất trong tình yêu để thông truyền đức tin cho con cái”
- Chứng nhân hiệp nhất theo Tin mừng để làm tông đồ cho giới trẻ
- Phong trào hội đoàn: “Hiệp nhất để loan báo Tin mừng theo linh đạo của phong trào, hội đoàn”
- Giới truyền thông: “Chứng nhân hiệp nhất để loan báo Tin mừng qua phương tiện truyền thông”
- Giới nghệ sĩ: “Chứng từ hiệp nhất để loan báo Tin mừng qua nghệ thuật”
Đến 18 giờ ăn tối tại hội trường và 19 giờ 30 phút rước kiệu Đức mẹ La Vang. Giáo dân từ các nước với trang phục áo dài Việt Nam, mũ vương miện mầu sắc đã cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ… rước kiệu Đức mẹ La Vang, đọc kinh cầu nguyện, lần hạt Mân côi, tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Đức mẹ La Vang đã hiện ra cứu giúp con chiên bị bách đạo cách đây hơn 200 năm tại La Vang (Huế).
Thánh lễ hướng về giáo hội Việt Nam, lễ kính Đức mẹ La Vang được diễn ra trang nghiêm, trọng thể với lời nguyện hiệp lễ: “Lay Chúa, chúng con vừa được bổ dưỡng bởi các nhiệm tích ban sự sống trong khi kính nhớ Đức trinh nữ Maria. Chúng con nài xin Chúa thương ban cho dân Chúa luôn tiến triển trong đức tin vẹn toàn để đáng được hưởng phúc trường sinh với mẹ muôn đời, nhờ Đức Ki Tô!”
Đúng 22 giờ: Đêm canh thức “hội ngộ và ra khơi”, chứng từ và hát thánh ca.
Đêm văn nghệ được diễn ra với sự tham gia của các ca sĩ nổi danh và các phái đoàn từ các nước. Nhưng nhiều người ra về sớm, có lẽ vì một ngày nắng nóng, tham quan, hội thảo, mệt mỏi… và cũng vì âm thanh không được tốt chăng? Cuối buổi, các ca sĩ cùng một số người quyên tiền cho hội nghị nhưng còn ít người qúa, vì sự đóng góp của mỗi người không đủ chi phí cho những ngày ở hội nghị, còn thiếu hơn mấy chục ngàn Euro nữa mới bù lại được tiền chi cho hội nghị. Ban tổ chức chỉ còn trông chờ vào số tiền bán CD, DVD và lòng hảo tâm của những “mạnh thường quân” mà thôi.

Chúa nhật ngày 27.7.2003

Hôm nay là ngày “Ra khơi”. Thánh lễ bế mạc và nghi thức sai đi được diễn ra tại đền Thánh Phê Rô. Chủ tế là Đức hồng y Cresncenzio Sepe, đồng tế có các giám mục và linh mục.
Thánh lễ đã diễn ra hết sức trang nghiêm và trọng thể. Lần đầu tiên, tại đền Thánh Phê Rô, Thánh lễ được cử hành dành riêng cho người công giáo Việt Nam. Có một số người Ý và khách hành hương, du lịch từ các nước khác cũng tham dự Thánh lễ.
Thánh lễ được kết thúc với lời nguyện hiệp lễ của Đức hồng y chủ tế: “Anh chị em thân mến, như xưa, Chúa Ki Tô đã sai các Thánh tông đồ, thì ngày nay, Ngài cũng sai anh chị em ra đi tới mọi nẻo đường khắp năm châu để cùng Ngài loan báo cho mọi người biết Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến trong thế gian để thi hành sứ mệnh Cứu thế. Anh em cũng được sai đi để rao giảng Lời cứu rỗi của Ngài cho mọi người và Thánh hóa các thực tại trần gian…”
Sau Thánh lễ, chúng tôi có một số thời gian để đi tham quan đền Thánh Phê Rô, đi mua sắm qùa kỷ niệm và 17 giờ, chúng tôi lên xe khởi hành đến Fiano Romano và ngủ đêm tại ngoại thành Roma.
Tới khách sạn, còn sớm, chứng tôi đi “thăm biển”, nhảy sóng, một số nam thì nhảy ào xuống tắm, vì thời tiết rất nóng, nhiệt độ lên tới 39-40 độ. Buổi tối, sau khi ăn xong, chúng tôi cùng cha linh mục chung vui văn nghệ, tâm tình. Tôi cũng hát một bài ca dâng lên Thiên Chúa, Đức mẹ, các Thánh và song thân… tình yêu và sự biết ơn của tôi, bài: “Con dâng tặng bài ca” trong tập thơ “Đường đến nước Trời” của tôi và “ơn lạ” đã xảy ra: gió mát tức thì thổi tới sau khi tôi hát và hai đêm tại khách sạn phải kéo kín song cửa (vì sợ mất cắp, nơi đây không được an toàn, theo lời của chủ khách sạn). May thay, hai tối ở đây, khí trời dịu mát, chúng tôi “chợp mắt” được nên cũng tỉnh táo để lên đường.

Thứ hai ngày 28.7.2003

Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi khởi hành đi Padova và 15 giờ tham dự Thánh lễ tại đền Thánh Antonius (kapitel saal). Tại đền Thánh Antonnius, ông lái xe cũng muốn vào dự Thánh lễ cùng chúng tôi, nhưng khi nhìn thấy đoàn chúng tôi, ông đi ra đi vào, có lẽ ông ngại vì không hiểu tiếng, hay vì phải trông xe, trông hành lý, ông ra ngoài nhà thờ, cầu nguyện một mình. Xin Chúa ban phước lành và mở cửa tâm hồn ông cùng gia đình để mọi người nhận biết Chúa và trở về cùng Chúa. Chúng tôi chiêm ngắm “lưỡi” của Thánh Antonius và thầm cầu nguyện…

Thứ ba ngày 29.7.2003

Chúng tôi khởi hành đi Venezia lúc 8 giờ 30 phút, đi thuyền. Venezia thật đẹp và đầy nắng, gió biển. Từng đoàn người, đoàn thuyền ngược xuôi tấp nập, vì đây là thành phố nổi có một không hai trên thế giới. Chúng tôi viếng đền Thánh Marco, khi nước vừa rút khỏi đền Thánh trước đó không lâu, nên vẫn còn hơi ẩm ướt. Nhiều chỗ dưới nền nhà bị lún xuống, lối đi phải rải thảm. Vòm trên đền Thánh đều dát vàng với những mầu sắc đá qúy khác nhau. Mộ Thánh Marco ngay trong đền Thánh. Chúng tôi tham dự Thánh lễ chung tại đền Thánh, sau đó đi dạo quanh các cửa hàng, mua sắm đồ lưu niệm và đúng giờ, chẳng thiếu một ai cả (mặc dù cha linh mục hồi hộp không biết có đủ người không?) vì đông người, lên tầu không kiểm soát được. Lên xe, mới thấy ai cũng có mặt hết. Bởi “lạc” ở đảo thì việc tìm kiếm, đi lại khó khăn, nên ai cũng lo ra cho đúng giờ cả.
Khoảng 20 giờ chúng tôi ngồi lại dâng lễ tạ ơn và chia sẻ tâm tình cùng nhau. mỗi người tự giới thiệu về mình và ai cũng nhận được hồng ân Thiên Chúa ban cho mình. Trong suốt chín ngày đi về, dậy sớm, thức khuya, nhưng ai cũng thấy mình khỏe mạnh thêm ra, niềm tin nơi Thiên Chúa vững bền hơn… Chúng tôi vô cùng khâm phục các em bé, các bác nhiều tuổi, đặc biệt là bà mẹ 86 tuổi từ Việt Nam, răng nhuộm đen, ăn trầu “đúng là bà mẹ Việt Nam”, vẫn nhanh nhẹn, dẫn đầu, con gái còn phải “xách dép” mà chạy theo bà cũng chưa chắc đã kịp! Hai bác nhiều tuổi (vợ chồng) cũng tràn đầy tâm tình biết ơn Chúa, đứng lên hát bài ca dâng lên Thiên Chúa lòng biết ơn do chính mình “tự biên tự diễn”.
Buổi tiệc chia tay diễn ra đầy tình cảm lưu luyến. Ai cũng cảm tạ Thiên Chúa, cảm tạ Đức mẹ, các Thánh đã ban ơn cho mình và biết ơn cha linh mục đã tổ chức những chuyến hành hương đầy ý nghĩa, bổ ích và lý thú cho mọi người.

Thứ tư ngày 30.7.2003

Chúng tôi khởi hành trở lại Đức lúc 3 giờ sáng. Vì khởi hành sớm, ai cũng còn “ngái ngủ”. Ông lái xe cũng vậy! Ông bỏ quên chìa khoá, cha linh mục cùng một số người phải soi đèn pin tìm chìa khóa cho ông nơi ông đậu xe, ngoài bãi cỏ. Thật đúng là như “mò kim dưới đáy biển”. Tôi lại thầm cầu khẩn: “Lạy Chúa, lạy Đức mẹ, lạy các Thánh! Hãy cứu chúng con! Chia khóa ông lái xe để đâu?” Và lạ thay, ngay lập tức, chìa khóa đã tìm thấy! Ông để ở va li! Tạ ơn Chúa! Đi được một đoạn, máy ngừng, xe không chạy được, ông lái xe nhằm vệ đường mà xuống! Ai cũng còn đang “say sưa” giấc nồng. Tôi chợt tỉnh và thầm cầu khẩn: “Lạy Chúa, lạy Đức mẹ, lạy các Thánh, xin cứu chúng con, cho chúng con đi về bình an!” Và lạ thay, lần này, ơn lành lại đến. Xe hết trục trặc, ông lái xe đã “tỉnh ngủ” và chuyến về của chúng tôi, nhờ Chúa, nhờ Đức mẹ, nhờ các Thánh phù trợ, nhờ sự tận tình tháo vát của cha linh mục mà mọi việc đều “thuận buồm xuôi gió”, cập bến Borsum bình an!
Trong chuyến hành hương của chúng tôi có mấy anh chị từ Mỹ qua, gặp trở ngại vì đình công ở Anh, phải ngủ lại phi trường một đêm, lại thất lạc một va li chưa tìm thấy, thế nhưng, nhờ Chúa, vẫn đến kịp lúc khởi hành tại Borsum và vui vẻ, bình an trong những ngày hành hương. Một số phái đoàn khác, có một số người bị móc túi, mất tiền, mất giấy tờ, bị kẻ gian đóng giả cảnh sát, lấy hết tiền, mất giấy tờ, vòng vàng, đồng hồ qúy nữa. Rồi một cha đến từ Đài Loan cũng bị mất ví, mất cả giấy tờ, hộ chiếu, tiền… mà phái đoàn của chúng tôi thì “bình an vô sự” vì cha tuyên úy luôn luôn nhắc nhở chúng tôi phải cảnh giác, gìn giữ “hầu bao” để tránh cho người khác khỏi phạm tội, để chuyến hành hương vui vẻ, trọn vẹn. Chuyến về, chúng tôi chỉ “thất lạc” cha bề trên đã đi cùng chúng tôi, vì cha bay thẳng về Mỹ!

Tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức mẹ và các Thánh, ông bà, cha mẹ, cô bác… đã che chở, gìn giữ chúng con tới “hội ngộ niềm tin” của người Việt khắp thế giới tại giáo đô Roma và lại gìn giữ chúng con lúc trở về mọi sự an lành, đầy hồng ân Chúa ban!
Chúng tôi trở về tới Borsum khoảng 19 giờ 30 phút, trời sáng sủa trở lại, mặt trời còn soi tỏa, không khí mát mẻ, dễ chịu và như thường lệ, chúng tôi tươi tỉnh trở lại sau khi được thưởng thức món bún riêu “thượng hạng”, có thịt băm, tại vườn trung tâm mục vụ, nhà cha tuyên úy cùng với dưa hấu, táo xanh chát, chua chấm với magi, muối, rồi cả trái lê còn “non nớt” cũng được mọi người “nếm thử”. Mà bà mẹ Việt Nam 86 tuổi, răng vẫn còn khỏe và cô gái 19 tuổi cũng hái mấy trái táo xanh đem về Berlin, Gottingen để chấm muối, nước mắm ăn cho đỡ nhớ hương vị quê hương!
Để kết thúc lược trình chuyến hành hương “hội ngộ niềm tin” tại giáo đô Roma, tôi xin dâng lên Thiên Chúa, lên Đức mẹ, các Thánh cùng giáo hội bài ca:

Hội nghị niềm tin
(Tha thiết, tình cảm, vui)

Con lại hành hương về Giáo đô
“Người Việt - niềm tin”, đang đón chờ
Rộn rã hồn con bao năm tháng
Thỏa lòng mong đợi, với ước mơ…

Đây rồi giáo đô, đây nhà Cha
Uy nghi, rạng rỡ, nắng chan hòa
Mắt Cha ẩn, hiện… từng giọt nắng
Mừng rỡ, hân hoan, con về nhà…

Xin tạ ơn Cha, Đấng ân tình
Hồng ân Cha tỏa mỗi lộ trình
“Hội nghị niềm tin”, con dân Chúa
Chúa Cha ngự giữa, tràn Thánh linh!

Roma 21-7/30-7/2003

Ra đi loan báo Tin Mừng
(Vui, tình cảm)

Chúa sai chúng con loan báo Tin Mừng
“Xin vâng! Xin vâng! Xin vâng lời Chúa
Hội nghị niềm tin đồng lòng dâng hiến
“Loan tin cứu độ, tới khắp mọi miền!”

(ĐK). Nào ta cùng đi, loan báo Tin Mừng
Dù lắm chông gai, dù đời từ chối
Hãy đi! Hãy đi! Xua tan tăm tối
“Thắp sáng niềm tin nơi Đức Chúa Trời!”

“Xin vâng! Xin vâng! Xin vâng lời Người!”
Hội nghị niềm tin con Chúa khắp thế
“Nào ta cầm tay, gái, trai, già, trẻ…
Hợp nhất đức tin – loan báo Tin Mừng!”

Roma 24-7/27-7/2003/Trần Kim Lan


(Trích: Truyện ký (nhật ký xen lẫn hồi ký): Đời tôi)
 

Không có nhận xét nào: